Trong 10 tháng năm 2018, bức tranh xuất khẩu của Việt Nam có nhiều điểm sáng. Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính hết 10 tháng năm 2018, xuất khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá với mức tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 8-10% trong năm 2018. Trong đó, cơ cấu xuất khẩu của nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới 82,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, ước đạt 165,6 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể tăng 10-12%

Điểm nổi bật trong xuất khẩu 10 tháng qua là sự tăng trưởng vượt bậc của khu vực doanh nghiệp trong nước. Nếu như những năm trước đây, xuất khẩu của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối doanh nghiệp trong nước thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối trong nước đã duy trì cao hơn khối FDI (cao hơn 13,2%).

xuat khau khoi sac tao dong luc cho nhieu nganh kinh te
Xuất khẩu 10 tháng năm 2018 khởi sắc.

Mặc dù nhận thấy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua còn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường lớn, song Bộ trưởng Bộ Công Thương – ông Trần Tuấn Anh lạc quan cho biết, hiện nay không còn thị trường nào được gọi là thị trường dễ tính. Các thị trường đều quan tâm đến chất lượng sản phẩm, đặc biệt là đối với hàng nông nghiệp, thủy hải sản.

“Vượt qua các rào cản, hàng hóa Việt Nam đã có mặt tại hơn 200 nước trên thế giới, riêng nông sản, thủy sản đã xuất hiện tại 180 thị trường quốc tế. Cùng với đó, đến nay Việt Nam đạt tới 29 mặt hàng xuất khẩu hơn 1 tỷ USD”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Với những nỗ lực và kết quả đạt được khả quan trong 10 tháng qua, Bộ Công Thương nhận định, thời gian tới, kinh tế toàn cầu tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ kéo theo sự phục hồi về nhu cầu tiêu dùng của thế giới. Cùng với đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tư do Việt Nam-EU có nhiều triển vọng thực thi đã và đang tạo ra tâm lý lạc quan trong việc nâng cao năng lực sản xuất của nhiều ngành kinh tế, tạo đà cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam tiếp tục khởi sắc.

Vì thế, Bộ Công Thương dự báo, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 có thể đạt mức tăng trưởng 10-12%, kim ngạch đạt khoảng 239-240 tỷ USD. Trong đó, hàng loạt mặt hàng nông, thủy sản có khả năng xuất khẩu bứt phá trong tháng cuối năm, khi nhu cầu nhập khẩu tăng bình quân 10-20%, đặc biệt tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Còn nhiều thách thức…

Đã bước sang quý IV/2018 với những kết quả xuất khẩu khả quan, dự báo những tháng cuối năm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam càng có nhiều yếu tố thuận lợi. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cảnh bảo, các Hiệp đinh thương mại tự do (FTA) hiện nay mới chỉ là cơ hội, nếu các doanh nghiệp không biết cách tận dụng thì cơ hội sẽ trở thành thách thức. Cùng với đó, xu hướng bảo hộ gia tăng tại nhiều quốc gia, căng thẳng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc sẽ có tác động hai mặt tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, bài học từ việc thực thi 10 FTA của Việt Nam đã mang đến nhiều cơ hội, nhưng phần lợi ích thực sự đạt được còn khiêm tốn. Riêng lợi ích từ ưu đãi thuế quan, các DN mới tận dụng được chưa đầy 40%.

Do đó, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị, giải pháp quan trọng hiện nay là phải tổ chức theo dõi sát sao diễn biến thương mại, tận dụng triệt để các lợi thế xuất khẩu từ các FTA để hàng xuất khẩu của Việt Nam tìm được con đường riêng, ổn định trong bối cảnh thương mại thế giới diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần gấp rút triển khai và hướng dẫn doanh nghiệp để tận dụng cơ hội từ Hiệp định CPTPP mang lại khi hiệp định này có hiệu lực vào năm 2019. Đặc biệt, cần rà soát và tiếp tục gỡ bỏ một cách thực chất “giấy phép con”, đơn giản hóa những thủ tục hành chính đang gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

PGS.TS. Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công thương (Bộ Công Thương) lưu ý, lâu nay hàng hóa Việt Nam xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc và khá phụ thuộc vào thị trường này.

“Khi xảy ra chiến tranh thương mại, nhu cầu của nền kinh tế Trung Quốc giảm đi, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ khó xuất khẩu sang thị trường này. Vì thế cho nên, Việt Nam phải nỗ lực tìm được thị trường mới thay thế để lấp khoảng trống đang dần hiện hữu”, PGS.TS. Phạm Tất Thắng nêu rõ./.