Mỹ tiếp tục “giáng đòn” trừng phạt Cuba vì ủng hộ Venezuela
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton (Ảnh: AP) |
Phát biểu trước nhóm người Cuba sống lưu vong tại Miami, Mỹ hôm 17/4, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cho biết Washington đang nhắm mục tiêu trừng phạt bổ sung đối với các cơ quan tình báo và quân đội Venezuela, bao gồm hãng hàng không do quân đội Cuba quản lý. Ngoài ra, Mỹ cũng siết chặt việc đi lại và đặt ra rào cản thương mại đối với Cuba.
Ông Bolton cho biết theo lệnh trừng phạt mới, các công dân Mỹ gửi tiền tới Cuba sẽ bị giới hạn chỉ còn 1.000 USD/quý. Ngoài ra, theo cố vấn an ninh Mỹ, hoạt động đi lại giữa hai nước không theo diện thăm nom gia đình cũng sẽ bị hạn chế để giảm bớt tình trạng “du lịch chui”, vốn có thể mang lại lợi ích cho chính quyền và quân đội Cuba.
Trước đó, các chuyến thăm của người Mỹ tới Cuba theo diện trao đổi văn hóa và du lịch đã tăng đột biến dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama do chính sách nới lỏng của chính quyền Mỹ khi đó. Du lịch được xem là lĩnh vực then chốt mang lại ngoại tệ lớn cho Cuba.
“Thông qua Bộ Tài chính, chúng tôi sẽ thực thi một số thay đổi để chấm dứt việc sử dụng “giao dịch xoay vòng”, vốn cho phép chính phủ Cuba né tránh lệnh trừng phạt và tiếp cận với nguồn tiền cũng như hệ thống ngân hàng Mỹ”, ông Bolton phát biểu trước các cựu binh sĩ Cuba từng tham gia sự kiện Vịnh Con Lợn vào năm 1961 khi các đối tượng Cuba lưu vong do Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hậu thuẫn tìm cách lật đổ chính quyền cách mạng của lãnh tụ Fidel Casto.
Bộ Tài chính Mỹ vẫn chưa đưa ra thông báo chính thức về các lệnh trừng phạt mới, song ông Bolton cho biết 5 thực thể sẽ được bổ sung vào danh sách đen của Mỹ, trong đó có hãng hàng không Aerogaviota của quân đội Cuba.
Tuyên bố của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ được đưa ra chỉ một ngày sau khi Nhà Trắng thông báo sẽ lần đầu tiên cho phép các tòa án Mỹ thụ lý các vụ án khởi kiện doanh nghiệp nước ngoài sử dụng các tài sản bị tịch thu của người Mỹ tại Cuba sau cuộc cách mạng Cuba vào năm 1959.
Tổng thống Trump hồi tháng 1 cảnh báo sẽ cho phép thực thi đạo luật Helms-Burton gây tranh cãi vốn bị trì hoãn từ năm 1996, cho phép người Mỹ gốc Cuba hoặc các công dân Mỹ khác kiện các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn ở Cuba có liên quan đến các tài sản của Mỹ bị Cuba tịch thu khoảng 60 năm trước.
Đạo luật Helms-Burton đã bị các chính quyền tiền nhiệm của ông Trump từ chối thực thi suốt 23 năm qua do sự phản đối của cộng đồng quốc tế và lo ngại nó có thể gây hỗn loạn hệ thống tòa án Mỹ.
Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel (Ảnh: Sputnik) |
Việc Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Cuba được cho là để cảnh báo quốc đảo Caribe khi ủng hộ chính quyền Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
“Hiện tại, Cuba tiếp tục hỗ trợ ông Maduro và giúp ông này duy trì sự đau khổ của người dân Venezuela. Như Tổng thống Trump đã nói, ông Maduro chỉ đơn giản là con rối của Cuba”, cố vấn an ninh Bolton nói.
Trước sức ép ngày càng tăng từ Mỹ, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel hôm qua tuyên bố: “Không ai được phép chiếm đất nước của chúng tôi, dù bằng hình thức lôi kéo hay vũ lực. Người Cuba chúng tôi sẽ không đầu hàng”.
Trong một bình luận được cho là nhằm đáp trả tuyên bố của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Chủ tịch Cuba viết trên Twitter: “Sẽ không thay đổi lập trường đối với những người đang cầm kiếm chĩa vào chúng tôi. Người Cuba chúng tôi sẽ không đầu hàng và cũng không chấp nhận những đạo luật quy định số phận của chúng tôi ngoài hiến pháp. Cuba tin tưởng vào sức mạnh và phẩm cách của chúng tôi”.