80% khiếu nại về chuyển mạng giữ số là từ nhà mạng MobiFone và Vietnamobile
Tại Hội nghị Giao ban Quản lý nhà nước Quý I/2019 của Bộ TT&TT diễn ra ngày hôm qua, Cục Viễn thông đã công bố những số liệu mới nhất cho thấy, thời gian qua Cục liên tục nhận được phản ánh về việc các nhà mạng giữ chân khách hàng không cho chuyển mạng.
Cụ thể, ổng cộng có 1780 khiếu nại lên đường dân nóng và trang web của Cục Viễn thông. Trong số này, trên 80% lượt khiếu nại thuộc về 2 nhà mạng là MobiFone và Vietnamobile. Theo thống kê, tỷ lệ chuyển đi thành công của MobiFone và Vietnamobile luôn ở mức thấp, dưới 50%. Bộ cũng ghi nhận những nỗ lực của Viettel và VinaPhone khi trong tháng vừa qua, hai nhà mạng có tỷ lệ chuyển mạng thành công ở mức cao, từ 70-80%.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phê bình các chính sách của nhà mạng MobiFone và Vietnammobile gây khó dễ cho khách hàng chuyển mạng giữ số. |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc để người dân tự do chuyển mạng giữ số không ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của doanh nghiệp, trong khi đó, việc níu chân người dùng muốn chuyển mạng gây nên bức xúc lớn đối với người dân.
Bộ trưởng cho rằng chính sách khoán và giảm lương nhân viên khi để mất thuê bao dẫn đến tình trạng nhân viên của hai nhà mạng Vietnamobile và MobiFone liên tục gây khó dễ cho khách hàng chuyển mạng.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, từ ngày 1/5/2019, Bộ TT&TT sẽ ban bố chỉ tiêu kỹ thuật về chuyển mạng giữ số là 70%. Nhà mạng nào không đủ 70% thuê bao chuyển mạng thành công sẽ không đạt chỉ tiêu kỹ thuật. Lúc đó, Bộ TT&TT sẽ có biện pháp xử lý bằng việc tiến hành thanh tra doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, Cục Viễn thông cũng cho biết trong tháng 8/2019 sẽ thực hiện việc chuyển mạng giữ số 100% bằng hình thức tự động thay vì cách làm thủ công bằng tay như hiện nay. Bên cạnh đó, khi người dân đăng ký chuyển mạng gặp trục trặc với nhà mạng cho đi quá thời hạn cho phép, nhà mạng đến khi đó sẽ được phép nhảy vào can thiệp.
Được biết, trong tháng 4/2019, Bộ TT&TT cũng có kế hoạch tổ chức sơ kết việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số tới báo chí và người dân. Bộ sẽ nhận trách nhiệm nếu việc triển khai dịch vụ chuyển mạng được điều hành chưa tốt.
Trước đó, tại buổi sơ kết triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số do Cục Viễn thông tổ chức vào tháng 2 vừa qua, sau 3 tháng triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số (riêng thuê bao trả trước áp dụng từ 1/1/2019), có 115.185 thuê bao đăng ký chuyển mạng giữ số, chưa đầy 1% tổng thuê bao di động cả nước với khoảng 120 triệu thuê bao.
Đáng chú ý, trong tổng số 115.185 thuê bao đăng ký thì tỷ lệ thuê bao chuyển mạng thành công đạt hơn một nửa, chiếm tỉ lệ 59,73%. Trong đó, số lượng thuê bao chuyển đi của các nhà mạng như MobiFone và Vietnamobile đăng ký chuyển đi khá thấp.
Cụ thể, MobiFone có 12.135 thuê bao đăng ký chuyển đến và 30.257 thuê bao đăng ký chuyển đi, nhưng số thuê bao đăng ký chuyển thành công lần lượt là 8.358 và 7.959 thuê bao. Vietnamobile có 892 và 7.118 thuê bao đăng ký, chuyển đến thành công là 219 và chuyển đi là 1.342 thuê bao. Qua đó khiến cho nhà mạng Vietnamobile có tỷ lệ thuê bao chuyển đi thành công đạt thấp nhất, với 18,82%.
Viettel là nhà mạng có tỷ lệ thuê bao chuyển đi thành công cao nhất, đạt 82,82% - được coi là nhà mạng tạo thuận lợi cho khách hàng chuyển mạng giữ số. Lượng thuê bao đăng ký chuyển đến và chuyển đi của Viettel lần lượt là 56.771 và 43.007, thành công là 28.309 và 35.619 thuê bao. Tiếp sau là VinaPhone đạt 68,62%.
Trước tỉ lệ người dùng đăng ký chuyển mạng thành công đang khá thấp, các ý kiến đề xuất các nhà mạng cần xóa bỏ rào cản và đặc biệt cần giảm các điều kiện kiểm tra đối với thuê bao đăng ký dịch vụ này.
Bên cạnh đó, các ý kiến đưa ra cũng kiến nghị cần sửa đổi quy định chuyển mạng giữ số theo hướng "mềm mỏng” hơn, cần nêu cụ thể loại cam kết được quyền từ chối yêu cầu chuyển mạng của thuê bao. Đối với các loại cam kết khác, thuê bao có quyền bồi thường để chuyển mạng.