Bí quyết thành công của “vua thép” huyền thoại người Mỹ
Tỷ phú Andrew Carnegie được mệnh danh là "vua thép" của nước Mỹ. Xuất thân bần hàn, nhưng nhờ nỗ lực vượt khó, ông đã trở nên giàu có và giúp cho nhiều người làm giàu.
Tỷ phú Andrew Carnegie là người Mỹ gốc Scotland |
Ông từng được tạp chí Fortune bình chọn là một trong những doanh nhân giàu nhất trong lịch sử nước Mỹ. Không chỉ nổi tiếng về độ giàu có, Andrew Carnegie còn được biết đến với tư cách là một tỷ phú giàu lòng bác ái, từng đóng góp tới 90% tài sản cá nhân tương đương với gần 350,7 triệu USD làm từ thiện.
Andrew Carnegie được mệnh danh là "ông vua" ngành thép mặc dù ông không am hiểu tường tận về việc sản xuất thép. Hàng ngàn người làm việc cho ông có kiến thức về thép hơn ông rất nhiều. Bí quyết nào đã đưa ông đến “ngôi vương” của ngành này?
Một bài học quan trọng mà Andrew Carnegie đã sớm nắm bắt được ngay từ khi còn nhỏ đó là xây dựng cách đối nhân xử thế, và tạo dựng các mối quan hệ. Theo ông, các mối quan hệ chính là nền móng của sự thành đạt.
"Phép lạ" biến không thành có
Vì gia cảnh khó khăn nên Andrew Carnegie không được học đến nơi đến chốn. Ông chỉ ngồi trên ghế nhà trường được bốn năm, và bắt đầu kiếm tiền từ khi còn rất nhỏ. Trong khi phải kiếm tiền, Andrew Carnegie vẫn luôn dành thời gian cho việc tự học. Ông rất thích đọc sách và chính điều này là khởi nguồn cho tài đối nhân xử thế của ông.
Tố chất lãnh đạo và nghệ thuật tổ chức của Andrew Carnegie đã được bộc lộ từ khá sớm. Đó là khi ông vẫn còn là một cậu bé, sống ở Scotland. Khi đó, ông có nuôi một cặp thỏ. Chẳng lâu sau ông có cả đám thỏ con. Nhưng khó khăn lúc đó là ông chẳng có gì để nuôi chúng cả.
Rồi ông đã nảy ra một sáng kiến: ông bảo đám bạn trong vùng rằng nếu chúng kiếm được đủ cỏ ba lá và bồ công anh để nuôi bọn thỏ, ông sẽ lấy tên của chúng để đặt tên cho từng chú thỏ con. Kế hoạch ấy thành công như một phép lạ và Andrew Carnegie không bao giờ quên điều này.
Nhiều năm sau, ông kiếm được hàng triệu USD cũng bằng cách ứng dụng tâm lý này trong kinh doanh. Chẳng hạn, khi Andrew Carnegie muốn cung cấp đường ray bằng thép cho Công ty đường sắt Pennsylvania mà Edgar Thomson là chủ tịch lúc đó, ông đã dựng lên một nhà máy thép ở Pittsburgh và đặt tên là “Nhà máy thép Edgar Thomson”.
Thế là khi Công ty Pennsylvania phát đi nhu cầu về vật liệu, vượt qua rất nhiều đối thủ khác, Andrew Carnegie đã giành được hợp đồng cung cấp lượng thép khổng lồ cho Thomson.
Nghiên cứu kỹ về bản tính con người
Sau này khi có điều kiện quay trở lại trường học, Andrew Carnegie đã chọn ngành học về bản tính con người. Ông từng nói rằng mình không hiểu cơ chế một chiếc máy chạy bằng hơi nước, nhưng ông sẽ cố gắng tìm hiểu một cơ chế phức tạp hơn nhiều, đó chính là con người.
Ngoài khả năng lãnh đạo và cách đối nhân xử thế, Andrew Carnegie còn là một người bác ái và hảo tâm. Ông đã đóng góp phần lớn gia tài của mình cho cộng đồng, giúp nhiều nhân viên của mình trở nên giàu có. Ông đã trả cho một giám đốc dưới quyền là Charles Schwab mức lương 1 triệu USD mỗi năm. Charles Schwab là vị giám đốc đầu tiên của nước Mỹ được trả công cao như vậy.
Andrew Carnegie cho biết, ông trả số tiền này không phải cho kiến thức của Charles Schwab, mà trả cho khả năng đối nhân xử thế tuyệt vời của Charles Schwab với nhân viên./.