“Ân tình Ví Giặm” - lan tỏa giá trị di sản và kết nối cộng đồng
"Ân tình Ví Giặm" do Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội tổ chức, diễn ra tối 12/11 tại Trung tâm hội nghị quốc gia, nhân kỉ niệm hai năm kể từ khi dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ, nghệ nhân và các câu lạc bộ dân ca của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Với chủ đề "Ví Giặm hội tụ và lan tỏa", chương trình nghệ thuật "Ân tình Ví Giặm" đưa người nghe về với vùng đất địa linh nhân kiệt, non nước hữu tình cùng những câu hát sâu lắng, như nguồn mạch tâm hồn của người dân xứ Nghệ.
Phần biểu diễn "Phụ tử tình thâm" lời cổ của NSND Hồng Lựu cùng với các em thiếu nhi ở câu lạc bộ Chồi xanh |
Qua các làn điệu tiêu biểu như: "Về miền Ví Giặm", "Phụ tử tình thâm", "Giặm xay lúa", "Ô lục soạn" cùng các màn diễn xướng "Trai phường chài-gái phường vải", "Ví Giặm bỏ bùa"... người nghe được cảm nhận sự dí dỏm, duyên dáng và sức sống bền bỉ của Ví Giặm trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Không chỉ là nơi để giãi bày tâm sự, để thi thố văn chương mà hơn hết, người xứ Nghệ đã mượn câu Ví, câu Giặm để gửi gắm tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi.
Anh Nguyễn Duy Thành, một khán giả ở Hà Nội cho biết: "
Phải nói là chương trình rất tuyệt vời, đi vào lòng người! Tôi không phải là người xứ Nghệ nhưng tôi rất yêu làn điệu dân ca Ví Giặm, đặc biệt là những làn điệu cổ, hát phường vải. Những bài Ví Giặm này tôi cũng thường được nghe vì tôi hay mở Đài Tiếng nói Việt Nam".
Bên cạnh những làn điệu Ví Giặm cổ, người nghe còn được thưởng thức những ca khúc đi cùng năm tháng, lấy cảm hứng từ dân ca xứ Nghệ như: "Giận mà thương" (Nhạc sĩ Trần Hoàn), "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác" (Nhạc sĩ An Thuyên), "Câu thương câu đợi câu chờ" (Nhạc sĩ Ngọc Thịnh), "Khúc hát sông quê" (Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo)...
Sự trao truyền thế hệ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị dân ca xứ Nghệ cũng được thể hiện qua từng phần biểu diễn của các lớp nghệ nhân, trong đó có cả những em nhỏ.
Nghệ sĩ nhân dân Hồng Lựu, đạo diễn chương trình cho biết: chương trình "Ân tình Ví Giặm" góp phần kết nối cộng đồng, cùng lan tỏa giá trị của dân ca Ví Giặm, từ đó có ý thức trách nhiệm hơn để giữ gìn di sản của cha ông để lại: "
Đây là sự phối hợp giữa các câu lạc bộ của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh và có sự trao truyền thế hệ rất rõ. Chúng tôi là người đào tạo, truyền lửa cho các cháu mà được hát cùng các cháu thì cảm xúc lạ lắm, xúc động lắm. Lúc đó cảm xúc không phải là cảm xúc của một người nghệ sĩ mà là cảm xúc của một người đi truyền lửa"./.