trong cay ba kich tim thu hoach cu ban gia cao da ps
Mô hình trồng cây ba kích của gia đình anh Nguyễn Văn Chỉnh, xóm Vinh Quang 2, xã Vinh Sơn, TP Sông Công

Đến thăm đồi cây ba kích bạt ngàn của gia đình anh Nguyễn Văn Chỉnh, xóm Vinh Quang 2, xã Vinh Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, qua gần 1 năm triển khai trồng đã thấy những hiệu quả rõ rệt. Gia đình anh Chỉnh là hộ trồng nhiều ba kích nhất từ hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên với diện tích 1,5ha (mật độ trung bình khoảng 8.000 - 10.000 cây/ha) trong tổng số 18 hộ tham gia mô hình này (tổng diện tích 5ha). Anh Nguyễn Văn Chỉnh chia sẻ: "Ngoài trồng cây keo, khi trồng cây ba kích tôi thấy phát triển tốt hơn, cho thu nhập cao hơn keo nhiều lần, nên tôi chuyển hướng sang trồng ba kích".

trong cay ba kich tim thu hoach cu ban gia cao da ps
Ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng TP Sông Công trao đổi với phóng viên

Ba kích là loại cây dây leo thường mọc ở ven rừng, các bãi hoang có cây bụi. Tuy là loại cây ưa bóng mát và những nơi ẩm thấp nhưng cành lá lại luôn leo lên cao, vươn tới chỗ nhiều sáng nên thường được trồng xen canh dưới tán cây rừng. Thời gian thu hoạch thông thường của cây ba kích là từ 3 - 5 năm. Tuy nhiên, thời gian để thu hoạch tốt nhất là trong khoảng từ 5 - 7 năm vì thời điểm này củ ba kích mới đạt tiêu chuẩn. Mặc dù vậy ba kích để thời gian càng lâu thì hiệu quả và giá trị thu nhập từ loại cây này càng cao. Ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng TP Sông Công cho biết: "Thành phố Sông Công đang hướng tới mở rộng mô hình này lên 20ha ở phường Châu Sơn và xã Bá Xuyên, đảm bảo thay thế rừng trồng keo kém hiệu quả sang mô hình trồng cây dược liệu".

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Lê Cẩm Long, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Trên cơ sở sản phẩm chủ lực của tỉnh và đề án của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang tham mưu để xây dựng đề án phát triển sản phẩm chủ lực, chúng tôi sẽ tham mưu xây dựng các mô hình và tiếp tục nhân rộng; ngoài cây ba kích còn những cây dược liệu khác để bà con lựa chọn phù hợp với điều kiện sản xuất của mình".

Với giá bán trung bình ở thời điểm hiện tại khoảng 200.000 đồng/kg củ ba kích và ước tính mỗi gốc ba kích khi thu hoạch sẽ cho từ 3 - 5kg củ tươi thì giá trị mỗi gốc cây vào khoảng trên dưới 1 triệu đồng. Như vậy, chỉ tính sơ bộ đến lúc thu hoạch, giá trị thu nhập trung bình mỗi năm mà ba kích mang lại cho người trồng lên tới cả tỷ đồng.

trong cay ba kich tim thu hoach cu ban gia cao da ps
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên kiểm tra tình hình phát triển của các mô hình trông cây ba kích

Hiện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phối hợp với các địa phương theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của cây ba kích, các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại để có biện pháp chỉ đạo chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời ở những năm tiếp theo, làm cơ sở để tuyên truyền, khuyến cáo trước khi nhân rộng mô hình./.