Bộ mặt NTM Sơn La khởi sắc: Sông Mã bứt phá xây dựng nông thôn mới
Chọn phát triển kinh tế là khâu đột phá
Là một trong những huyện biên giới nhiều khó khăn, Sông Mã (Sơn La) bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM với xuất phát điểm rất thấp. Toàn huyện có 18 xã, thị trấn, trong đó phần lớn đều là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, cư dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, địa hình đồi núi chia cắt, phức tạp... ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả triển khai chương trình xây dựng NTM trong toàn huyện.
Trong phát triển kinh tế huyện Sông Mã vận động nhân dân tập trung vào những cây trồng chủ lực, là thế mạnh ở địa phương như nhãn ghép, xoài ghép... |
Cấp ủy Đảng, chính huyền huyện luôn trăn trở tìm lời giải cho câu hỏi: Làm thế nào để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng thực hiện chương trình NTM trên địa bàn? Sau nhiều cuộc họp bàn, huyện Sông Mã đã xác định được hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đó là lấy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân làm “điểm tựa” để thúc đẩy việc thực hiện các tiêu chí khác.
Ông Lương Văn Vịnh– Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Mã, cho biết: Xây dựng NTN là chương trình rộng, bao quát nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường... Trong khi đó, Sông Mã lại là huyện nghèo, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Mặt khác, trong xây dựng NTM người dân giữ vai trò chủ thể thực hiện, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần nhất định...
Trên cơ sở phân tích tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Sông Mã đã quy hoạch phát triển sản xuất theo từng vùng. Vì vậy sản xuất nông nghiệp có sự chuyển biến tích cực theo hướng tập trung ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm an toàn. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, giảm diện tích cây lương thực kém hiệu quả sang phát triển cây ăn quả chất lượng. Trong đó phải kể đến mô hình trồng nhãn ghép, cây trồng chủ lực của huyện với hơn 5.560 ha và các loại cây khác như bưởi da xanh, chanh leo, phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, khuyến khích khích nhân dân các xã vùng cao phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa…
Bên cạnh đó, kinh tế tập thể được quan tâm triển khai có hiệu quả, hiện toàn huyện lên 33 HTX, coi đây là một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương... Góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 39%.
Nhãn ghép đang khẳng định là cây trồng có hiệu quả nhất ở Sông Mã |
Nông thôn khởi sắc
Từ việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đời sống, thu nhập của nhân dân các dân tộc địa phương không ngừng được cải thiện, nâng cao. Kinh tế phát triển, người dân tích cực tham gia xây dựng NTM, tạo nên phong trào thi đua “chung sức xây dựng nông thôn mới” phát triển sâu rộng khắp các xã, bản.
Bà Lê Thị Yến - Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, phấn khởi: Tuy còn nhiều khó khăn song những kết quả đã đạt được trong xây dựng NTM ở huyện Sông Mã những năm qua thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự vào cuộc tích cực của người dân. Chương trình xây dựng NTM đã góp phần không nhỏ thúc đẩy kinh tế - xã hội trong huyện phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, thu nhập của người dân tăng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh...
Hệ thống đường giao thông liên xã, bản được bê tông hóa thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của nông dân |
Theo bà Yến, cái được lớn nhất trong xây dựng NTM ở Sông Mã thời gian qua là đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Thông qua việc công khai, minh bạch tất cả các nội dung liên quan đến xây dựng NTM, người dân phát huy được quyền làm chủ của mình nên tích cực tham gia, đóng góp công sức làm đường giao thông, nhà văn hóa, sân thể thao... làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi.
Sự nghiệp giáo dục trên địa bàn huyện cũng có nhiều tiến bộ vượt bậc. Đồng bào các dân tộc chú ý hơn tới việc học hành của con em mình. Chất lượng dạy và học ở tất cả các bậc học, với 19 đơn vị trường được nâng cấp, sửa chữa đáp ứng yêu cầu dạy và học.
Công tác dân số, gia đình và trẻ em được triển khai sâu rộng và toàn diện. Mạng lưới y tế cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân các dân tộc.
Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thôn, bản gắn với xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, thu được nhiều kết quả khả quan. Bà con các dân tộc chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, làng bản. Nhiều hộ gia đình đã chủ động di dời gia súc ra khởi gầm sản, xây dựng chuồng trại thoáng mát. Các tai tệ nạn xã hội dần được đẩy lùi, bà con sống chan hòa, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ đường biên, mốc giới...
Trong năm 2017, huyện Sông Mã đã có xã Chiềng Khương, xã biên giới đầu tiên của tỉnh Sơn la đạt chuẩn NTM; xã Chiềng Sơ đạt 12 tiêu chí còn lại các xã đạt 5 – 9 tiêu chí. Năm 2018, huyện phấn đấu có thêm ít nhất 1 xã đạt chuẩn NTM và tạo chuyển biến tích cực ở tất cả các xã trên địa bàn.