Các phe phái Venezuela đàm phán vòng 2: Thử thách không dễ vượt qua
Các đại diện chính phủ và phe đối lập Venezuela hôm 28/5 tiếp tục vòng đàm phán thứ 2 bắt đầu từ hôm 27/5 tại thành phố Oslo, Na Uy nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài suốt nhiều tháng qua tại nước này.
Tổng thống Maduro (giữa) phát biểu trước các sĩ quan quân đội ở Caracas hồi tháng trước. Ảnh: AFP. |
Việc hai bên nhất trí ngồi vào bàn đàm phán được xem là một nỗ lực rất lớn, song để những nỗ lực này mang lại kết quả tích cực cho hòa bình thì lại là một thử thách không dễ vượt qua. Ngay trước vòng đàm phán, chính quyền Mỹ, vốn ủng hộ mạnh mẽ phe đối lập Venezuela, đã gia tăng sức ép khi cảnh báo mọi cuộc đàm phán đều phải dẫn tới sự ra đi của Tổng thống Nicolas Maduro.
Các cuộc đàm phán diễn ra dưới sự trung gian hòa giải của Na Uy có sự tham gia của các đại diện chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro và Tổng thống tự phong Juan Guaido. Hiện nội dung cũng như hình thức các cuộc đàm phán đều không được tiết lộ. Theo Tổng thống Nicolas Maduro, chính quyền Venezuela sẽ thể hiện thiện chí chân thành nhất nhằm tìm ra giải pháp hòa bình, dân chủ để vượt qua xung đột dựa trên nền tảng các bên đã thỏa thuận.
“Đàm phán đã có thể diễn ra. Tôi muốn cảm ơn Chính phủ Na Uy vì sự tiếp đón dành cho phái đoàn Venezuela, cũng như cảm ơn sự ủng hộ của họ đối với hòa bình. Tôi tin vào đối thoại và tôi tin vào hòa bình. Tôi hi vọng phái đoàn của chúng tôi sẽ trở về với những tin tức tốt lành về tiến triển các cuộc đàm phán”, ông Maduro nói.
Tuy nhiên, trong một dấu hiệu cho thấy tiến trình đàm phán khó khăn, chính phủ Mỹ hôm qua tiếp tục gia tăng sức ép với chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus, điều duy nhất phải đàm phán chính là những điều kiện cho sự ra đi của Tổng thống Nicolas Maduro. Ông cho rằng, những nỗ lực đàm phán trước đó đều thất bại bởi chính quyền Venezuela luôn tìm cách lợi dụng đàm phán để gây chia rẽ phe đối lập và kéo dài thời gian.
Trong một động thái gia tăng sức ép khác, Đại sứ Mỹ về giải giáp vũ khí cùng ngày đã làm nóng cuộc họp của Hội nghị giải giáp vũ khí Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, mà Venezuela đang là nước chủ tịch luân phiên khi tuyên bố, Venezuela đang “nằm ngoài luật pháp”.
Ngay khi Đại sứ Venezuela Jorge Valero bắt đầu bài phát biểu của mình, Đại sứ Mỹ Robert Wood đã ngay lập tức đứng dậy và rời khỏi phòng họp. Đánh giá về hành động này của đại diện Mỹ, Đại sứ Venezuela Jorge Valero nhấn mạnh: “Hành vi của phái đoàn Mỹ đã vi phạm công việc và quy tắc của diễn đàn này. Việc họ rời khỏi phòng họp là một hành vi phản ngoại giao và thiếu tôn trọng không chỉ đối với ban chủ tịch mà còn đối với các đại sứ và đại diện ngoại giao”.
Theo các nhà phân tích, nếu nhìn vào thời điểm của những cảnh báo, có thể nói chính quyền Mỹ đang muốn can thiệp trực tiếp vào tiến trình đàm phán tại Venezuela nhằm đạt mục tiêu quan trọng mà nước này đặt ra, đó là buộc Tổng thống Nicolas Maduro phải từ chức.
Công khai ủng hộ nhân vật đối lập Juan Guaido ngay khi ông này tự phong là Tổng thống lâm thời Venezuela hồi đầu năm 2019, chính quyền Mỹ nhiều lần hối thúc Tổng thống Nicolas Maduro từ chức nếu không sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế, cô lập về ngoại giao và đe dọa quân sự. Song tới nay mọi nỗ lực của Mỹ đều không thành công.
Dù tại Venezuela, tình hình vẫn rất căng thẳng, song 2 bên đã chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán dưới sự trung gian hòa giải của Na Uy. Từ lâu, Na Uy được xem là một nước trung gian hòa giải nước ngoài thành công và giới quan sát kỳ vọng, Na Uy sẽ tiếp tục phát huy được vai trò trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng tại Venezuela hiện nay và các phe phái đối lập tại Venezuela sẽ vượt qua được mọi sức ép để mang lại hòa bình cho đất nước và người dân./.