Chống thực phẩm ‘bẩn’, Thủ tướng yêu cầu hiểu chính sách và thực tiễn
“Anh hiểu đường lối, chính sách giỏi nhưng thực tiễn liên quan đến người dân mà không hiểu thì cũng không có tác dụng. Hành động của chúng ta phục vụ người dân là chính”, Thủ tướng phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo TPHCM về bảo đảm ATTP.
Thủ tướng lưu ý việc cơ quan quản lý hiểu đường lối, chính sách giỏi nhưng thực tiễn liên quan đến người dân mà không hiểu thì cũng không có tác dụng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Ngày 8/10, sau khi đi kiểm tra cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp, quán ăn đường phố, siêu thị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo UBND TPHCM về việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP).
Thủ tướng ăn phở “bình dân”, ngành y tế không lo
Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành.
Nhắc lại việc sáng nay, Thủ tướng đã đi kiểm tra cơ sở chế biến suất ăn tập thể, quán ăn đường phố, những loại hình cung cấp dịch vụ ăn uống mà người dân TPHCM sử dụng nhiều nhất trong ngày, và trực tiếp dùng điểm tâm tại một quán ăn bình dân, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, “Có người hỏi tôi là Thủ tướng ăn phở ở quán bình dân xong thì ngành y tế có lo không. Tôi trả lời là không vì tin rằng thực phẩm ở quá đó bảo đảm an toàn”.
Theo báo cáo của UBND TPHCM, thời gian qua, Thành phố đã triển khai một số chương trình, đề án mang tính đột phá trong công tác bảo đảm ATTP như xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo chuỗi thực phẩm an toàn, dự án nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi, triển khai thí điểm hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP của quận-huyện, phường-xã-thị trấn, thành lập Trung tâm Kinh doanh hương liệu, hóa chất…
Thành phố đã cấp chứng nhận cho 45 cơ sở với 97 giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi thực phẩm an toàn. Thành phố đã ký kết với các tỉnh có nguồn nông sản thực phẩm đưa về Thành phố tiêu thụ (ký với 5 tỉnh trong lĩnh vực trồng trọt-bảo vệ thực vật; ký với 21 tỉnh về chăn nuôi thú y; 15 tỉnh trong lĩnh vực thủy sản).
Cho biết nông sản tự sản xuất tại Thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường hoan nghênh việc TPHCM ký hợp tác với các địa phương để chủ động nguồn cung thực phẩm. TPHCM cũng là nơi đi tiên phong về xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, từ khâu sản xuất đến giám sát, chế biến, lưu thông. Với 10 triệu dân, một năm cần 3 triệu tấn thịt lợn, nửa triệu tấn thủy sản và các nhóm thực phẩm khác, một triệu tấn rau, thì phần mà Thành phố kiểm soát được chưa phải là nhiều nên thời gian tới cần tập trung hơn nữa.
Cho rằng các văn bản chính sách hiện đã quy định khá chi tiết về công tác ATTP, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định vấn đề mấu chốt hiện nay là tổ chức thực hiện và điều quan trọng nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. “Với lực lượng hiện nay thì không thể dàn hàng ngang để làm hết được nên cần chọn từng lĩnh vực, làm từng đợt, có kết quả rồi làm đợt khác”, Phó Thủ tướng gợi ý và nhấn mạnh, cần đẩy mạnh vận động, tuyên truyền cũng như thanh tra, kiểm tra.
Hiểu chủ trương, chính sách mà không hiểu thực tiễn cuộc sống thì không có tác dụng
Sau khi nghe các ý kiến tại cuộc làm việc cũng như trực tiếp kiểm tra thực tế trước đó, Thủ tướng bày tỏ hài lòng về một số kết quả của TPHCM trong việc bảo đảm ATTP, một vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống người dân.
“Chúng ta lo cho dân nhưng người dân cũng rất cần tự nhận thức, hành động thì mới thành công, nhất là với thành phố 10 triệu dân này. Vì vậy, đầu tiên phải là công tác tuyên truyền vận động. Thứ hai là có hành lang pháp lý. Thứ ba là kiểm tra, đôn đốc và xử lý”, Thủ tướng nói và đánh giá trên các góc độ đó, TPHCM đã đạt kết quả bước đầu nhưng rất quan trọng.
Thủ tướng hoan nghênh các cách làm hay, sáng tạo, quyết liệt của Thành phố như có gần 30 văn bản chỉ đạo của Thành ủy, UBND, đã tổ chức khá hiệu quả đề án ATTP theo chuỗi, đã ký kết với nhiều địa phương về cung cấp thực phẩm sạch, tổ chức phiên nông sản sạch vào thứ Bảy hằng tuần, hằng tháng công bố cơ sở đủ điều kiện ATTP và cơ sở vi phạm…
TPHCM cũng là địa phương đầu tiên đề xuất cơ chế thanh tra chuyên ngành ATTP, trên cơ sở đó Thủ tướng đã có quyết định cho thí điểm thực hiện hình thức này.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng những kết quả trên mới là bước đầu, vẫn còn tồn tại, hạn chế. Công tác quản lý ATTP còn bất cập, từ sản xuất đến tiêu thụ. Số cơ sở vi phạm còn lớn. Từ đầu năm đến hết tháng 7/2016, kiểm tra 641 cơ sở thì phát hiện 211 cơ sở vi phạm, tức là chiếm 30%.
“Chưa gắn trách nhiệm người đứng đầu địa phương với việc mất ATTP. Chúng ta có bộ máy như vậy mà vấn đề quan trọng với cuộc sống không lo thì sao được”, Thủ tướng nói. “Tôi rất mừng khi đi kiểm tra, có một cô chủ tịch phường trẻ tuổi đã nói vanh vách về ATTP trên địa bàn, có bao nhiêu cửa hàng phở, bao nhiêu điểm sản xuất giò chả, làm bún… Anh hiểu đường lối, chính sách giỏi nhưng thực tiễn liên quan đến người dân mà không hiểu thì cũng không có tác dụng. Hành động của chúng ta phục vụ người dân là chính”.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP. Tập trung quy hoạch phát triển các chuỗi cung cấp thực phẩm sạch. Tiếp tục tuyên truyền vận động các cơ sở sản xuất, chế biến. Đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự trong một số trường hợp ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.
Tiếp tục đầu tư các phòng xét nghiệm lưu động tại các chợ đầu mối, các phòng kiểm nghiệm chung các lĩnh vực y tế, công thương, nông nghiệp… Quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh các loại hóa chất, phụ gia thực phẩm, làm rõ “nhập vào bằng đường nào, chống buôn lậu bằng cách nào”.
Tại cuộc làm việc, về các đề xuất cụ thể của TPHCM, Thủ tướng cơ bản đồng ý như đề xuất kéo dài thời gian và mở rộng đối tượng được thí điểm thanh tra chuyên ngành về ATTP trên địa bàn Thành phố.