Bộ Y tế cam kết bổ sung cán bộ, thiết bị cho y tế cơ sở trong quý 1/2019
Bước vào năm 2019, Bộ Y tế quyết tâm hoàn thiện mô hình trạm y tế (TYT) xã hoạt động theo nguyên lý Y học Gia đình, đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án ODA đã cam kết và dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến |
Trong cuộc phỏng vấn với báo chí đầu năm 2019, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, đến hết quý I/2019, sẽ hoàn thiện cơ bản việc bổ sung cán bộ và cấp trang thiết bị y tế cho 26 TYT xã điểm, TYT ở các tỉnh, thành phố lớn và khoảng 20 tỉnh thụ hưởng dự án có tài trợ từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU).
Bộ trưởng cũng khẳng định tiếp tục thực hiện các chiến lược tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống và ngược lại; xây dựng các quy trình chuyên môn, hướng dẫn điều trị; đào tạo theo địa chỉ để bổ sung nhân lực cho y tế cơ sở các vùng khó khăn; xây dựng và trình ban hành các chính sách ưu đãi cho viên chức y tế cơ sở.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Chất lượng môi trường sống, làm việc, chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thân thể, văn hóa tinh thần ở nhiều nơi chưa được chú trọng, bảo đảm. Nhiều hành vi, thói quen ảnh hưởng xấu tới sức khỏe chưa được khắc phục căn bản. Chênh lệch chỉ số sức khỏe giữa các vùng, miền còn lớn. Đào tạo, sử dụng, cơ cấu và chế độ đãi ngộ cán bộ y tế còn nhiều bất cập...
Nói chuyện với các cán bộ công tác tại Bộ Y tế hôm 11/2, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, ngành y tế đã có những dấu ấn đặc biệt trong năm 2018 - năm đầu tiên cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết 20, Nghị quyết 21 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Bộ Y tế đã quyết liệt triển khai và nhân rộng mô hình của 26 TYT xã hoạt động theo nguyên lý Y học Gia đình, cụ thể: tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các TYT ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo; đổi mới cơ chế tài chính, chính sách bảo hiểm y tế; tập trung phòng chống các bệnh không lây nhiễm; quản lý hồ sơ sức khỏe người dân, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu, liên tục, toàn diện và lồng ghép, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Ngành y tế xác định giúp y tế cơ sở thực hiện hiệu quả vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, lấy người dân làm trung tâm; hoàn thiện mô hình Trung tâm Y tế đa chức năng để gắn phòng bệnh với chữa bệnh, quản lý trực tiếp TYT xã; phân loại các TYT xã phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ở từng vùng miền, khu vực.
Một năm qua, việc triển khai các khóa đào tạo theo nguyên lý Y học Gia đình, đào tạo quản lý tại các TYT xã điểm và trạm y tế xã các tỉnh tham gia dự án ODA của Ngân hàng Thế giới, EU và ADB, được thực hiện song song với việc bước đầu sắp xếp lại công năng, nâng cấp các TYT xã điểm, triển khai trên diện rộng các nhiệm vụ của TYT xã theo nguyên lý Y học Gia đình.
Trong đó, Dự án Giáo dục và Đào tạo Nhân lực Y tế Phục vụ Cải cách Hệ thống Y tế (HPET) được Bộ Y tế triển khai từ năm 2014, với sự hỗ trợ của Liên minh Châu Âu và Ngân hàng Thế giới, cũng đã tăng tốc các hoạt động, góp phần nâng số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cho mạng lưới y tế cơ sở tại 15 tỉnh khó khăn ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên Việt Nam. Tới cuối 2018, đã có gần 6.870 cán bộ y tế cơ sở trong vùng dự án tham gia các khóa đào tạo, đạt 96% mục tiêu năm.
Lộ trình đến 2025 bảo đảm khoảng 70% TYT được đầu tư hoàn chỉnh, hoạt động theo nguyên lý Y học Gia đình và đến năm 2030, toàn bộ các TYT trong cả nước đủ điều kiện và thực hiện mô hình này./.