Chính quyền Trump gặp khó khi Yemen “cấm cửa” biệt kích Mỹ
New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, tức giận trước việc đặc nhiệm Mỹ để phát sinh quá nhiều thương vong dân sự trong một cuộc đột kích hồi tháng trước ở Yemen, chính quyền Yemen đã quyết định sẽ không tiếp tục cho phép bộ binh Mỹ vào nước này để tiêu diệt các phần từ khủng bố.
Nhà Trắng cho rằng, cuộc đột kích lãnh thổ Yemen đã thành công nhưng giới chức Yemen lại gọi hoạt động này là "giết người ngoài vòng pháp luật". (Ảnh: Getty) |
Cuộc đột kích gây tranh cãi
Hình ảnh ghê rợn về những trẻ nhỏ thiệt mạng trong cuộc đọ súng kéo dài khoảng 50 phút giữa đặc nhiệm Mỹ và các tay súng được cho là khủng bố đã gây ra sự phẫn nộ ở Yemen. Thành viên của Đội SEAL 6 thuộc Hải quân Mỹ, William Owens cũng thiệt mạng trong cuộc đột kích này.
Mặc dù Nhà Trắng tiếp tục nhấn mạnh cuộc đột kích là “thành công” nhưng rõ ràng, việc giới chức Yemen rút lại cấp phép cho Mỹ điều hành chiến dịch đặc nhiệm trên bộ, chống các nhóm nghi là khủng bố ở nước này thực sự đặt ra rào cản lớn cho Tổng thống Mỹ Donald Trump – người đang có kế hoạch theo đuổi cách tiếp cận tích cực hơn trong cuộc chiến chống khủng bố.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer lên tiếng phủ nhận thông tin cho rằng, cuộc đột kích là để bắt giữ hoặc tiêu diệt bất kỳ một phần tử Al-Qaeda cụ thể nào.
“Cuộc đột kích được tiến hành ở Yemen là cuộc tấn công được tiến hành để thu thập thông tin tình báo. Mục tiêu này đã đạt được. Nó rất thành công khi làm giảm tối đa thương vong và những thiệt hại không đáng có”, ông Spicer nói.
Lầu Năm Góc từ chối đưa ra bình luận chính thức về thông tin nói rằng Yemen không tiếp tục cho phép bộ binh Mỹ vào nước này, nhưng các quan chức Quốc phòng và dân sự Mỹ khác đều xác nhận về phản ứng mạnh mẽ của phía Yemen liên quan đến vụ việc nêu trên.
Hiện vẫn chưa rõ liệu quyết định của Yemen có liên quan đến sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Mỹ Trump nhằm ngăn chặn dòng người di cư vào Mỹ từ bảy quốc gia có đa số dân là người Hồi giáo gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen hay không.
Theo các quan chức Mỹ giấu tên, lệnh cấm bộ binh Mỹ vào lãnh thổ Yemen để tiêu diệt khủng bố không bao gồm lệnh cấm sử dụng máy bay không người lái quân sự và không ảnh hưởng đến số ít các cố vấn quân sự Mỹ đang hỗ trợ cho lực lượng tình báo Yemen và các lực lượng khác từ Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Lính đặc nhiệm Mỹ. (Ảnh: businessinsider) |
Hồi năm 2014, Chính phủ Yemen từng đình chỉ hoạt động các máy bay không người lái quân sự của Mỹ trong không phận nước này bởi hoạt động này chẳng những không mang lại hiệu quả mà còn gây thương vong cho dân thường.
Tuy nhiên, sau đó, các máy bay không người lái Mỹ đã âm thầm xuất kích trở lại và trong những năm gần đây, tần suất của những chuyến bay ngày càng dày lên. Theo giới quan sát, đây là dấu hiệu cho thấy mạng lưới khủng bố al-Qaeda trên bán đảo Arab (AQAP) đang gia tăng hoạt động ở Yemen.
Vì đâu nên nỗi?
Cuộc đột kích của biệt kích Mỹ khuấy động sự phẫn nộ của các quan chức Chính phủ Yemen, những người buộc tội Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không tham vấn ý kiến của họ trước khi thực hiện cuộc tấn công.
