Sau sự cố vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy và kéo theo đó là trận "đại hồng thủy", hàng ngàn người dân từ 6 bản vùng hạ du thủy điện đã đổ về trung tâm huyện Samasay tránh lũ.

Ghi nhận của PV Dân trí tại Lào, trường THPT Sanamxay (huyện Sanamxay, tỉnh Attapue) là một trong 5 điểm tập kết nạn nhân vụ vỡ đập thủy điện. Tại đây có hơn 500 người dân bị trôi mất nhà cửa, tài sản…

Trước tình trạng ngập lụt, khả năng dịch bệnh sẽ lây lan, Chính phủ Lào đã huy động nhiều đội ngũ y, bác sĩ các khu vực lân cận về hỗ trợ tại các khu dã chiến. Một đoàn bác sĩ Việt Nam thuộc Bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai cũng đã mang theo nhiều trang thiết bị, thuốc men sang Lào cắm chốt điểm trường Sanamxay nhằm kịp thời hỗ trợ người dân gặp nạn.

bac si viet nam thau dem cuu chua nan nhan vu vo dap thuy dien
bac si viet nam thau dem cuu chua nan nhan vu vo dap thuy dien

Các bác sĩ Việt Nam giúp khám chữa bệnh cho người dân vùng xảy ra lũ lụt.

Bác sĩ Nguyễn Thành Công - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược HAGL, Chỉ huy trưởng đội bác sĩ - cho biết: “Đoàn có 18 người gồm bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng xuất phát theo đường bộ và có mặt tại Attapeu vào ngày 25/7. Đoàn mang theo 100 liều thuốc tiêu độc khử trùng, 500 cơ số thuốc chủ yếu là thuốc đau bụng, tiêu chảy. Đoàn được bố trí ở tại một điểm trường sát trung tâm huyện Sanamsay, nơi tập kết hơn 1.500 người dân Lào bị nạn.

bac si viet nam thau dem cuu chua nan nhan vu vo dap thuy dien

Người già, trẻ em và phụ nữ được ưu tiên khám chữa bệnh và cấp phát thuốc.

Theo bác sĩ Công, địa điểm tập trung người dân bị nạn không có nước sinh hoạt, không có khu vệ sinh. Đoàn đã đề nghị phía nước bạn cho giãn dân để tránh lây lan dịch bệnh và hỗ trợ tiêu độc khử trùng. Sau khi ổn định, đoàn bác sĩ Việt Nam đã tiến hành thăm, khám cho hơn 500 người, cấp cứu, mổ cho hơn 30 người bị thương tích trong đợt lũ.

“Tất cả những trường hợp bị thương có dị vật đều được ưu tiên mổ tại chỗ. Những nạn nhân bị thương chủ yếu bị cây đâm vào cơ thể, mưng mủ, nhiễm trùng, có trường hợp dị vật là hạt lúa đã nảy mầm trong cơ thể. Trong số hơn 30 trường hợp bị thương, được mổ thì có 8 trường hợp được chuyển về BV đa khoa tỉnh Attapeu tiếp tục điều trị. Có trường hợp người dân vào cấp cứu với vết thương bị cây sặc đâm vào ngực, vết thương sưng mưng mủ”, bác sĩ Công cho biết thêm.

Gần 3 ngày trôi qua, nhóm bác sĩ Việt Nam đã túc trực 24/24h tại vùng dã chiến. Có những trường hợp người bị nạn bị thương đã được bác sĩ Việt Nam phẫu thuật tại chỗ, kéo dài đến hơn 23h đêm. Việc ăn uống đoàn cũng tự chủ với phương châm không làm phiền nước bạn. Đoàn bác sĩ chủ động mang theo mì tôm, lương khô, nước. Sau mỗi ngày làm việc, đêm về, đoàn trải chiếu, áo mưa ngủ trực chiến tại chỗ. Khi người dân cần đến thì bác sĩ sẽ tổ chức thăm khám, cấp cứu ngay.

bac si viet nam thau dem cuu chua nan nhan vu vo dap thuy dien

Khám chữa bệnh và cấp phát thuốc cho bà con huyện Sanamxay

Bên cạnh đó, hàng trăm cán bộ nhân viên, các tổ chức đoàn thể, tình nguyện viên… tham gia tiếp nhận, phân phối quần áo, chăn màn, nước lọc, đồ ăn… chất lên xe đưa đi vào các bản làng bị ngập lụt. Hàng nghìn người đang tạm trú tại các trường học ở trung tâm huyện được cung cấp lương thực, nước uống đầy đủ, có y bác sĩ khám bệnh, cấp thuốc, hướng dẫn cách ăn ở hợp vệ sinh, gìn giữ môi trường, đề phòng dịch bệnh. Ngoài lực lượng y tế tại chỗ, người dân còn nhận được sự trợ giúp từ các tỉnh bạn và quốc tế.

Phạm Hoàng (Trực tiếp từ Attapeu - Lào)