Ba công trình thuỷ điện trên sông Đà: Những quyết định nhân văn
Như VOV.VN đã đưa tin, ngày 20/12/2016, lễ khánh thành Nhà máy thuỷ điện (NMTĐ) Lai Châu được tổ chức trọng thể với sự hân hoan của hàng vạn người người dân thuộc đủ các dân tộc sống trong hai huyện Mường Tè và Nậm Nhùn. Báo chí viết nhiều về những thông số kỹ thuật, sản lượng điện của nhà máy.
Đây là NMTĐ cuối cùng trên bậc thang thuỷ điện sông Đà ở Tây Bắc Việt Nam….Nhưng có một khía cạnh ít được đề cập: đấy là GIÁ TRỊ NHÂN VĂN của hai công trình thuỷ điện Sơn La và Lai Châu nói riêng, và của cả công cuộc trị thuỷ sông Đà nói chung.
Toàn cảnh NMTĐ Lai Châu ngày khánh thành (nhìn từ hạ lưu). |
Sông Đà cùng với sông Lô là hai nhánh sông lớn họp thành sông Hồng, dòng sông mà tổ tiên người Việt gọi là “sông Mẹ” làm nên nền văn minh lúa nước ở khu vực Đông Nam Á. Trong đó, sông Đà là con sông đóng góp một lượng nước lớn. Bên cạnh cái lợi lớn, sông Hồng nói chung, sông Đà nói riêng cũng đã gây ra nhiều trận lụt lội, đe doạ cuộc sống yên lành của cư dân vùng hạ du.
Vì vậy, khi hoà bình vừa lập lại trên miền Bắc (7/1954), Đảng và Nhà nước ta đã đặt vấn đề "trị thuỷ sông Đà”, vừa nhằm triệt tiêu một mối đe doạ từ thiên nhiên, vừa có được một nguồn năng lượng lớn phục vụ sư nghiệp xây dựng đất nước, cải thiện đời sống nhân dân.
Năm 1994, hoàn thành xây dựng NMTĐ Hoà Bình. Với 8 tổ máy (tổng công suất 1.920 MW), NMTĐ Hoà Bình đã cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu điện ở nước ta, trở thành một "Điện Biên Phủ trên mặt trận kinh tế”. Với hồ chứa khoảng 9 tỉ mét khối nước, hồ thuỷ điện Hoà Bình đã cắt được những cơn lũ lớn, tình trạng ngập lụt ở khu vực đồng bằng sông Hồng về cơ bản được giải quyết. Cả một vùng khí hậu khu vực Tây Bắc được cải thiện. Giao thông thuỷ phát triển. Những kết quả đó mang lại những giá trị nhân văn lớn lao, tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội, đến cuộc sống của hàng triệu người dân.
Trong khoảng hơn 20 năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, công cuộc trị thuỷ sông Đà được Đảng và Nhà nước ta gấp rút thực hiện. Nhưng khác với việc xây dựng NMTĐ Hoà Bình (do Liên Xô giúp thiết kế, chế tạo thiết bị và giúp xây dựng), hai NMTĐ Sơn La và Lai Châu hoàn toàn do các chuyên gia Việt Nam, kỹ sư và công nhân kỹ thuật Việt Nam thiết kế và xây dựng. Nội lực Việt Nam đã thúc đẩy việc hoàn thành trước thời hạn NMTĐ Sơn La lớn nhất khu vực Đông Nam Á và NMTĐ Lai Châu (với công suất 1 200 MW, bằng một nửa thuỷ điện Sơn La, đứng thứ 3 ở Đông Nam Á).
Toàn cảnh gian máy NMTĐ Lai Châu trong lễ khánh thành. |
Cũng chính bằng nội lực Việt Nam mà chúng ta đã quyết định chọn tuyến Pa Vinh để xây dựng NMTĐ Sơn La chứ không phải Tạ Bú như nhiều tài liệu của nước ngoài lựa chọn (trong đó có các chuyên gia Liên Xô). Các chuyên gia tư vấn thiết kế Việt Nam lập luận: chọn tuyến Pa Vinh (tim đập thuỷ điện chạy qua xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) chúng ta sẽ tránh được nước ngập phần lớn huyện Mường La. Đời sống của hàng vạn người dân không bị xáo trộn. Đó là một quyết định mang tính nhân văn sâu sắc, thấm nhuần quan điểm trọng dân, vì dân của Đảng và Nhà nước ta.
Điều đáng lưu ý là việc chọn tuyến này không phụ thuộc vào việc chọn phương án "Sơn La cao hay thấp”, cho nên nhiều phần việc khảo sát thiết kế, xây dựng cơ sở vật chất chuẩn bị cho công trình đã được làm sớm.
NMTĐ Sơn La xây dựng trên đoạn sông Đà chạy qua xã Ít Ong, huyện Mường La hoàn thành. Cũng với tinh thần trọng dân vì dân ấy, chúng ta chọn địa điểm xây dựng NMTĐ Lai Châu ở đoạn sông Đà chạy qua xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu với số đất bị ngập nước, số hộ dân bị ảnh hưởng phải di dời ở mức thấp nhất.
Sáng 20/12, trong ngày hội khánh thành NMTĐ Lai Châu, tôi gặp 4 phụ nữ người Cống Khao ở xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Chị Chẩu Thị Liên ở bản Nậm Luồng nói tiếng Việt khá sõi cho biết: người Cống Khao hay ở khu vực ven sông. Nước hồ dâng lên, bà con phải di dời tới nơi cao hơn.
