Châu Âu trút bỏ được gánh nặng sau cuộc bầu cử Pháp
Ý thức rằng tương lai của Liên minh Châu Âu (EU) phụ thuộc phần lớn vào kết quả vòng hai bầu cử Tổng thống Pháp, nhiều nhà lãnh đạo Châu Âu gần như thở phào nhẹ nhõm và gửi lời chúc mừng khi ứng cử viên trung dung Emmanuel Macron – một người có lập trường hợp nhất Châu Âu đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử này.
Những người ủng hộ ông Macron tụ tập tại Carrousel du Louvre ở Paris để ăn mừng chiến thắng. (Ảnh : EPA) |
Theo kết quả sơ bộ được Bộ Nội vụ Pháp công bố, tại cuộc bầu cử tổng thống Pháp vòng 2 , tính đến 20h ngày 7/5 (19 giờ GMT), tức là 1 giờ sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa, ông Macron đã giành chiến thắng vang dội với tỷ lệ 65,9% trước bà Le Pen (34,1%) và trở thành tổng thống thứ 8 của nền Cộng hòa thứ Năm của Pháp.
Phát biểu sau cuộc bầu cử, ông Macron tuyên bố sẽ bảo vệ Châu Âu và các giá trị của Châu Âu: “Tôi sẽ bảo vệ Châu Âu - một sức mạnh chung mà người dân trên lục địa của chúng ta cùng tạo ra, cũng như thúc đẩy các giá trị chung, sáng kiến và hy vọng của Châu Âu. Tôi sẽ nỗ lực làm việc để tạo ra mối liên kết giữa Châu Âu và công dân các nước thành viên.”
Ngay lập tức, các nhà lãnh đạo Châu Âu đã gửi lời chúc mừng đến ông Macron.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel hoan nghênh chiến thắng của ông Macron và khẳng định điều này đã giữ cho Pháp nằm ở “trái tim của châu Âu”.
Hai nhà lãnh đạo hàng đầu của EU là Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng đã gửi lời chúc mừng đến tân lãnh đạo Pháp.
Thủ tướng Anh Theresa May chúc mừng ông Macron đắc cử tổng thống, đồng thời khẳng định Pháp luôn là một trong những đồng minh thân cận nhất của Anh.
Trong thông báo đăng tải trên trang mạng Facebook, Thủ tướng Áo Christian Kern cũng bày tỏ hoan nghênh, nhấn mạnh đây là một chiến thắng lịch sử của lực lượng đại diện cho một Châu Âu cởi mở và mạnh mẽ.
Thái độ nói trên của lãnh đạo châu Âu là điều dễ hiểu do lập trường đối lập nhau của giữa ông Macron và bà Le Pen về châu Âu.
Trước đó, nhiều nước châu Âu đã bày tỏ lo ngại nếu bà Le Pen đắc cử Tổng thống Pháp thì nhiều khả năng sẽ gây xáo trộn cho nền kinh tế của lục địa. Ngoài ra, các chính sách bị cho là cực đoan của bà Le Pen có thể khiến an ninh châu Âu bị đe dọa.
Bởi trên thực tế, bà Le Pen muốn tái lập các đường biên giới và tái sử dụng đồng nội tệ Franc Pháp, tức là sẽ thương lượng với Brussels để đưa nước Pháp ra khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và khu vực tự do đi lại Schengen. Thậm chí bà Le Pen còn dự tính tổ chức trưng cầu ý dân về việc nước Pháp ra khỏi EU.
Còn ông Macron thì ngược lại muốn đẩy mạnh hơn nữa hội nhập châu Âu, cụ thể là có kế hoạch cải cách Eurozone cũng như có ý tưởng về việc thiết lập ngân sách chung cùng với một bộ trưởng tài chính và lực lượng quốc phòng chung cho châu Âu.
Đặc biệt, ông Macron còn cam kết sẽ khởi động lại cỗ máy Pháp-Đức trong vai trò dẫn dầu EU, vào lúc Đức chuẩn bị tổng tuyển cử vào tháng 9 tới. Nhiều nhân vật chủ chốt trong liên minh cầm quyền tại Đức đã hoan nghênh cam kết đó của nhà lãnh đạo này.
Các chuyên gia nhận định, chiến thắng này của ông Macron đã làm giảm lo ngại của các nước trong Liên minh châu Âu (EU) về đà tiến của các phong trào dân túy, bài châu Âu cũng như một cú sốc tại Pháp tương tự việc nước Anh bỏ phiếu rời EU (Brexit) và bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Thị trường cũng có những phản ứng tích cực sau cuộc bầu cử tại Pháp. Đồng euro đã tăng giá mạnh so với USD, ở mức 1,1 USD đổi được 1 euro trong phiên giao dịch đầu tiên tại Châu Á, lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thắng cử. Sự chênh lệch về lãi suất trái phiếu có kỳ hạn 10 năm của chính phủ Pháp và lãi suất trái phiếu thời hạn tương đương của chính phủ Đức cũng đã thu hẹp đáng kể trong ngày 7/5./.