Chú trọng các hình thức tuyên truyền

Nhiều biện pháp hỗ trợ đồng bào vùng dân tộc thiểu số phát triển kinh tế,
xóa đói giảm nghèo (Ảnh: báo Sơn La)


Đây là một trong 4 giải pháp đột phá mà lãnh đạo tỉnh Kon Tum xác định nhằm thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020. Để thực hiện giải pháp mang tính đột phá này, tỉnh Kon Tum đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến cán bộ, đồng bào dân tộc thiểu số hiểu vai trò, vị trí, tiềm năng của vùng dân tộc, miền núi; các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước; các mục tiêu giảm nghèo nhằm khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, Kon Tum thực hiện chính sách phân công cán bộ, đảng viên, các tổ chức, đơn vị tích cực huy động nguồn lực đầu tư, giúp đỡ, hướng dẫn và vận động nhân dân các xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, tỉnh tổ chức ký giao ước giữa các huyện, xã, tạo khí thế thi đua sôi nổi, qua đó, phát huy tính năng động, sáng tạo của các cấp chính quyền, đoàn thể ở cơ sở... Mặt khác, tỉnh cũng đã tuyên truyền kêu gọi người dân phát huy những thế mạnh của địa phương tập trung xây dựng và phát triển ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực nhằm sớm thoát nghèo và thoát nghèo bền vững.

Với đặc thù là tỉnh vùng cao, biên giới, Lào Cai có 25 dân tộc anh em, trong đó, các dân tộc thiểu số chiếm 64%. Lào Cai có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; du lịch, dịch vụ; phát triển các loại cây trồng ôn đới và á nhiệt đới... Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, Lào Cai đã xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội cho vùng núi, với quan điểm hướng mạnh về cơ sở, tập trung xóa đói giảm nghèo.

Để thực hiện tốt Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, tỉnh Lào Cai đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng thực hiện các công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về mục tiêu, quan điểm của Chiến lược công tác dân tộc. Từ đó giúp đồng bào nhận thức đầy đủ nhiệm vụ, chủ động thực hiện hiệu quả Chiến lược công tác dân tộc trong tình hình mới. Đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các hình thức như biểu dương gương người tốt, việc tốt, những người có uy tín, phát huy tinh thần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của đồng bào dân tộc...

Phát triển sản xuất, đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo đồng bào vùng dân tộc thiểu số

Nhằm thực hiện mục tiêu bình quân mỗi năm giảm 4% hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số, giải pháp mang tính đột phá trong Chiến lược công tác Dân tộc được các địa phương tích cực triển khai là phát triển sản xuất, đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiếu số.

Điển hình như tỉnh Thanh Hóa. Để việc xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả cao tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện lồng ghép Chiến lược công tác dân tộc với các chương trình, dự án của Trung ương và của tỉnh đang được triển khai như: Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình xây dựng nông thôn mới và các dự án, chính sách dân tộc khác. Tỉnh chỉ đạo các địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng các ngành nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ.

Song song với đó, nhằm tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh khuyến khích các địa phương phát triển các ngành nghề truyền thống; hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh việc thâm canh, áp dụng giống mới vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng cây trồng; chỉ đạo các huyện, xã miền núi thực hiện tốt các chính sách phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, chuyển dần từ chăn thả dông sang chăn nuôi tập trung. Thanh Hóa cũng chủ trương khai thác thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, danh lam thắng cảnh ở miền núi như: Vườn quốc gia Bến En, suối cá Cẩm Lương, Cẩm Thủy và các khu bảo tồn thiên nhiên nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số…

Là một tỉnh còn nhiều khó khăn, Bình Phước đã tập trung ưu tiên huy động các nguồn lực đẩy mạnh công tác giảm nghèo theo hướng bền vững, giải quyết tốt nhu cầu thiếu lương thực cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Ngoài việc phối hợp với các cấp, các ngành vận động thanh niên dân tộc thiểu số tham gia các lớp đào tạo nghề và làm việc tại các tổ chức, đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, tỉnh Bình Phước còn đặc biệt xây dựng, triển khai có hiệu quả các mô hình kinh tế hợp tác trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo kế hoạch năm 2014- 2015, Bình Phước tập trung xây dựng mô hình Hợp tác xã nông lâm nghiệp ở 2 huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, tạo tiền đề nhân rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh.

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác dân tộc; phát triển sản xuất, đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số… các tỉnh miền núi đang tích cực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, thiết thực đưa Chiến lược công tác dân tộc vào cuộc sống như: phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số; đổi mới việc xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc; thực hiện các hình thức hỗ trợ phù hợp với từng nhóm hộ nghèo…/.

Theo Báo điện tử ĐCSVN