Bộ Công an: Tín dụng đen được ví như “cướp ngày” gây bất ổn xã hội
Trả lời thắc mắc của người dân trên Cổng thông tin điện tử (www.mps.gov.vn), Bộ Công an cho biết, “tín dụng đen” là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt mức lãi suất cho vay mà Nhà nước hay pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật. Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường hoạt động núp dưới vỏ bọc là các cơ sở kinh doanh, hội nhóm.
Cục cảnh sát hình sự (C02) - Bộ Công an vừa bắt giữ nhóm giang hồ chuyên hoạt động cho vay nặng lãi, tổ chức đánh bạc... vươn khắp các tỉnh thành phía Nam do đối tượng Lâm Thanh Vũ (tức Vũ “bông hồng”) cầm đầu. |
“Tín dụng đen” có chiều hướng diễn biến khá phức tạp
Theo Bộ Công an, thống kê chưa đầy đủ trong khoảng 4 năm gần đây cho thấy, trên toàn quốc xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan đến “tín dụng đen”; trong đó có khoảng 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến việc huy động vốn với lãi suất cao, với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỷ đồng (vỡ nợ dây chuyền).
Hiện tại lực lượng Cảnh sát hình sự đã rà dựng và hiện đang quản lý hơn 200 băng nhóm, với gần 2.000 đối tượng hoạt động có tổ chức về lĩnh vực cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê.
“Thời gian qua, tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” có chiều hướng diễn biến khá phức tạp. Hoạt động của các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính diễn ra tấp nập hầu hết ở các địa phương, kể cả những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Ngoài những doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu vay vốn nhưng khó tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng còn có những người ham mê cờ bạc, thua cá độ bóng đá tìm đến đây để vay nóng”- Bộ Công an cho hay.
Bộ này nhìn nhận, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông và tính lưu động của các băng nhóm liên quan đến tín dụng đen, hoạt động của các đối tượng hình sự gốc Bắc di chuyển vào Nam, Tây Nguyên và những nơi có chủ trương thành lập đặc khu kinh tế, “tín dụng đen” đang len lỏi đến cả vùng nông thôn và được ví như “cướp ngày” gây bất ổn trong xã hội.
Các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” thường gắn với tội phạm có tổ chức và có xu thế tạo vỏ bọc hợp pháp dưới các cơ sở kinh doanh tài chính, công ty, doanh nghiệp để hoạt động.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, có 47/63 địa phương có các cơ sở hoạt động kinh doanh tài chính. Tính đến hết năm 2017, cả nước có 12 tỉnh, thành phố có doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đang hoạt động và các công ty này có nhiều vi phạm về an ninh, trật tự; tiến hành đòi nợ bằng hình thức “khủng bố tinh thần”, cấu kết với các băng nhóm tội phạm bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ.
“Trong khi đó, trách nhiệm của ngành Công an chưa được quy định rõ và nếu những cơ sở này có vi phạm nhưng không đến mức phải xử lý hình sự thì lực lượng Công an lại không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đòi nợ”- Bộ Công an phân tích.
Hầu hết chưa xử lý được về hình sự song lại gây sợ hãi, hoang mang
Phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phổ biến là: phát, dán tờ rơi, lập các website, sử dụng mạng xã hội, sử dụng số thuê bao không đăng ký chính chủ… đăng tin, gửi tin nhắn quảng cáo vay tiền không cần gặp mặt, không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, cấp tiền ngay, với số tiền vay từ 1 triệu đến vài chục triệu đồng.
Các đối tượng còn sử dụng công nghệ cao tổ chức hoạt động “tín dụng đen” qua mạng Internet dưới dạng cho vay trực tuyến, vay ngang hàng với lãi suất rất cao. Các đối tượng thường ngụy trang hành vi cho vay lãi nặng bằng các hợp đồng biến tướng để lách luật và trốn tránh sự điều tra, thu thập chứng cứ của cơ quan Công an.
Quảng cáo cho vay "tín dụng đen" xuất hiện khắp nơi. |
Nếu các con nợ không trả đúng hẹn, các đối tượng cho vay thường sử dụng nhân viên hoặc thuê các đối tượng hình sự tổ chức các hình thức đòi nợ như đe dọa, khủng bố tinh thần, ném chất bẩn, đặt vòng hoa, quan tài, sử dụng sim rác để đe dọa, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, gây rối tại nơi ở, nơi kinh doanh của con nợ…
Bộ Công an thừa nhận, những hành vi này hầu hết chưa xử lý được về hình sự song lại gây sự sợ hãi, hoang mang bất an, lo lắng, mất uy tín cho nạn nhân và gia đình, gây bức xúc cho quần chúng nhân dân xung quanh.
Nhiều nạn nhân bị các đối tượng khống chế, đe dọa nhưng không dám tố cáo, hợp tác, cung cấp tài liệu với cơ quan công an. Đặc biệt là số các đối tượng trong các công ty có chức năng đòi nợ thuê được Nhà nước cấp phép hoạt động, thực chất là không ít các băng, nhóm tội phạm núp bóng công ty, doanh nghiệp.
Để dễ bề tổ chức các hoạt động che mắt những hành vi phi pháp, bọn chúng lôi kéo mời các cán bộ từng làm việc trong các cơ quan bảo vệ pháp luật (công an, viện kiểm sát, tòa án…) thoái hóa, biến chất, đã nghỉ hưu tham gia tư vấn hoạt động cho vay và đòi nợ của chúng, thậm chí các đối tượng còn ăn mặc lịch sự mang giấy giới thiệu đến công an cấp cơ sở đề nghị phối hợp để thực hiện hành vi đòi nợ, nhưng khi thực hiện hành vi đòi nợ thì lại sử dụng đối tượng lưu manh, côn đồ để thực hiện.
Trấn áp tội phạm “tín dụng đen” trên phạm vi toàn quốc
Trước thực trạng trên, Bộ Công an cho biết sẽ tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo 138/CP của Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.
Tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về tác hại của “tín dụng đen” tới người dân; Thành lập các tổ công tác liên ngành tổ chức kiểm tra hành chính các cơ sở cầm đồ, cho vay, kinh doanh tài chính, dịch vụ đòi nợ... nhằm phát hiện tội phạm; Rà soát các ngành nghề thường bị các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” lợi dụng, núp bóng hoạt động để đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.
“Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc để đấu tranh quyết liệt các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” gắn với đấu tranh, triệt xóa các đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức huy động vốn, tham gia hụi, họ, phường, triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, sử dụng vũ khí quân dụng, núp bóng doanh nghiệp để hoạt động.
Phối hợp chặt chẽ với VKSND Tối cao, TAND Tối cao chỉ đạo các cơ quan tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến “tín dụng đen”, góp phần răn đe và phòng ngừa chung”- Bộ Công an cho hay.