Bóng đá Việt Nam: Quên Thái Lan đi, giờ là lúc hướng đến tầm vóc mới
Trận đấu tối 5/6 giữa đội tuyển Việt Nam và Thái Lan tại King’s Cup chỉ ra rằng Thái Lan mới là đội sợ thua đội tuyển Việt Nam thời điểm hiện tại, chứ không phải ngược lại và không còn như ngày trước.
Hiện giờ, đội tuyển Việt Nam, hay chí ít là thế hệ cầu thủ Việt Nam hiện nay khi đối đầu với Thái Lan đĩnh đạc hẳn rồi. Quang Hải và các đồng đội, trong tâm lý, xem Thái Lan như bao đối thủ khác, nên họ nhập cuộc trong mọi trận đấu với các đại diện của nền bóng đá xứ Chùa Vàng, cũng bình thường như bao trận đấu khác.
Trước đây, chúng ta thường mất tập trung và mất bình tĩnh lúc đối đầu với Thái Lan, vì chúng ta “lên gân” quá nhiều cho những cuộc đối đầu này. Mà càng lên gân thì càng khó đá!
Về mặt vị thế, bóng đá Việt Nam có lẽ đã bỏ Thái Lan lại phía sau (ảnh: An An) |
Chúng ta không dám nói rằng cầu thủ Việt Nam hơn Thái Lan về mặt kỹ thuật, nhìn từ trận đấu nói trên. Và dẫu có hơn đi nữa, thì đấy vẫn chỉ là một trận giao hữu, King’s Cup vẫn chỉ là một giải mời, không đủ để phản ánh chất lượng kỹ thuật của từng đội tuyển, do mỗi đội đều có toan tính khác nhau.
Ở đây, chúng ta hơn họ về phong thái và vị thế. Cầu thủ Việt Nam bây giờ xem chuyện chúng ta có thể vượt qua Thái Lan là chuyện đương nhiên. Mà đã xem Thái Lan cũng là đội bình thường như bao đội khác ở khu vực Đông Nam Á, có nghĩa là chúng ta cũng tin rằng chúng ta đã có thể nghĩ đến chuyện vươn đến những cái đích lớn hơn.
Ngày trước, chúng ta không dám nghĩ xa vì chúng ta đá mãi vẫn không thắng Thái. Ngày nay khác rồi. Đó là chưa kể Thái Lan cũng phải là nền bóng đá quá ghê gớm xét trên bình diện châu Á. Thành tích của họ hiện giờ còn kém cả thành tích của bóng đá Việt Nam ở các giải châu lục.
Thành ra, quá chú tâm vào chuyện hơn thua với bóng đá Thái Lan lúc này chẳng khác nào suy nghĩ thụt lùi.
Ngày trước, chúng ta mơ có cầu thủ ra nước ngoài thi đấu, không phải thông qua các kênh quan hệ (Lê Huỳnh Đức sang Lifan – Trung Quốc), hoặc đơn thuần là quảng bá, hay tìm chốn dung thân cho một vài cầu thủ khi họ đối diện với áp lực quá lớn trong nước (Công Vinh, Việt Thắng sang Bồ Đào). Giờ cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài trở thành trụ cột của các đội bóng ngoại (thủ môn Đặng Văn Lâm).
Giờ, cầu thủ Việt Nam không chỉ đá bóng ở Đông Nam Á mà còn đá ở các giải tầm châu lục. Có thể Công Phượng không thành công ở Incheon United mới đây, nhưng đấy là những bước đột phá. Chúng ta sẽ chẳng thể nào vươn tầm nếu thiếu những bước đột phá và những khởi đầu như thế (cho dù là khởi đầu nan đi chăng nữa).
Tức là chúng ta từng bước được nâng tầm vì chúng ta có người dám suy nghĩ đột phá. Giờ là lúc thích hợp để chúng ta nghĩ xa hơn khu vực Đông Nam Á, tiếp tục đột phá trong suy nghĩ và trong mục tiêu phát triển, thay vì sớm bằng lòng với một – hai trận thắng Thái Lan mà chính các cầu thủ còn xem đấy là chuyện đương nhiên sẽ thắng!