Chưa đầy 24 giờ đồng hồ sau cuộc đột kích của đặc nhiệm Mỹ tại một ngôi làng nhỏ ở khu vực đồi núi miền Trung Yemen, Bộ trưởng Ngoại giao Yemen Abdul Malik Al Mekhlafi đã viết trên tài khoản Twitter cá nhân mô tả đây là hành động “giết người ngoài vòng pháp luật”.
Trả lời phỏng vấn tờ Al Jazeera, ông Ahmed Awad bin Mubarak, Đại sứ Yemen tại Mỹ nói rằng, Tổng thống Yemen Abdu Rabbu Mansour Hadi cũng bày tỏ lo ngại về cuộc tấn công với Đại sứ Mỹ tại Yemen hôm 2/2.
Phía Yemen dù cam kết hợp tác với các đối tác quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố nhưng sẽ không vì thế mà xem nhẹ chủ quyền quốc gia.
“Chính phủ Yemen luôn là một đối tác quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, sự hợp tác của chúng tôi không thể trả bằng tính mạng của công dân nước mình hay chủ quyền của đất nước”, ông Mubarak nói.
Lầu Năm Góc thừa nhận cuộc tấn công đã giết chết một số dân thường, bao gồm cả trẻ em và đang nghiêm túc điều tra vụ việc. Trong số những người thiệt mạng bao gồm cả bé gái 8 tuổi, con của Anwar al-Awlaki – một thủ lĩnh của Al-Qaeda, người bị giết chết trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái hồi năm 2011.
Lính Mỹ trong một hoạt động huấn luyện. (Ảnh: US Navy) |
Liệu Mỹ có sai một li, đi một dặm?
Bác bỏ tuyên bố của Lầu Năm Góc cho rằng, mục tiêu của của đột kích đã đạt được, một số thành viên cộng đồng quân sự Mỹ, bao gồm cả ông John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện đã gọi cuộc đột kích là một thất bại.
Các quan chức phụ trách hoạt động chống khủng bố của Mỹ bày tỏ lo ngại về sự thiếu hiểu biết của họ về hoạt động của Al-Qaeda tại Yemen kể từ khi Mỹ buộc phải rút 125 cố vấn đặc biệt khỏi quốc gia này hồi tháng 3/2015 sau khi phiến quân Houthi lật đổ Chính phủ của Tổng thống Hadi –đối tác chống khủng bố chính của Washington ở Yemen.
Kể từ đó đến nay, Lầu Năm Góc đã cố gắng để bắt đầu xây dựng lại các hoạt động chống khủng bố tại Yemen.
Cuộc đột kích “chết người” gây tranh cãi từ một tàu tấn công đổ bộ ngoài khơi bờ biển Yemen hồi tháng trước là nhiệm vụ trên bộ đầu tiên được lực lượng Mỹ thực hiện ở Yemen kể từ tháng 12/2014.
Mỹ đã tiến hành 38 cuộc không kích ở Yemen sử dụng máy bay không người lái trong năm 2016, tăng so với con số 23 cuộc hồi năm 2014. Từ đầu năm đến nay, Mỹ cũng đã thực hiện 5 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Yemen.
Để đối phó với các cuộc tấn công, chi nhánh Al-Qaeda tại Yemen kêu gọi các thành viên của nhóm tăng cường các vụ tấn công nhằm vào mục tiêu là lực lượng Mỹ ở Iraq và Afghanistan.
Giới chuyên gia cảnh báo rằng, Al-Qaeda hoàn toàn có thể có thêm sự ủng hộ sau các vụ tấn công của lực lượng Mỹ bởi những vụ tấn công gây thương vong cho dân thường đã và đang làm dấy lên tư tưởng chống Mỹ rộng lớn hơn.
Nhóm Khủng hoảng Quốc tế có trụ sở ở Brussels, Bỉ trong một báo cáo phát hành hồi tuần trước cho rằng, những bước đi sai lầm của Mỹ có thể dẫn đến hậu quả là kích động tâm lý của người Hồi giáo chống lại phương Tây và những thế lực cực đoan hoàn toàn có thể lợi dụng điều này để thực hiện mưu đồ đen tối./.