Bí quyết giữ “lửa” ở gia đình tứ đại đồng đường vùng Mỏ
Ở vùng Mỏ bất khuất kiên cường - nơi những gia đình thợ mỏ nhiều thế hệ thay nhau nâng giữ “vàng đen” đã được nâng lên thành truyền thống.
Vào một ngày giữa tháng 10, chúng tôi tìm đến địa chỉ một gia đình thợ mỏ có 4 thế hệ cùng sống chung một mái nhà và có gắn bó khăng khít với ngành than tại phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
Tại đây, chúng tôi được nghe những câu chuyện về công cuộc kiến thiết vùng Mỏ thời kỳ đầu và sự tiếp nối truyền thống cha ông của những người con trưởng thành ở nơi “Những Cọc, Hòn vùng lên thành ban mai”. Phòng khách dường như trở thành phòng truyền thống của gia đình với những giấy khen, bằng khen và những vật kỷ niệm trải qua nhiều năm tháng.
Ông Châu Văn Long kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời gắn bó với nghề mỏ của gia đình mình: “Trước mẹ tôi là công nhân Xí nghiệp Bến Cửa Ông, đã từng 28 năm đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua của ngành than. Bố cũng từng làm công nhân lái tàu hỏa. Năm 1974, tôi ra trường tham gia hàng ngũ công nhân mỏ. Đến năm 1975 sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, với nhiệt huyết tuổi trẻ, tôi được bố trí vào phân xưởng vận tải lái đầu máy kéo, kế tiếp sự nghiệp của bố. Cả gia đình tôi đều nỗ lực hết mình cống hiến cho ngành mỏ”.
Đại gia đình ông Châu Văn Long quây quần bên nhau |
Bao thăng trầm của ngành than đã in sâu trong những ký ức, kỷ niệm của những người con, người thợ mỏ ấy. Vào những năm 1955 đến 1975, nhắc đến ngành than là nhắc đến một trong những ngành có bậc lương rất cao mà người ta vẫn nói lương 1 thợ lò bằng 4 lần lương cô giáo, lương của một lái xe mỏ bằng 4 lần lương của bác sĩ. Bước vào ngành than là mơ ước của bao người, bảo đảm kinh tế khá vững cho người thợ mỏ.
Sau nhiều biến cố thăng trầm của ngành than, mãi đến năm 1990, những người thợ mỏ lại trỗi dậy hy vọng khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định vực dậy ngành than, đưa ngành vượt qua khó khăn bộn bề. Ngày nay, ngành than vẫn phát triển, giữ vững chỗ đứng của mình trong nền kinh tế của tỉnh nhà. Và không thể phủ nhận một điều, những con người thợ mỏ ấy vẫn kiên cường sản xuất, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách để đưa ngành than phát triển cho đến ngày hôm nay.
Năm 1980, gia đình ông có 2 thế hệ, năm tháng trôi qua ông xây dựng gia đình và sinh 2 con trai, nhiều lúc ngành than gặp khó khăn, lớp trẻ nhận thức chưa đầy đủ không còn tha thết với ngành than, nhưng với truyền thống nghề ông đã định hướng, giáo dục và phân tích cho các con, được các con tiếp thu và tiếp tục theo nghề của bố.
Con trai lớn vào Đại học Mỏ địa chất ngành khai thác, con trai thứ hai vào Đại học Bách khoa ngành kỹ sư máy nổ, sau khi tốt nghiệp cả hai về công tác tại tuyển than Cửa Ông. Với gia đình ông, truyền tình yêu của người thợ mỏ, nhiệt huyết với nghề luôn luôn được giữ gìn qua các thế hệ. Đến 2005 và 2010 hai con trai ông xây dựng gia đình và sinh cháu, gia đình ông thêm đời thứ 4 cùng sống chung trong một mái nhà cho đến ngày nay. Gia đình ông vẫn tâm niệm, sẽ không là bó buộc, bắt ép nhưng sẽ định hướng cho các cháu theo nghề mà bao đời nay gia đình vẫn theo.
Ông luôn tin tưởng ngành than vẫn tiếp tục phát triển theo hướng mới, công nghệ hiện đại hơn, khai thác an toàn hơn, ít ô nhiễm môi trường hơn, các ngành nghề mới thay thế vẫn đảm bảo giữ gìn ngành than truyền thống.
Ông Châu Văn Long coi đó là thông điệp để truyền cho con cháu:“Là một gia đình có truyền thống trong ngành than đã 4 đời,trải qua những thăng trầm lúc huy hoàng, lúc cam go, khó khăn nhất của ngành than, gia đình chúng tôi luôn giáo dục con cháu trong gia đình, cố gắng giúp đỡ và tạo điều kiện cho con cháu học tập, lao động và làm việc phục vụ tốt hơn nữa cho ngành than để ngành than càng ngày càng phát triển, xây dựng Vùng mỏ ngày càng giàu đẹp”.
Tự hào với truyền thống của gia đình gắn bó với những thăng trầm của ngành mỏ, Nguyễn Thị Trang (cháu nội của ông Châu Văn Long) không hề ngại ngần khi nói về ước mơ của mình: “Ngay từ nhỏ, cháu đã được nuôi dưỡng tình yêu với vùng mỏ, với nghề mỏ mà bao đời nay gia đình mình vẫn theo. Cháu sẽ cố gắng học thật tốt để sau này thi vào trường Đại học Mỏ địa chất để được đi theo con đường công nhân mỏ mà gia đình đang làm việc, đặc biệt là theo đuổi tình yêu với nghề mỏ của mình”.
Những người thợ mỏ bao thế hệ vẫn truyền lửa cho con cháu tiếp nối truyền thống cha ông, kế nghiệp xây dựng và phát triển vùng Mỏ giàu mạnh hơn nữa. Gia đình thợ mỏ nhiều thế hệ là một minh chứng rõ ràng cho ý thức phát huy truyền thống và làm tròn trách nhiệm cá nhân đối với nhiệm vụ phát triển tiềm năng quê hương./.