Nhưng bù lại, hồ rộng, tôm cá nhiều, nhiều hộ đã nuôi cá lồng để sống. Còn ông Lò Văn Vương, người Thái, cựu chiến binh sư đoàn 326, ở xã Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn hồ hởi nói: Ruộng nương thì hết rồi, nhường chỗ cho thuỷ điện. Nhưng chúng tôi xoay sang nghề khác, làm dịch vụ để sống.
Cũng như khu vực Mường La, khu vực xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn từ khi có công trường xây dựng NMTĐ Lai Châu đã thay đổi đến chóng mặt. Trạm bưu điện, bệnh viện, bến xe ô tô, chợ, các công trình hạ tầng …mọc lên cải thiện về cơ bản đời sống vật chất và văn hoá của bà con các dân tộc, hiệu.
Trò chuyện với thầy giáo dạy Sử, hiệu trưởng trường Trung học cơ sở xã Nậm Hàng - Nguyễn Phú Anh, thêm vui vì cơ sở vật chất của các trường học trong khu vực ngày càng được tăng cường. Nhờ vậy mà tỉ lệ các gia đình ở các bản xa cho con theo học nội trú cũng tăng.
Lên dạy học ở vùng này từ năm 2001, thầy giáo Nguyễn Phú Anh và các thầy cô giáo khác nay không phải canh cánh nỗi lo đường về trường bản xa xôi, đi xe máy chỉ lo không đủ xăng về vì chạy toàn số 1….Chọn Nậm Nhùn làm quê hương thứ 2, chàng trai quê ở Phú Xuyên (Hà Tây cũ) đã bén duyên cùng một cô gái Thái…và với sự thay đổi, phát triển ở huyện Nậm Nhùn, cả hai quyết tâm ở lại lâu dài trên mảnh đất này.
Những phụ nữ Cống Khao này đi từ Mường Tè ra dự lễ khánh thành NMTĐ Lai Châu. |
Cũng trong sáng 20/12, tôi len giữa đám đông, tìm kỹ sư Lê Bá Nhung, nguyên giám đốc Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 1 (Tập đoàn điện lực Việt Nam), kiến trúc sư chính của hai bản thiết kế hai NMTĐ Sơn La và Lai Châu. Cũng như hôm khánh thành thuỷ điện Sơn La, ông tha thẩn ở khoảng sân phía hạ lưu nhà máy, lặng ngắm đàn cò trắng đang yên lành đậu ở đoạn tường chắn giữa khu vực đập tràn xả lũ và đường nước ra.
Nghe tôi nhận xét về tính nhân văn trong quyết định chọn tuyến hai nhà máy, ông biểu lộ sự đồng tình và nhấn mạnh thêm: Tính nhân văn ở hai công trình còn thể hiện ở chỗ Đảng và Nhà nước ta đã tin tưởng vào sự trưởng thành của đội ngũ khoa học kỹ thuật Việt Nam, từ đó thúc đẩy mọi người lăn vào thực tế, tìm ra những giải pháp thi công thích hợp, rút ngắn được thời gian. Trong đó việc quyết định đắp đập thuỷ điện bằng bê tông đầm lăn là một ví dụ.
Khi làm Sơn La, nhiều ý kiến muốn lặp lại Hoà Bình, làm đập đá đổ, lõi đất sét. Nhưng những người thiết kế đã kiên trì chứng minh đắp đập bằng công nghệ bê tông đầm lăn thích hợp với thực tế hơn, đỡ phải vận chuyển một khối lượng lớn xi măng, một số ô tô chuyển bê tông, thời gian lại nhanh hơn. Hay như quyết định không xây dựng trạm phân phối điện ngòai trời như ở Hoà Bình, rất kềnh càng, mà tách riêng hai phần "bảo vệ” và "phân phối” ra hai nơi…khiến các tổ máy nhỏ gọn hơn...
Lễ khánh thành Nhà máy thủy điện Lai Châu |
Trong nắng vàng nhạt, đập thuỷ điện và NMTĐ Lai Châu nổi rõ giữa trời xanh, mây trắng. Kỹ sư Lê Bá Nhung trầm ngâm…nhìn ông, tôi nghĩ ông đang nhớ về những ngày trèo đèo lội suối, băng rừng đi khảo sát thực tế.
Chúng tôi cùng nhắc đến những người bạn mà cả hai cùng quen biết, đặc biệt là các người bạn ở Tổng công ty Sông Đà, đơn vị tổng thầu ở hai công trình Sơn La và Lai Châu. Rồi ông gật gù: “Anh ạ, ở những công trình cấp quốc gia này, chia Ban Quản lý và Ban điều hành chỉ là cách chia theo công việc. Tiền của dân đóng góp, Nhà nước giao cho…người làm chủ đầu tư, người làm bên thi công, cùng lo công việc chung. Ở đây không có chỗ cho cách hiểu: tiền của tôi, tôi thuê anh. Cũng không có chỗ cho cách nghĩ: ta chỉ là người làm thuê…Tất cả chỉ vì một mục tiêu: sớm hoàn thành công việc trị thuỷ sông Đà, sớm hoàn thành các NMTĐ trên sông Đà”.
Theo tôi, cách nghĩ ấy, nếp nghĩ ấy cũng là một giá trị nhân văn to lớn mà công trình mang lại.
NMTĐ Lai Châu khánh thành trong một ngày đẹp trời. Trời xanh mây trắng. Tự dưng, trong lòng tôi rộn lên tiếng ca "Anh vẫn hành quân…Trời Điện Biên mây trắng, gió lưng đèo chiến thắng…vẫn bước anh không ngừng”…
Trên dòng Đà giang, sừng sững giữa nuí rừng là ba tượng đài chiến thắng của thời đại Hồ Chí Minh: Hoà Bình – Sơn La – Lai Châu…thể hiện khát vọng vươn lên cuộc sống ấm no hạnh phúc của người dân nước Việt./.