BV Nhi TƯ cho biết các bác sĩ tại đây vừa tiến hành rửa thực quản, dạ dày cho bệnh nhi N.V.D. (1 tuổi, ở huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) bị ngộ độc sau khi gia đình phát hiện bệnh nhi ăn nhầm bột thông bồn cầu. May mắn được cấp cứu kịp thời và lượng bột thông bồn cầu ở dạng bột nên bệnh nhi chỉ bị tổn thương nhẹ ở thực quản và không nguy hại đến tính mạng.

an nham bot thong bon cau be trai 1 tuoi nhap vien
Một bệnh nhi từng được cấp cứu ở BV Nhi TƯ vì ăn nhầm bột thông bồn cầu (Ảnh: BVCC)

Gia đình bệnh nhi cho biết, chiều 21/4, trong khi chơi với bà ở nhà, bé D. ăn nhầm phải bột thông bồn cầu và được gia đình phát hiện sau đó.

Vẫn theo BV Nhi TƯ, trước đó BV đã từng điều trị cho nhiều bệnh nhân ăn nhầm bột thông bồn cầu vì nghĩ là đường; uống nhầm dầu hoả, xăng, thuốc tẩy rửa, thuốc diệt cỏ... vì các hoá chất này được đựng trong các vỏ chai nước ngọt.

Cách sơ cứu

Phó trưởng khoa Cấp cứu - Chống độc, BV Nhi TƯ Lê Ngọc Duy chia sẻ với báo NLĐ cho hay nạn nhân ngộ độc khi nuốt hóa chất thường có biểu hiện đau họng, buồn nôn, nôn mửa, ho sặc sụa, môi và lưỡi sưng đỏ, phồng rộp, chảy máu, đau vùng thượng vị, mũi ức hoặc đau lan tỏa khắp bụng.

Ngoài ra, có thể xuất hiện các vết bỏng, lở loét quanh vùng miệng do nuốt phải một loại hóa chất có tính ăn mòn như kiềm, axít, chất tẩy rửa.

Bệnh nhân bị khó thở, thở gấp, mặt tím tái, da nhợt nhạt, suy hô hấp. Nạn nhân bị ngộ độc hóa chất, nhất là trẻ em thường có các biểu hiện rối loạn ý thức, khóc nhiều, thậm chí hôn mê.

Theo BS Duy, việc phát hiện, sơ cứu đúng, kịp thời sẽ tránh những hậu quả đáng tiếc.

Đối với ngộ độc thuốc diệt cỏ, phải gây nôn càng sớm càng tốt. Cho nạn nhân uống nước và kích thích họng gây nôn. Khi nôn, nên đặt đầu nạn nhân thấp để tránh bị sặc vào phổi, đồng thời nằm nghiêng để tránh chất độc chảy vào khí quản gây tắc thở. Sau đó, cho nạn nhân uống than hoạt tính hoặc uống đất sét hấp thụ paraquat để giảm bớt độc tố và đưa trẻ đến ngay trung tâm chống độc của các bệnh viện.

Nếu trẻ uống nhầm axít, xăng dầu, chất tẩy rửa, khi sơ cứu không được gây nôn cho trẻ. Nếu gây nôn, khi hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản.