Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, mục tiêu, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 do UBND tỉnh trình tại kỳ họp cho thấy, mặc dù chịu tác động bởi dịch Covid-19, song với sự lãnh đạo tập trung của các cấp ủy đảng, triển khai điều hành quyết liệt của chính quyền các cấp, sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, qua đó đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định đời sống người dân trên địa bàn.

ngay lam viec thu nhat ky hop thu 11 hdnd tinh thai nguyen khoa xiii nhiem ky 2016 2021
Toàn cảnh phiên làm việc đầu tiên của Kỳ họp.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 2,63%. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 335 nghìn tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu ước đạt 11,3 tỷ đô la Mỹ. Thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 6.550 tỷ đồng. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt gần 7.200 tỷ đồng. Việc triển khai kịp thời các giải pháp và chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh đến các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn trong thời gian qua đã góp phần ổn định đời sống của người dân. Đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận sự ủng hộ bằng tiền và hiện vật cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tổng số kinh phí trên 38,6 tỷ đồng. Công tác quốc phòng an ninh được quan tâm, tình hình an ninh chính trị - trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Ông Phạm Thái Hanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Mặc dù có những khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nhưng tăng trưởng của tỉnh vẫn tăng trưởng dương. Đó là điều rất phấn khởi. Có được điều đó là sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc của nhân dân".

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm trên địa bàn còn thấp so với mục tiêu cả năm, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu giảm sút; các chuỗi cung ứng bị đứt đoạn do các chính sách đóng cửa của nhiều nước trên thế giới nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh đã tác động không nhỏ đến sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu của tỉnh. Để phấn đấu đạt mức tăng trưởng 7,3% của cả năm 2020 cần phải có sự nỗ lực phấn đấu rất cao của các ngành, lĩnh vực.

Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, nhiều dự án đầu tư ngoài ngân sách tiến độ triển khai còn chậm, còn vướng mắc nhiều thủ tục liên quan đến đất đai, đấu thầu dự án cần phải sớm được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lan rộng và ảnh hưởng nặng nề tới nhiều quốc gia trên thế giới là đối tác cung ứng yếu tố đầu vào và tiêu thụ sản phẩm của các dự án trên địa bàn; công tác phòng chống dịch vẫn cần tiếp tục được quan tâm thực hiện, khả năng nguồn lực ngân sách tỉnh còn hạn chế dẫn tới ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và cân đối ngân sách của tỉnh. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được cũng như những khó khăn, hạn chế cần phải khắc phục, UBND tỉnh đã đưa ra 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra của cả năm 2020. Ông Phạm Duy Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cho rằng: "Để đạt được chỉ tiêu 7,3%, 6 tháng cuối năm chúng ta phải đạt tốc độ tăng trưởng 10,3%. Kinh tế Thái Nguyên trong cơ cấu, công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, chúng ta phải xác định nững ngành và lĩnh vực khác phải phát triển để bù lại phần thiếu hụt do ngành công nghiệp đem lại, trong đó tập trung vào phát triển các thế mạnh công nghiệp của địa phương, luyện kim, khai khoáng, xây dựng. Thứ hai là về lĩnh vực dịch vụ, làm sao chúng ta kích cầu tiêu dùng nội địa, ngành nông nghiệp phải tập trung bình ổn giá thịt lợn cũng như gia tăng giá trị sản phẩm thế mạnh của tỉnh là cây chè và sản phẩm trà. Tiếp theo, chúng ta tăng cường thu hút các dự án đầu tư, khẩn trương triển khai ngay các dự án có quyết định, chủ trương đầu tư, sớm đưa nguồn vốn vào để đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh".

Ông Nguyễn Khắc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nhấn mạnh: "Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh cũng xem xét bàn để quyết định nhưng với mục tiêu chung là không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra cho kế hoạch năm 2020 theo tinh thần của Thủ tướng và quyết tâm cao của Đảng bộ để không điều chỉnh Nghị quyết".

Phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh diễn ra vào thời điểm rất quan trọng, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành đại hội cấp cơ sở và đang tích cực chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong bối cảnh đất nước phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ, đó là đại dịch Covid-19, tuy nhiên tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn vẫn đạt nhiều kết quả khả quan. N hững kết quả nói trên là do sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, trong đó, có sự đóng góp rất quan trọng của HĐND tỉnh.

ngay lam viec thu nhat ky hop thu 11 hdnd tinh thai nguyen khoa xiii nhiem ky 2016 2021
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh phát huy hết trí tuệ, vai trò, trách nhiệm của mình trước cử tri và nhân dân toàn tỉnh, thảo luận thẳng thắn, dân chủ, công tâm, khách quan để tìm ra được các giải pháp đặc biệt phù hợp, có hiệu quả cao.

Khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của kỳ họp lần nay đối với việc ban hành và thực hiện các cơ chế chính sách, nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của năm 2020 và của cả nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh một số nội dung mang tính gợi mở để HĐND tỉnh, các vị Đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu, thảo luận và quyết định: "Một là, cần bám sát mọi chủ trương, đường lối của Trung ương, của Chính phủ, của Bộ, ngành và của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh và xây dựng hệ thống chính trị năm 2020 để từ đó cụ thể hóa thông qua các chương trình, kế hoạch, hành động thiết thực, đảm bảo sát với tình hình thực tiễn của địa phương, của đơn vị mình; Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và tận dụng mọi thời cơ thuận lợi, phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2020, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2015-2020. Hai là, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững, an toàn, xây dựng các cơ chế chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật để kịp thời đón đầu các làn sóng đầu tư mới, đồng thời tập trung dồn lực để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những khó khăn mới xuất hiện do tác động của đại dịch covid-19. Ba là, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai và quản lý khoáng sản, tập trung thực hiện cải cách hành chính, đảm bảo công khai minh bạch, tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để tăng thu ngân sách, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Bốn là, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu trong nội ngành công nghiệp, quan tâm phát triển triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội. Năm là, xây dựng Đảng , chính quyền, tổ chức đoàn thể trong sạch vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, kịp thời giải quyết các ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri; tổ chức thành công đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương, chuẩn bị thật tốt các điều kiện tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Trên cơ sở những chủ trương, định hướng của Tỉnh ủy, tôi đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh phát huy hết trí tuệ, vai trò, trách nhiệm của mình trước cử tri và nhân dân toàn tỉnh, thảo luận thẳng thắn, dân chủ, công tâm, khách quan để tìm ra được các giải pháp đặc biệt phù hợp, có hiệu quả cao, mang tính đột phá, góp phần cùng Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh hoàn thành các mục tiêu, thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2020 và cả giai đoạn 2015-2020; Tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất vấn theo thẩm quyền đối với việc triển khai thực hiện các nghị quyết di HĐND ban hành".

Cũng trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu đã nghe UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh trình bày các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết. Trong đó, có nhiều nội dung quan trọng, liên quan đến vai trò giám sát của cơ quan dân cử ở địa phương và những vấn đề có tác động lớn tới tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian tới, như: Chương trình giám sát năm 2021 của HĐND tỉnh và Thông báo hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm 2020; Việc điều chỉnh bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2020; Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020; việc điều chỉnh quy mô, địa điểm và số lượng dự án công trình trong quy hoạch sử dụng đất; Đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về phí, lệ phí trên địa bàn; chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Hà Thượng, xã Hà Thượng, huyện Đại Từ; quy định mức thu học phí đối với cấp học mầm non và cấp học phổ thông công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân năm học 2020-2021; quyết định chủ trương đầu tư giai đoạn 2 của dự án Kiên cố hóa trường, lớp học mầm non, tiểu học cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; Báo cáo kinh phí thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ chế độ, chính sách cho các đối tượng bị ảnh hưởng; Quy định mức giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2020; Việc đặt tên công trình công cộng trên địa bàn huyện Đại Từ; báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XIII;…

Trong đó, tờ trình về việc quyết định chủ trương đầu tư giai đoạn 2 của dự án Kiên cố hóa trường, lớp học mầm non, tiểu học cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 là nội dung được các đại biểu và đông đảo cử tri quan tâm tại kỳ họp lần này. Thực tế, hiệu quả từ giai đoạn 1 của dự án đã được minh chứng khi góp phần nâng tỷ lệ kiên cố hóa phòng học các cấp từ mầm non đến phổ thông trên toàn tỉnh đạt 70,61%, tăng 6,22% so với năm 2015; qua đó đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn.

Ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Dự án này là nguồn vốn trái phiếu chính phủ, giai đoạn 2016-2020 với tổng mức 181 tỷ đồng cho cả giai đoạn. Giai đoạn 1 với 248 phòng đã được xây xong, phần còn lại là dự phòng và đối ứng của các huyện. Dự án được thực hiện tại 4 huyện: Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương và Phú Bình với tổng số là 48 phòng".

Cùng với đó, đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, tại Kỳ họp này, HĐND tỉnh cũng xem xét, thảo luận và quyết nghị về vấn đề giao chỉ tiêu kế hoạch giường cách ly và giường bệnh theo cấp độ dịch để phòng, chống dịch Covid-19. Đây được đánh giá là bước chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh Thái Nguyên trong tình hình mới. "Tỉnh Thái Nguyên hiện tại đang ở cấp độ 3. Mỗi cấp độ, chúng ta xây dựng mức độ sẵn sàng về giường bệnh, giường điều trị, giường cách ly và giường ở khu cách ly tập trung. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chẩn bị sẵn sàng phương tiện vật tư, trang thiết bị, thuốc men và các phương tiện để sẵn sàng phục vụ". Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên chia sẻ.

Trong phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu tiếp tục nghe trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 10 và các theo Nghị quyết số 70 của HĐND tỉnh; tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung nghị quyết số 02 năm 2018 của HĐND tỉnh quy định chế độ, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh; Tờ trình đổi tên tổ dân phố Mấu 2, thị trấn Đu, huyện Phú Lương. Một trong những nội dung được quan tâm là Tờ trình về việc quy định chính sách hỗ trợ đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, xóm, tổ dân phố dôi dư. Theo đó, dự kiến có trên 2.700 người được hưởng sự hỗ trợ, với số kinh phí khoảng 15 tỷ đồng. Đây là cơ chế đặc thù của tỉnh Thái Nguyên, sau khi tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhằm động viên tinh thần đối với đội ngũ cán bộ này. Về vấn đề này, ông Hoàng Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết: "nếu thông qua Nghị quyết này thì rất sát thực với các đối tượng dôi dư, động viên cả về tinh thần và vật chất để tạo tiền đề cho việc sáp nhập các xã sau này".

Cũng trong phiên làm việc này, các đại biểu đã nghe Báo cáo thẩm tra và kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2020 của các Ban HĐND tỉnh và tiến hành các quy trình liên quan đến công tác cán bộ. Cụ thể, thực hiện quy trình cho thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh đối với ông Trần Quốc Tỏ, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nhữ Văn Tâm, Nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, ông Nguyễn Như Tuấn, Nguyên Giám đốc Công an tỉnh; thực hiện quy trình miễn nhiệm Ủy viên UBND tỉnh, khóa XIII đối với ông Vũ Duy Hiển, Nguyên Giám đốc Sở Tư pháp; ông Nguyễn Vy Hồng, Nguyên Giám đốc Sở Y tế; ông Bùi Tuấn Thịnh, Nguyên Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; tiến hành quy trình bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh Thái Nguyên khóa XIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với Bà Vũ Thị Lệ Hằng, Giám đốc Sở Tư pháp, ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế và Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; đồng thời tiến hành quy trình miễn nhiệm chức danh Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Pháp chế, HĐND tỉnh đối với ông Ân Văn Thanh hiện là Chánh văn phòng HĐND tỉnh và bầu bà Lê Thị Thu An giữ chức Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Pháp chế HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Ngày 9/7, Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XIII tiếp tục chương trình làm việc, tiến hành chia tổ thảo luận và thực hiện phiên giải trình tại hội trường. Thông tin về ngày làm việc thứ hai, Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ được chúng tôi cập nhật trên Thainguyentv.vn.