Các khu công nghiệp Hải Dương cần chú trọng đảm bảo môi trường
Việc xử lý nước thải tập trung và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại để đảm bảo môi trường đang được các cấp, các ngành và người dân đặc biệt quan tâm.
Phóng viên VOV tìm hiểu về hoạt động trạm xử lý nước thải |
Trong 8 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương mới có 6 khu xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, số doanh nghiệp đấu nối xả thải đạt 95%. Hiện còn hai khu công nghiệp Lai Vu và Lai Cách vẫn chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Việc kiểm soát hoạt động thực tế của các trạm này vẫn chỉ dựa trên báo cáo của các đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp.
Theo quy định các trạm đều phải lắp hệ thống quan trắc, nhưng do chế tài hướng dẫn, quy định pháp luật về công tác quản lý chưa có, nên một số nơi mặc dù đã xây dựng trạm xử lý nước thải, nhưng vẫn không vận hành thường xuyên.
Trong khi đó, một năm đơn vị chức năng chỉ được phép kiểm tra xả thải bốn lần, trừ trường hợp đột xuất nhận được đơn thư phản ánh của người dân, nên việc giám sát hoạt động của các trạm xử lý nước thải còn hạn chế. Bên cạnh đó, quy định việc truyền thông tin dữ liệu của các trạm quan trắc cũng chưa được ban hành nên công tác quản lý xả thải tập trung vẫn chỉ mang tính hình thức.
Bà Hà Thị Luyến, Phó trưởng Phòng Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hải Dương cho biết: Thông tư 35 của Bộ Tài nguyên & Môi trường quy định các trạm xử lý nước thải từ 1000 m3/ ngày đêm phải lắp hệ thống quan trắc. Thông tư chỉ quy định như vậy nhưng không có chế tài hướng dẫn truyền tải thông tin về cơ quan quản lý. Tỉnh đang ban hành hướng dẫn tạm thời, Bộ chưa có hướng dẫn nên rất khó khăn trong quản lý.
Bồn lắng của trạm xử lý nước thải |
Trung bình một năm 8 khu công nghiệp ở Hải Dương thải ra khoảng 25 nghìn tấn chất thải rắn, chất thải nguy hại. Theo quy định, tại các khu công nghiệp phải có khu để quản lý, xử lý chất thải rắn tập trung, nhưng trong quá trình triển khai các khu công nghiệp ở Hải Dương đã không xây dựng, hiện nay rác thải công nghiệp phải đi thuê thu gom xử lý.
Do chưa có hướng dẫn, hay quy định bắt buộc nên các đơn vị sản xuất ở khu công nghiệp đều tự ký hợp đồng trực tiếp với các công ty môi trường vận chuyển chất thải đi xử lý chỗ khác.
Trong khi đó, đến thời điểm này Bộ Tài nguyên & Môi trường vẫn chưa có văn bản phân loại về quản lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, nên các công ty môi trường phân loại ra sao, vận chuyển đi đâu, xử lý như thế nào thì chưa có ai giải quyết. Lâu nay, các đơn vị này khi thu gom chất thải công nghiệp thường phân loại cái gì còn tái sử dụng được thì bán phế liệu, còn chất thải nào không sử dụng được thì mang đi xử lý.
Có nhiều trường hợp chất thải sau khi được phân loại đã bị đổ lẫn cùng với rác thải sinh hoạt, thậm chí được đem đi đổ trộm ở nhiều nơi.
Bà Trần Thị Vượng, Giám đốc hành chính Công ty TNHH May Tiên Lợi, trụ sở tại khu công nghiệp Lai Vu cho biết: Một công ty môi trường sau khi ký hợp đồng vận chuyển xử lý chất thải cho công ty, nhưng đã đổ thải lung tung gây mất uy tín cho doanh nghiệp.
Một phân xưởng may của Công ty TNHH Tiên Lợi |
Các khu công nghiệp ở tỉnh Hải Dương hiện nay vẫn còn tình trạng doanh nghiệp không thực hiện đăng ký chủ nguồn chất thải theo quy định, có doanh nghiệp còn tự ý lưu giữ chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường cục bộ. Trách nhiệm quản lý và bảo vệ môi trường liên quan tới chức năng, nhiệm vụ của nhiều ngành khác nhau nhưng lâu nay sự phối hợp giữa các đơn vị ở Hải Dương vẫn còn bị động, chưa chặt chẽ.
Ông Tạ Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hải Dương cho biết: Quy định chức năng hoạt động của các công ty chuyên thu gom xử lý chất thải công nghiệp còn rất chung chung, không biết thế nào là đạt hay không đạt tiêu chuẩn.
Trách nhiệm quản lý chồng chéo, quy định pháp luật về công tác đảm bảo môi trường còn thiếu, chính là nguyên nhân dẫn đến việc xử lý môi trường ở các khu công nghiệp của tỉnh Hải Dương còn nhiều bất cập. Theo đề xuất của tỉnh Hải Dương và nhiều địa phương khác thì việc đảm bảo môi trường ở các khu công nghiệp nên giao về một đầu mối là Ban Quản lý các khu công nghiệp, có thế mới tránh được tình trạng "Cha chung không ai khóc" trong công tác bảo vệ môi trường./.