Chế phẩm sinh học EM: Người bạn đồng hành của Nhà Nông
Những ngày cuối năm, chúng tôi cùng những cán bộ của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh Thái Nguyên đến thăm gia đình ông Nguyễn Ngọc Hùng ở tổ dân phố Sau, phường Lương Sơn, TP Sông Công. Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trang trại nuôi lợn với quy mô gần 200 con lợn lái và gần 1.000 con lợn thịt, ông Hùng nói: "Gia đình tôi bắt đầu đầu tư nuôi lợn từ năm 2001, với quy mô như thế này, trang trại lại đặt gần khu vực dân cư nên vấn đề môi trường luôn được gia đình quan tâm hàng đầu". Ông tiếp lời,..."để hạn chế ảnh hưởng đến người dân quanh khu vực và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của trang trại, trước đây, gia đình tôi cũng đã sử dụng các loại chất sát trùng. Kết quả tương đối khả quan, tuy nhiên, loại chất này có giá thành tương đối cao, lại không đem lại hiệu quả kinh tế. Sau đó, được sự tư vấn, hỗ trợ của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và miễn phí sử dụng trong 3 tháng đầu tiên, tôi đã quyết định chuyển sang sử dụng chế phẩm sinh học EM". Được biết, với những hiệu quả tích cực từ chế phẩm này, gia đình ông Hùng hết sức tự tin để tiếp tục phát triển và nhân rộng mô hình trang trại.
Sử dụng chế phẩm sinh học EM đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt đã cải thiện đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường |
Được ra đời tại Nhật Bản, công nghệ sinh học, chế phẩm EM được đánh giá cao trong xử lý môi trường trên nhiều lĩnh vực. Tại Thái Nguyên, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ là đơn vị duy nhất được chuyển giao công nghệ này từ Trung tâm Công nghệ Việt – Nhật và đến nay, đây cũng là đơn vị duy nhất sản xuất được chế phẩm EM trên địa bàn tỉnh. Do có chứa vi khuẩn phân hủy chất hữu cơ, EM được dùng để xử lý rác thải sinh hoạt, tái chế rác làm phân bón, xử lý mùi hôi của cống rãnh, nhà vệ sinh, phòng trừ mầm bệnh lây lan, đem lại môi trường sống trong lành, sạch sẽ cho mọi người. Đặc biệt, sử dụng chế phẩm EM trong chăn nuôi lợn, gà không chỉ giúp người chăn nuôi giảm công sức lao động, kinh phí và tăng thu nhập mà còn giảm thiểu cơ bản ô nhiễm môi trường nông thôn do chất thải chăn nuôi gây ra và con vật ít bị dịch bệnh. Áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học còn tạo ra sản phẩm thịt sạch bệnh bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng. Từ các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học thành công ở các địa phương đã được nhân dân trong vùng học tập và nhân ra diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
Cán bộ TT Ứng dụng tiến bộ KHCN hướng dẫn người dân cách pha chế chế phẩm |
Ông Nguyễn Văn Cốt, ở Thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ cho biết: "Các hộ dân ở đây đã ứng dụng chế phẩm này từ nhiều năm nay vào việc phát triển mô hình VAC. Nó không chỉ giúp người chăn nuôi giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, mà còn giúp tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao, tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc ứng dụng chế phẩm sinh học còn giúp cho người nông dân chúng tôi xử lý môi trường ao nuôi tốt, phù hợp với xu hướng phát triển hiện tại, hạn chế được dịch bệnh cho thủy sản, giảm chi phí so với bơm tát cạn ao sau mỗi kỳ thu hoạch mà hiệu quả phòng trị bệnh cho thủy sản cao, đồng thời giúp chủ ao, hồ xử lý môi trường nuôi thủy sản bị ô nhiễm do các nguyên nhân chủ quan cũng như các nguyên nhân khách quan vào bất kỳ thời điểm nào của quá trình nuôi".
Được triển khai thực hiện từ năm 2008, đến nay, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đến 9 huyện, thành thị trên địa bàn tỉnh với hàng nghìn trang trại chăn nuôi, nuôi trồng, sản xuất rau sạch áp dụng xử lý. Đặc biệt, hiện nay, Trung tâm đã tiến hành chuyển gia công nghệ này cho tỉnh Yên Bái, Quảng Bình, Lạng Sơn và Bắc Cạn để ứng dụng vào xử lý ao hồ, nuôi trồng thủy sản, xử lý rác thải công nghiệp…
Ông Tạ Đức Hiện, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Để bà con nông dân được tiếp cận, ứng dụng nhiều hơn các chế phẩm sinh học, thời gian tới, Trung tâm sẽ phối hợp với các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con nông dân, các doanh nghiệp, công ty linh hoạt hơn trong việc cung ứng các chế phẩm sinh học đến tận tay người dân. Cùng với đó, Trung tâm sẽ cung ứng cho bà con dưới hình thức trả chậm, khuyến mại giảm giá sản phẩm; quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ giá sản phẩm, giúp bà con tập huấn khoa học - kỹ thuật để sử dụng hiệu quả cao chế phẩm này, thiết thực trong đời sống sinh hoạt và sản xuất, nhằm cải thiện môi trường sống, tăng hiệu quả trong trồng trọt, chăn nuôi".
Không những có hiệu quả trong chăn nuôi, mà chế phẩm sinh học EM còn đem lại hiệu quả cáo trong trồng trọt, đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm an toàn tuyệt đối |
Hiện nay, với mục tiêu của tỉnh Thái Nguyên là trong giai đoạn năm 2016 – 2020 sẽ tăng 5% sản lượng sản phẩm chăn nuôi trang trại, chăn nuôi công nghiệp mỗi năm, chiếm trên 40% đến 50% tổng sản lượng thịt hơi sản xuất trong tỉnh; xây dựng mới từ 6-8 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; xây dựng một số mô hình liên kết chuỗi điểm tại các địa phương chăn nuôi trọng điểm… Cùng với đó, sẽ chuyển đổi ít nhất 3.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn và xây dựng ít nhất 50 mô hình dự án "cánh đồng lớn"; thực hiện đổi thửa, dồn điền và quy hoạch trên 1.000 ha thuộc vùng trọng điểm sản xuất rau hàng hoá để xây dựng mô hình, dự án sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao. Do đó, để đạt mục tiêu trên, bên cạnh vấn đề hiệu quả, thì xử lý môi trường là yếu tố tiên quyết. Và có lẽ, chế phẩm sinh học nói chung, và chế phẩm EM sẽ là người bạn đồng hành cùng người nông dân trên địa bàn tỉnh trong quá trình xây dựng một nền nông nghiệp sạch./.