Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
Hợp tác xã Chè an toàn Khe Cốc đã thực hiện hình thức tưới tiết kiệm dựa trên việc đo độ ẩm của đất.

Ngay ở những tháng đầu năm này, độ ẩm cao, tuy nhiên lượng mưa lại thấp hơn rõ rệt so với những năm trước làm ảnh hưởng không nhỏ tới quy trình sản xuất của người làm chè, đặc biệt là đối với những mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ. Để đối phó với biến đổi khí hậu, hợp tác xã này đã thực hiện hình thức tưới tiết kiệm dựa trên việc đo độ ẩm của đất, cùng với đó việc canh tác theo quy trình hữu cơ để đất không bị thoái hóa, tích ẩm, giữ nước ngầm về lâu, về dài.

Ông Tô Văn Khiêm, Hợp tác xã Chè an toàn Khe Cốc, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương chia sẻ: "Trên đồi bà con vẫn trồng những cây để làm rừng giữ ẩm và chống xói mòn cho đất. 3 năm trở lại đây, chúng tôi dùng hệ thống tưới van xoay để tiết kiệm nước".

Còn đối với ông Kiều Thượng Chất, xã Phú Thương, huyện Võ Nhai trước đây chỉ tập trung vào vụ chính thì nay cũng chuyển toàn bộ diện tích sang thâm canh rải vụ, tưới nhỏ giọt, cùng với việc bọc quả để đối phó với các loại sâu bệnh hại đã ngày càng thích nghi với thuốc bảo vệ thực vật. Với cách làm này, cây na không chỉ ra quả làm nhiều đợt mà còn cho năng suất cao hơn hẳn với sản lượng lên tới hơn 7 tấn/năm, cao hơn gần 20% so với trước.

Ông Kiều Thượng Chất, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai cho hay: "Vụ mùa chính ở đầu cành chúng tôi để khoảng 10kg/cây, nhưng vụ này chúng tôi chỉ để 7-8kg, bán đắt hơn nên 2 vụ tương đương nhau".

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
Những năm gần đây, tại công trình phục vụ thủy lợi, dân sinh, lượng nước về hồ giảm làm ảnh hưởng đến quá trình vận hành, phục vụ sinh hoạt và sản xuất của bà con.

Những năm gần đây, tại công trình phục vụ thủy lợi, dân sinh, lượng nước về hồ giảm làm ảnh hưởng đến quá trình vận hành, phục vụ sinh hoạt và sản xuất của bà con. Một trong những biện pháp để khắc phục là tìm nguồn nước thay thế và tối ưu hóa quy trình vận hành.

Ông Trần Trung Dũng, Phó trạm trưởng Trạm Dịch vụ quản lý công trình cấp nước nông thôn Thái Nguyên cho biết: "Biến đổi khí hậu là tình trạng chung, có ảnh hưởng đến công trình tự chảy. Đơn vị quản lý vận hành đã có nhiều biện pháp để đảm bảo lượng nước, chất lượng nước cấp cho người dân; đã tiến hành bổ sung thêm nguồn để đảm bảo nước cho bà con".

Theo nghiên cứu mới đây, biến đổi khí hậu dự kiến làm giảm khoảng 12% diện tích sản xuất nông nghiệp ở khu vực phía Bắc. Biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến diện tích sản xuất nông nghiệp mà còn liên quan tới cả năng suất nông nghiệp. Kịch bản biến đổi khí hậu trung bình dự báo sản lượng lúa xuân có thể giảm gần 720 kg/ha vào năm 2050. Trong khi các giải pháp căn cơ vẫn còn chờ hoạch định thì người nông dân và các đơn vị vẫn cần sự chủ động để trước mắt đảm bảo đời sống của chính mình trong điều kiện sản xuất vẫn còn bị thu hẹp và ngày càng khó khăn./.