Cận tết, tình trạng ngộ độc rượu và phẩm màu độc hại tăng mạnh
Sử dụng phẩm màu để làm đẹp thực phẩm, tạo ra tính hấp dẫn cho món ăn dường như đã không còn quá xa lạ với những cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm. Thực tế cho thấy, việc lạm dụng phẩm màu không nằm trong danh mục cho phép để chế biến thực phẩm, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người tiêu dùng.
Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một bệnh nhi 8 tuổi bị tan máu cấp rất nặng do nhiễm độc, nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ món thịt bò khô tự làm có sử dụng một loại phẩm màu không rõ nguồn gốc.
Thực phẩm tẩm nhiều phẩm màu đọc hại (Ảnh minh họa) |
Phẩm màu hóa được tạo ra bằng các phản ứng tổng hợp hoá học, chúng có thể gây ngộ độc nếu dùng loại không nguyên chất, không nằm trong danh mục chất phụ gia được sử dụng trong thực phẩm. Chuyên gia về Dinh dưỡng-Vệ sinh an toàn thực phẩm cho rằng việc sử dụng tùy tiện màu tổng hợp trong chế biến thực phẩm có nguy cơ sinh ung thư, độc tính thần kinh. Có thể gây phản ứng dị ứng quá mức và là khởi phát chứng hiếu động thái quá, thay đổi hành vi ở trẻ em.
Bên cạnh ngộ độc phẩm màu, ngộ độc rượu cũng được coi là căn bệnh khó có thể tránh vào thời điểm cuối năm, khi mà nhu cầu sử dụng rượu bia gia tăng trong các buổi tiệc tùng, liên hoan.
Bệnh nhân C.D.Đ (Điện Biên), 33 tuổi, có thời gian sử dụng rượu khá dài, đây là nguyên nhân khiến anh phải nhập viện trong tình trạng suy tuỵ, tổn thương gan, men gan rất cao.
Có rất nhiều lý do để người ta uống rượu, vui có, buồn có. Bệnh nhân: P. T. T, 46 tuổi ở TP Vinh, Nghệ An, nhập viện do uống rượu liên tục nhân dịp cổ vũ đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam, bị ngộc độc, nhập viện thì phát hiện tụy bị hỏng một phần, viêm gan, gan hơi to.
Một bệnh nhân nữ 31 tuổi tại Bắc Giang do buồn chuyện tình cảm gia đình nên đã tìm đến rượu và phải nhập viện cấp cứu. Gia đình cho hay, sau khi uống khá nhiều rượu bệnh nhân lâm vào hôn mê, bất tỉnh, tụt huyết áp. Khi vào viện các bác sĩ phải đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp. Sau một ngày điều trị, ý thức của bệnh nhân vẫn không được cải thiện.
Một bệnh nhân nam khác nhập viện trong tình trạng mê sảng, nằm trên giường bệnh, gương mặt thất thần, chân tay luôn giật và miệng vẫn không ngừng nói những câu hoàn toàn vô thức. Các bác sĩ cho hay, bệnh nhân này được người nhà đưa đến sau những ngày uống rượu triền miên, hôn mê, men gan tăng cao.
Bệnh nhân ngộ độc rượu đang điều trị tại Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) |
Điều đáng nói là nhiều bệnh nhân nằm tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đều sử dụng rượu có nguồn gốc xuất xứ nhưng uống quá nhiều và trong thời gian dài nên dẫn đến suy tuỵ. Đặc biệt là ảnh hưởng đến gan.
Chia sẻ về tác hại của rượu bia với sức khỏe, BS. Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay lạm dụng rượu bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể. Đáng lưu ý, nhiều người vẫn sai lầm cho rằng, uống rượu “xịn”, uống bia không hại gan nhưng thực chất dù rượu bia “xịn” thì cũng vẫn là gánh nặng cho gan.
BS. Nguyên nhấn mạnh: Rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là chất gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể. Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung rất dễ trở nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu ở cùng mặt bệnh.
Còn theo BS. Hoàng Nam, Khoa Tiêu hoá - BV Bạch Mai, thời điểm trước và sau tết, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu bia tăng cao, trong số chủ yếu là xuất huyết tiêu hóa, men gan tăng, viêm gan, xơ gan, viêm tụy…Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng lạm dụng rượu kéo dài nhiều năm.
BS. Nam khuyến cáo: Rượu là tác nhân hàng đầu gây viêm gan, (biểu hiện tăng men gan), gan nhiễm mỡ lâu ngày dẫn đến xơ gan, rồi biến chứng hôn mê gan. Không có rượu bổ, đã là rượu thì đều nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt là chức năng gan. Mỗi ngày một người chỉ dùng 1- 2 chén rượu nhỏ, tương đương 1-2 cốc bia, không lạm dụng và ỉ vào các thuốc giải rượu bia chưa được chứng minh tác dụng rõ rệt. Những người thường xuyên tiếp khách, phải uống rượu bia nên khám sức khoẻ định kỳ, chú ý kiểm tra men gan./.