Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau - Điểm tựa cho người cao tuổi
Nhờ tham gia CLB Liên thế hệ tự giúp nhau, bà Trần Thị Mùi đã vươn lên thoát nghèo; đồng thời tích cực tham gia giúp đỡ các thành viên khác trong CLB |
Chúng tôi có dịp được đến thăm bà Trần Thị Mùi, năm nay 69 tuổi, thành viên Ban Chủ nhiệm CLB Liên thế hệ tự giúp nhau số 4a, phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên. Bà Mùi từng là hộ nghèo có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Chồng mất sớm, bà Mùi nuôi 3 người con trai ăn học, song 3 người con đều mắc phải tệ nạn xã hội và qua đời. Là NCT có hoàn cảnh khó khăn, bà Mùi được chọn là đối tượng tham gia CLB Liên thế hệ tự giúp nhau từ năm 2007. Bà Mùi chia sẻ: "Khi tham gia CLB, tôi được cho vay vốn để làm ăn; được các thành viên trong CLB động viên, thăm hỏi về tinh thần; đặc biệt các thành viên cũng giúp đỡ ngày công trong những ngày thu hoạch lúa. Nhờ đó, tôi đã vững vàng vượt lên nỗi đau mất mát về tinh thần, quyết tâm làm kinh tế để thoát nghèo. Cùng với đó, khi tham gia các hoạt động của CLB cũng giúp cho bản thân tôi thấy thoải mái, lạc quan, yêu đời hơn; khi đã ổn định cuộc sống hơn, tôi cũng tham gia làm tình nguyện viên để chăm sóc sức khỏe cho những thành viên già yếu hơn”. Nhờ tham gia CLB, bà Trần Thị Mùi hiện đã là hộ thoát nghèo bền vững và là thành viên tích cực tham gia các hoạt động của CLB.
Cũng như bà Mùi, nhiều thành viên khác như: bà Phan Thị Kính hay bà Nguyễn Thị Thông, thành viên của CLB đã được hỗ trợ vốn vay để phát triển kinh tế; từ đó đã vươn lên thoát nghèo bền vững, trở thành hộ làm kinh tế giỏi của địa phương.
Bà Thông cho biết: "Mô hình CLB Liên thế hệ thật sự ý nghĩa với NCT ở địa phương, vì chúng tôi có nơi sinh hoạt, tương trợ lẫn nhau và có điều kiện nâng cao thu nhập. Là thành viên CLB, tôi luôn sử dụng đồng vốn đúng mục đích, để cải thiện kinh tế gia đình và hỗ trợ các thành viên khác cùng phát triển".
Một buổi sinh hoạt định kỳ của CLB Liên thế hệ tự giúp nhau số 4a, phường Túc Duyên |
Được biết, CLB Liên thế hệ tự giúp nhau số 4a, phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên được thành lập từ năm 2007, do Dự án VIE 014 tài trợ. Hiện, CLB có trên 30 thành viên, trong đó 70% là NCT, còn lại 30% là phụ nữ và các hộ nghèo. Sau khi Dự án kết thúc, CLB được trao lại số vốn là 62 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, CLB tiếp tục cho các thành viên vay vốn xoay vòng, với mức lãi thấp hoặc không tính lãi đối với những thành viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Số lãi thu được CLB sử dụng vào các hoạt động như thăm hỏi ốm đau, thăm quan…Nhờ triển khai Dự án mà hiện cả 5 hộ nghèo trong CLB đều đã thoát nghèo, trong đó 3 hộ thoát nghèo bền vững. Cùng với đó, trong các buổi sinh hoạt định kỳ, CLB cũng duy trì các hoạt động như: văn hóa, văn nghệ, tập thể dục dưỡng sinh, khám và tư vấn sức khỏe cho NCT, thu lãi, hội viên tham gia gửi tiết kiệm.
Mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau số 4a, phường Túc Duyên là một trong số trên 130 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay. Các CLB Liên thế hệ tự giúp nhau được thành lập từ Dự án VIE 014 do Ủy ban Châu âu tài trợ thông qua Tổ chức Hỗ trợ NCT quốc tế do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam quản lý, với sự tham gia của Trung ương Hội NCT Việt Nam, Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu trợ giúp NCT và Văn phòng hỗ trợ phụ nữ phòng chống HIV/AIDS và chăm sóc sức khoẻ sinh sản (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên), được triển khai ở huyện Phú Bình, Phú Lương và TP Thái Nguyên từ tháng 3 năm 2007 đến tháng 9 năm 2010.
Được đánh giá là mô hình phù hợp với đối tượng là đồng bào các dân tộc thiểu số, người nghèo, phụ nữ, NCT khó khăn, sau khi Dự án VIE 014 kết thúc, tỉnh Thái Nguyên vẫn tiếp tục theo dõi và duy trì hoạt động các CLB này. Hiện, toàn tỉnh có trên 5.200 người tham gia các CLB. Các CLB Liên thế hệ tự giúp nhau đang duy trì số vốn trên 5,4 tỷ đồng cho trên 1.900 hội viên vay vốn để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Song song với mục tiêu giảm nghèo, CLB Liên thế hệ tự giúp nhau còn quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe NCT, tại các buổi sinh hoạt định kỳ, các CLB tổ chức cung cấp kiến thức, nâng cao hiểu biết về chế độ, chính sách cho NCT, khám sức khỏe miễn phí và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật cho các thành viên...CLB có các tình nguyện viên đảm nhận công việc chăm sóc sức khỏe, động viên, giúp đỡ NCT già yếu, neo đơn, thăm hỏi thành viên ốm đau, hỗ trợ thành viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,…Trong thời gian qua, các CLB Liên thế hệ tự giúp nhau đã góp phần không nhỏ trong việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao trình độ hiểu biết của người dân, đặc biệt là NCT; đặc biệt là góp phần xóa đói giảm nghèo cho các thành viên CLB.
Ông Nguyễn Ngọc Yến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội NCT Việt Nam, Trưởng Ban Đại diện Hội NCT tỉnh Thái Nguyên nhận xét: "Mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau phường Túc Duyên đã thu hút đông đảo hội viên tham gia, có quy chế hoạt động rõ ràng. Chúng tôi mong rằng với nguồn vốn hỗ trợ, hội viên sẽ đầu tư hiệu quả, có thêm thu nhập. Đồng thời, mỗi thành viên sẽ phát huy tinh thần "tương thân tương ái" đúng như mục đích của mô hình, để NCT tại địa phương có sự chia sẻ, động viên, tiếp tục đóng góp cho các hoạt động xã hội. Trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ quan tâm, triển khai thực hiện nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau theo Đề án nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016 - 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành"./.
Để nhân rộng các CLB Liên thế hệ tự giúp nhau trên toàn quốc, thông qua cách tiếp cận liên thế hệ, tự giúp nhau dựa vào cộng đồng để góp phần thực hiện chỉ tiêu trong Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam, góp phần chăm sóc và phát huy vai trò NCT, chú trọng giúp đỡ NCT nghèo, cận nghèo và khó khăn tại cộng đồng; ngày 02/08/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1533/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu của đề án giai đoạn 2016 - 2017 là xây dựng và duy trì hoạt động khoảng 1.200 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau ở ít nhất 20 tỉnh, thành phố; giai đoạn 2018 - 2020, xây dựng và duy trì hoạt động khoảng 2.000 CLB liên thế hệ tự giúp nhau ở ít nhất 45 tỉnh, thành phố. Đề án được triển khai tại các địa phương trên cả nước, áp dụng với NCT và gia đình của họ, phụ nữ và các thành viên khác trong cộng đồng, đặc biệt NCT là phụ nữ nghèo, cận nghèo, khó khăn với một số giải pháp chính về truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng; huy động nguồn lực, vận động các tổ chức, xã hội, doanh nghiệp tham gia…. |