Bạo lực giảm rõ rệt trong ngày đầu thực thi “giảm căng thẳng” ở Syria
Thỏa thuận “giảm căng thẳng” có hiệu lực 2 ngày sau khi Nga, Iran, những nước ủng hộ chính quyền Tổng thống Bachar Al Assad và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ phe đối lập đạt được nhất trí về một bản ghi nhớ thiết lập 4 “vùng giảm căng thẳng” tại Syria, gồm Idlib, một số vùng liền kề tới phía Bắc tỉnh Homs, Đông Ghouta và một loạt các tỉnh ở miền Nam là Daraa và Al-Quneitra.
Syria lần đầu yên tiếng súng sau một thời gian dài giao tranh ác liệt. Ảnh: Reuters |
Bản ghi nhớ có thời hạn nửa năm và có thể tự động gia hạn thêm nửa năm. Sau khi bản ghi nhớ này có hiệu lực, phía Nga và Mỹ đã nhất trí nối lại đầy đủ việc thực hiện bản ghi nhớ về ngăn ngừa các vụ đụng độ giữa không quân hai nước trên vùng trời Syria.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin nói: “Thái độ xây dựng của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ những nỗ lực tăng cường cơ chế ngừng bắn tại Syria, góp phần quan trọng cho việc ký kết và thực thi bản ghi nhớ hôm 4/5 về việc thiết lập các vùng giảm căng thẳng. Cùng với đó sự ủng hộ của chính quyền Mỹ, lãnh đạo Saudi Arabia và các nước khác cũng là một sự đảm bảo cho việc thực thi văn kiện”.
Hơn 6 năm xung đột, rất nhiều thỏa thuận đình chiến hay ngừng bắn đã đạt được, cả giữa các bên tham chiến và gữa những nước có ảnh hưởng, song đều thất bại. Tuy nhiên, theo giới quan sát, kế hoạch lần này dường như tham vọng hơn cả bởi nó bao gồm một cơ chế giám sát “các vùng giảm căng thẳng” do chính các nước bảo trợ đảm trách.
Trong một tuyên bố ngày 5/5, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định tình hình tại Syria vẫn ổn định trong ngày đầu tiên của thỏa thuận, dù một số vụ xung đột lẻ tẻ vẫn diễn ra. Tổ chức Theo dõi nhân quyền Syria cũng xác nhận, bạo lực đã giảm hẳn tại những khu vực liên quan thỏa thuận.
Cùng với việc thiết lập một lệnh ngừng bắn bền vững, bản ghi nhớ còn nhằm cải thiện tình hình nhân đạo và đảm bảo những điều kiện cần thiết để thúc đẩy tiến trình chính trị, trong bối cảnh cuộc xung đột đã bước qua năm thứ 6, cướp đi sinh mạng của hơn 320.000 người.
Theo các nước bảo trợ, việc thiết lập thành công “những vùng giảm căng thẳng” sẽ giúp gia tăng số “vùng an toàn”, với các trạm kiểm soát và trung tâm giám sát do các nước bảo trợ đồng thực thi và thời gian tới có thể sẽ có thêm các bên tham gia. Tại những vùng này, các lực lượng chính phủ và phe đối lập phải chấm dứt sử dụng mọi loại vũ khí bao gồm cả không quân.
Tuy nhiên, văn kiện lại không nêu rõ liệu các cuộc xung đột có cần ngay lập tức chấm dứt hay không, trong khi cả chính quyền Syria và phe đối lập đều không thông báo sẽ chấm dứt các hành vi gây căng thẳng. Đây cũng là lý do các vụ xung đột và đánh bom vẫn xảy ra dù cường độ đã giảm.
Cùng với đó, một thách thức không hề nhỏ đó là phân loại các nhóm vũ trang tại Syria nhằm xác định đâu là lực lượng đối lập và đâu là khủng bố, được cho là bao gồm IS, Mặt trận al-Nusra và tất cả các nhóm có liên quan.
Đây vẫn luôn là một trong những rào cản chính trong việc thực thi các lệnh ngừng bắn tại Syria. Bởi nếu như nhóm IS không có bất kỳ liên hệ nào với các nhóm đối lập, thì Mặt trận al-Nusra lại từng thiết lập đồng minh với một số nhóm đối lập./.