Bất lực nhìn cát tặc hoành hành trên sông Chu
Theo phản ánh của người dân một số xã dọc sông Chu thì tình trạng khai thác cát trên con sông này càng ngày càng nghiêm trọng. Ngay thời điểm PV có mặt tại nhiều vị trí của sông trên địa bàn huyện Thiệu Hóa, những chiếc tàu hút cát vẫn ngang nhiên nổ những tiếng chát chúa, chiếc máy bơm vẫn đều đặn hút cát lên khoang tàu.
Cụ thể, khu vực bờ sông Chu giáp ranh giữa xã Thiệu Toán và xã Thiệu Vũ (huyện Thiệu Hóa), không khó khăn để thấy những chiếc tàu hút cát bất ngờ xuất hiện. Những chiếc tàu này ngang nhiên nổ máy tiến hành khai thác cát trái phép. Khi phát hiện thấy có người quay phim, chụp ảnh, chiếc tàu nhanh chóng chạy dạt sang phía xã Thiệu Vũ rồi lại tiếp tục hút cát cho đến khi đầy mới rời đi.
Một chiếc tàu ngang nhiên bắt vòi hút cát giữa sông |
Theo chân anh Nguyễn Văn Thảo, Xã đội trưởng xã Thiệu Nguyên (huyện Thiệu Hóa) kiêm Tổ phó Tổ trực bảo vệ tài nguyên cát của xã, chúng tôi được lên một chiếc tàu tuần tra tiếp cận những chiếc tàu đang hút cát trái phép trên sông thuộc địa phận xã Thiệu Nguyên.
Thấy có người chụp ảnh và có tàu tuần tra đuổi theo, chiếc tàu hút cát trên vội vàng nhổ nheo, cho tàu chạy hết công lực về hướng xã Thiệu Vận, Thiệu Minh.
Anh Thảo cho biết: “Do lực lượng mỏng nên khi phát hiện có tầu đến hút cát trái phép trên địa bàn, chúng tôi cũng chỉ đến để đuổi đi, không cho hút cát làm sạt lở bờ sông chứ xử phạt thì rất khó. Muốn xử phạt phải có sự kết hợp giữa các đơn vị chức năng. Nhiều khi tức lắm mà không làm gì được”.
Khi chiếc tàu tuần tra đi khoảng 2 km trên sông Chu, chúng tôi tiếp tục bắt gặp hàng chục chiếc tàu hút cát “không số”, không biển kiểm soát đang tập trung tại phía bờ sông xã Thiệu Nguyên tiến hành bán cát từ tàu này sang tàu khác.
Việc mua bán cát diễn ra ngay trên tàu |
Theo ghi nhận, tại các bờ sông, tình trạng sạt lở do việc hút cát dưới lòng sông. Có những đoạn do việc hút cát nên nước sông đã lấn sâu vào trong đất liền có nơi lên đến hàng chục mét, nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở dài hàng trăm mét, có đoạn bờ sông đã trở thành “vực” sâu cả chục mét.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Nguyên bộc bạch: “Để chống lại nạn khai thác cát trái phép làm sạt lở đất đai hoa màu của người dân, UBND xã Thiệu Nguyên đã cho thành lập Tổ bảo vệ tài nguyên cát với 13 tổ viên là người dân trong xã, trang bị 1 thuyền tuần tra bảo vệ cát trên sông, cho xây dựng 1 chòi canh và 2 trạm quan sát cát tặc, thay phiên nhau tuần tra bảo vệ bờ sông. Toàn bộ kinh phí hoạt động của Tổ bảo vệ tài nguyên cát được trích ra từ nguồn thu của xã”.
“Hàng năm chúng tôi đã chi một nguồn kinh phí lên đến cả trăm triệu đồng cho việc chống lại nạn cát tặc. Xã Thiệu Nguyên lại giáp ranh xã Thiệu Đô được ngăn cách bởi con sông Chu, trong khi đó lực lượng chức năng lại mỏng, các đối tượng cát tặc đôi khi còn chống đối, khi phát hiện có lực lượng kiểm tra các đối tượng sẽ bỏ chạy. Từ đầu năm 2017 đến nay, UBND xã đã xử phạt trong thẩm quyền với 3 vụ với số tiền là 13 triệu” – ông Thắng cho biết thêm.
Những đoạn sông bị sạt lở nghiêm trọng |
Trao đổi về nạn cát tặc trên địa bàn, ông Phạm Đình Lam, Chủ tịch UBND xã Thiệu Toán, chia sẻ: “Hiện tại xã Thiệu Toán chưa có mỏ cát nào đã được cấp phép, chiếc thuyền khai thác trên là hoàn toàn vi phạm. Xã đã nhiều lần kiểm tra, giám sát nhưng do lực lượng mỏng, nhân lực không đủ nên rất khó thực hiện, tháng 4/2017 xã đã xử phạt 2 tàu hút cát trái phép, phạt mỗi tàu 3 triệu đồng”.
Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe |
Cũng theo ông Lam thì diễn biến tính hình khai thác cát trái phép là rất phức tạp, các đối tượng khai thác tinh vi thường chọn vào buổi trưa, tối, trong khi đó lực lượng công an lại mỏng, cả xã chỉ có 3 thôn nên chỉ có 3 công an viên quản lý 4,7 km bờ sông. Hiện tại, trên địa bàn xã đã có hơn 1000 mét đất bị sạt lở.