Khi rời Bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm con đường mới cho cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, người thanh niên Nguyễn Tất Thành chỉ nung nấu một ý chí với quyết tâm cháy bỏng, đó là: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.

Vào thời điểm đó, chắc chắn không ai biết rằng, vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định của một con người mà lịch sử đã chứng tỏ là sáng suốt, phi thường ấy.

Theo ông Vũ Thanh Khôi, Nguyên Trưởng phòng Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên, dấu ấn có ý nghĩa lịch sử trên hành trình đó là việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tiếp cận được với chủ nghĩa Mác-Lênin: “Người đã từng bước tiếp cận với cách mạng tháng 10 Nga và chủ nghĩa Mác-Lênin. Từ năm 1923, Người đã trực tiếp hoạt động trên đất nước Nga để tìm hiểu lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin và Người đã nhận ra rằng, đây là một chủ nghĩa cách mạng và có thể đem lại thành công cho các mạng Việt Nam. Người đã khẳng định, bây giờ chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất thì chỉ có chủ nghĩa Mác-Lênin”.

Cuộc hành trình qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia trên thế giới đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, học thuyết cách mạng tiên phong của thời đại. Từ đây, Người đã rút ra một chân lý “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.

Ông Vũ Thanh Khôi, Nguyên Trưởng phòng Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên nhấn mạnh: “Người ra sức tìm cách để đưa ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam bằng nhiều hình thức, qua sách báo, qua tài liệu đưa về Việt Nam để từng bước tuyên truyền, giác ngộ những người yêu nước trong nước và tổ chức, đào tạo cán bộ”.

Ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản để thành lập một đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam, đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, về con đường cứu nước, cứu dân, thống nhất đất nước, thoát khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, thoát khỏi bần cùng, đói nghèo và lạc hậu.

Mùa Xuân năm 1941, sau hơn 30 năm bôn ba nước ngoài, ngày 28/1/1941, Người về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; chứng minh sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện.

Tuy nhiên, nền độc lập của nước nhà vẫn bị đe dọa. Với quyết tâm, thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, từ ATK Định Hóa, Thái Nguyên, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống Pháp mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Cũng từ quan điểm, tư tưởng, đường lối chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn dắt Đảng ta, dân tộc ta từng bước giành lại nền độc lập tự do, đi những bước vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội.

110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước
Trung tâm thành phố Thái Nguyên hôm nay.

Nhìn lại hành trình ra đi cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ cách đây 110 năm, mỗi chúng ta đều khắc ghi sâu trong tim lòng biết ơn vô hạn đối với những hi sinh lớn lao mà Người đã trải qua. Từ đó, để sống có trách nhiệm hơn, cống hiến, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Sinh viên Đoàn Minh Nguyệt, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên tâm niệm, hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng cho tuổi trẻ rất nhiều: “Sự kiện ra đi tìm đường cứu nước của Bác không chỉ truyền ý chí, cảm hứng, khát vọng cho thanh niên, mà còn giúp cho thanh niên rút ra những bài học quý báu. Đó là bài học về lòng yêu nước, khát vọng độc lập tư do, phát triển đất nước, rèn luyện ý chí quyết tâm, bản lĩnh, không ngại khó khăn, gian khổ. Hay đó còn là bài học về tinh thần tự học và học tập suốt đời”.

Ngày hôm nay, đất nước đang khoác trên mình một diện mạo mới. Đó là thành tựu của công cuộc hội nhập, đổi mới và phát triển. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta nguyện vững bước trên con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn./.