Bà Rịa - Vũng Tàu nỗ lực gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EU
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có hơn 5.900 tàu cá khai thác thủy sản, trong đó có gần 2.900 tàu cá lên hoạt động khai thác xa bờ với các nghề: lưới vây, lưới rê, câu, chụp mực, lưới kéo…
Lực lượng chức năng cung cấp tọa độ cho ngư dân đánh bắt không vi phạm. |
Trước việc EU “rút thẻ vàng” đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam, thời gian gần đây, số lượng tàu cá của Bà Rịa Vũng Tàu hoạt động khai thác hải sản tại vùng biển chồng lấn, giáp ranh với các nước trong khu vực đã giảm dần.
Ông Nguyễn Văn Bình, chủ tàu cá đánh bắt xa bờ ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền cho biết, trước khi xuất bến lực lượng chức năng đã chủ động tuyên truyền và đưa ra tọa độ khai thác trên vùng biển của Việt Nam. Ngư dân đã chấp hành nghiêm túc, nhưng trong quá trình đánh bắt, nước biển chảy mạnh, có khi tàu trôi qua hải phận của nước bạn nên tàu bị bắt.
“Lực lượng chức năng cũng đưa tọa độ để bà con ngư dân biết đường tránh né. Bà con ngư dân cũng biết địa phận của mình chứ nhưng nhiều lúc trôi qua 1 – 2 hải lý cũng không biết được biên giới của người ta cũng bị bắt. Chúng tôi bây giờ cũng không dám đâu, vì còn tài sản, của cải của ngư dân chúng tôi nữa”, ông Bình cho hay.
Ông Nguyễn Văn Hải, thuyền trưởng tàu cá nghề lưới kéo ở phường 5, thành phố Vũng Tàu chia sẻ, nhiều năm qua vẫn đánh bắt vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng nếu lơ là một chút, tàu trôi theo dòng nước đến vùng giáp ranh cũng đã bị lực lượng chức năng nước ngoài đuổi bắt.
Do vậy, điều mà ngư dân mong muốn là lực lượng chấp pháp trên biển phải có mặt thường xuyên ở những khu vực giáp ranh để ngư dân yên tâm đánh bắt, cũng như cảnh báo nếu có vi phạm.
Nghề lưới kéo thường xuyên đánh bắt ở khu vực giáp ranh. |
“Là ngư dân của Việt Nam chúng tôi cũng lo sợ lắm, không biết vùng nào là của Việt Nam, vùng biển nào là của bạn. Rất mong muốn lực lượng cảnh sát biển mình ra đó, giữ ngư trường để bà con yên tâm làm. Vì như thế sẽ biết đường để đi không phải bị bắt, ngư dân yên tâm sản xuất”, ông Hải nói.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chi Cục trưởng thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, phương tiện đánh bắt xa bờ thường vi phạm vùng chồng lấn trên biển chủ yếu hành nghề lưới kéo. Để chấm dứt hiện tượng này, tỉnh định hướng đến tháng giữa năm sau sẽ chấp dứt ngành nghề này, thay vào đó sẽ khuyến khích phát ngành nghề đánh bắt chọn lọc.
“Nghề lưới kéo có 1.600 phương tiện hành nghề, khi xảy ra ở ngoài biển chưa lực lượng ngoài biển giám sát. Định hướng là mình cơ cấu lại đội tàu, cơ cấu lại ngành nghề khai thác, nghề lưới sẽ tiến tới chấm dứt không hoạt động nữa. Khi chuyển sang nghề khác thì đánh bắt có chọn lọc, nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Thành cho biết thêm.
Kiên quyết xử lý
Xác định việc khắc phục “thẻ vàng” của EU là lợi ích quốc gia chứ không phải chỉ riêng ngành thủy sản địa phương, nên thời gian tới tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ mạnh tay xử lý các tàu cá vi phạm. Theo đó, các tàu cá bị lực lượng chức năng bắt giữ do xâm phạm vùng biển nước ngoài sẽ bị thu hồi giấy phép đánh bắt và bằng lái của thuyền trưởng, thậm chí, có thể phạt liên đới các tàu cá khác của chủ tàu nếu có.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã bắt buộc các tàu cá khai thác hải sản, kể cả tàu dịch vụ hậu cần phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định của pháp luật; không cấp giấy phép, gia hạn giấy phép khai thác đối với các tàu cá chưa trang bị hệ thống này; trong đó ghi đầy đủ các thông tin về vùng biển đánh bắt, loại ngư lưới cụ đánh bắt, thời gian bỏ lưới, thời gian kéo lưới, mẻ lưới, tên cũng như trọng lượng loại hải sản đánh bắt…
Sẽ gắn thiết bị giám sát hành trình để truy nguồn gốc sản phẩm. |
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, đã tổ chức kiểm tra, chấn chính và hướng dẫn Ban Quản lý các cảng cá thực hiện ghi chép sổ sách theo dõi tàu ra vào cảng, thu sổ nhật ký khai thác và xác nhận nguồn gốc nguyên liệu theo quy định. Thời gian tới, phương tiện nào không lắp giám sát hành trình sẽ không cho ra khơi.
“Lộ trình lắp đặt máy giám sát hành trình từ đây cho đến ngày 1/1/2020. Gia đình nào có tàu bị nước ngoài bắt cũng phải lắp và bắt buộc phải gắn trước, nghề lưới kéo cũng phải lắp trước sau đó mới đến các nghề khác. Nếu không lắp theo thời hạn quy định thì Sở sẽ không cấp phép hoạt động khai thác”, ông Cường nhấn mạnh.
Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đang xây dựng chế tài xử lý ở mức cao nhất đối với chủ tàu, thuyền trưởng có hành vi đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển thuộc quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác.
Theo đó, sẽ tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản vĩnh viễn; xử lý hình sự đối với chủ tàu, thuyền trưởng tái phạm và các tổ chức, cá nhân môi giới, tổ chức đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Đối với các tàu từng vi phạm vùng đánh bắt, phải cung cấp được đầy đủ giấy tờ, sổ nhật ký và các hồ sơ xác nhận theo tiêu chuẩn châu Âu, nếu không sẽ bị cấm biển./.