Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và tính ưu việt
Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ thay đổi về đầu mối quản lý công tác quản lý sát hạch lái xe.

Ngoài việc làm chi tiết và chặt chẽ hơn các quy định về từng lĩnh vực trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), vấn đề quyền hạn, trách nhiệm của các bên liên quan trong lĩnh vực này cũng được dự thảo Luật quy định rõ ràng. Đáng chú ý là thay đổi về đầu mối quản lý đối với công tác quản lý sát hạch lái xe. Bởi theo thống kê có đến 90% nguyên nhân tai nạn giao thông xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông. Trong khi vấn đề quản lý hành vi giao thông, quản lý phương tiện, bằng lái… vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước đối với công tác đảm bảo TTATGT.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, phường Tân Thịnh, TP Thái Nguyên chia sẻ suy nghĩ về dự thảo luật này: “Tôi quan tâm nhất đến quy định sẽ chuyển giao nhiệm vụ sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an, nếu thực hiện được như vậy sẽ giúp việc quản lý người lái xe từ lúc được cấp giấy phép lái xe đến khi sử dụng.”

Ông Lê Hải Linh, Trưởng phòng Quản lý Giao thông, Vận tải và Người lái, Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Nhận được một số ý kiến tham gia nhiều chiều, có ý kiến đồng tình, cũng có ý kiến chưa đồng tình, Ban soạn thảo đã tích cực tiếp nhận và đang nghiên cứu”.

Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và tính ưu việt
Nhiều ý kiến đồng tình với dự thảo luật sẽ đảm bảo an toàn hơn cho người dân khi tham gia giao thông

Một trong những điểm nổi bật của dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT là mức độ chi tiết cụ thể của các quy tắc giao thông đường bộ, như không dùng tay sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện, quy tắc nhường đường, tránh, vượt, chuyển hướng, lùi xe, vượt xe, dừng xe, đỗ xe, tốc độ, khoảng cách…Theo ghi nhận, nhiều ý kiến đồng tình với việc cần thiết phải ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ để đảm bảo tốt hơn an ninh, trật tự trên đường, an toàn hơn cho người dân khi tham gia giao thông.

Chị Dương Thị Lan, phường Phan Đình Phùng TP Thái Nguyên nêu ý kiến: “Việc tách biệt về Luật Bảo đảm TTATGT tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khi đến liên hệ, giải quyết công việc hàng ngày. Bản thân tôi rất đồng tình với chủ trương đó”.

Cũng đồng tình với nội dung này, ông Nguyễn Nam Hà, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (cơ sở Thái Nguyên) chia sẻ: “Nâng cao ý thức của người tham gia giao thông hơn, vì nếu anh không làm tốt, anh sẽ bị trừ điểm, thậm chí anh sẽ phải thi sát hạch lại. Đối với một số anh chị lái xe chuyên nghiệp, họ sẽ phải tự suy nghĩ trước khi mắc phải vi phạm đó”.

Khi Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ được ban hành sẽ đảm bảo hành lang pháp lý cho các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ hiệu lực, hiệu quả hơn.

Thượng tá Nguyễn Văn Toàn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ cũng nêu rõ trách nhiệm của Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý Nhà nước về TTATGT; Bộ Giao thông vận tải, các bộ, các ngành, UBND các cấp thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về TTATGT theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan, trong đó đã phân công, phân cấp nhiều nhiệm vụ quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ cho UBND các cấp”.

Với những điểm ưu việt, khi dự luật này được Quốc hội thông qua sẽ góp phần nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, hình thành văn hóa giao thông văn minh, tiệm cận với nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới./.