Bác Hồ với các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc (1960)

Thái Nguyên đang bước vào những ngày thu rạng rỡ. Rạng rỡ của nắng; của cờ; của hoa… Niềm rạng rỡ lan tỏa trên khuôn mặt mỗi người dân đất thép. Đất trời và lòng người đang sống trong những ngày thu cách mạng, ngập tràn khí thế của mùa thu cách đây 64 năm, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng Cộng sản Việt Nam đã làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Mùa thu nay càng khiến lòng người thêm lắng đọng bởi những hoạt động kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của người Cộng sản vĩ đại – Hồ Chí Minh.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 1954), nghe theo lời Bác, nhân dân Thái Nguyên xây dựng khu công nghiệp Gang Thép, làm thép gang phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và kháng chiến chống đế quốc Mỹ ở Miền Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần về thăm và động viên nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong những lần đó, Người đã đi thăm nhiều nơi, căn dặn nhiều điều mà đến hôm nay, những lời dạy của Bác vẫn âm vang trên thủ đô gió ngàn.

Giữa lúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân ta đang thu được nhiều thắng lợi trên cả 2 miền Nam – Bắc, thì vào hồi 9h47’ ngày 2/9/1969, cả dân tộc phải đau đớn vĩnh biệt một con người vĩ đại của dân tộc. Bác Hồ kính yêu đã đi xa!

Cùng một niềm đau với nhân dân cả nước, tại Thái Nguyên, các hoạt động tang lễ diễn ra khắp các làng xã, cơ quan, xí nghiệp, bệnh viện, trường học… trong suốt nửa đầu tháng 9/1969 để tưởng nhớ Người. Tối 6/9/1969, tại thành phố Thái Nguyên, Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh cử hành trọng thể Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lời điếu đọc tại Lễ truy điệu đã nói lên lòng tiếc thương vô hạn của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối với Bác Hồ kính yêu, nguyện đi theo lý tưởng của Người: “Đảng bộ, bộ đội và đồng bào các dân tộc trong tỉnh quyết biến đau thương thành hành động các mạng, tiến lên tiếp tục sự nghiệp vĩ đại của Người; tiếp tục phấn đấu để thực hiện lý tưởng và hoài bão của Người; tăng cường đoàn kết, nhất trí, nâng cao hơn nữa tinh thần chiến đấu; nhận rõ trách nhiệm của mỗi cán bộ,đảng viên, đoàn viên thanh niên, mỗi công dân là phải ra sức thi đua góp phần hoàn thành thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội và mọi nhiệm công tác khác…”. Tại Lễ truy điệu, Tỉnh ủy phát động đợt sinh hoạt chính trị Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch.

Ngày 15/10/1969, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra thông tri số 278 – TT/BT hướng dẫn đợt sinh hoạt chính trị Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch nhấn mạnh: Đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh ta, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm giáo dục, rèn luyện chúng ta. Người đã dành nhiều thời giờ để chỉ bảo ân cần cho cán bộ, đàng viên, các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc đa số cũng như thiểu số. Công ơn của Bác đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên càng to lớn, tình cảm của cán bộ, đàng viên và đồng bào các dân tộc trong tỉnh đối với người càng sâu sắc.

Học tập và làm theo Di chúc thiêng liêng của Người là tình cảm, là nguyện vọng thiết tha của mỗi người chúng ta. Qua học tập, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh càng thấy rõ sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người đối với Đảng và dân tộc; nhận thức sâu sắc hơn vinh dự và trách nhiệm của mình, ra sức phấn đấu thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người. “…Chúng ta hãy xiết chặt đội ngũ, muôn người như một, nắm chắc tay súng, tay búa, tay cày, tay bút, biến đau thương thành nhiều khu đồng năm tấn, nhiều tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa, nhiều đơn vị quyết thắng, dũng mãnh xốc tới, đưa phong trào tỉnh Thái Nguyên, thành phố Thái Nguyên tiến lên như lời huấn thị của Người, trong dịp đến thăm tỉnh ta ngày 1/1/1964; phải làm cho tỉnh ta trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất miền Bắc nước ta”.

Trong khí thế thi đua Học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Thái Nguyên đã hăng hái, ra sức thi đua lao động sản xuất và chiến đấu. Nhiều hoạt động có ý nghĩa được tổ chức, biến đau thương thành hành động cách mạng.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh họp tháng 5/1970 đã quyết định tiến hành cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên Lớp Hồ Chí Minh. Cuộc vận động đã tác động mạnh tới tư tưởng, tình cảm cách mạng của cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh, gây dựng lớp “hạt giống đỏ”, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Trong vòng 1 năm, từ tháng 5/1970 đến tháng 5/1971, có 4 đợt kết nạp đảng viên Lớp Hồ Chí Minh. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã kết nạp được 370 đảng viên mới. Đây đều là những nhân tố "vừa hồng vừa chuyên", xứng đáng là lớp đảng viên mang tên Bác.

Trong chiến tranh ác liệt, quân và dân Thái Nguyên đã lập nhiều thành tích báo công lên Bác Hồ kính yêu. Vừa kiên quyết đánh trả máy bay Mỹ trong chiến tranh phá hoại, vừa ra sức lao động sản xuất làm tròn nghĩa vụ hậu phương lớn với Miền Nam thân yêu. Với tinh thần Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, trung bình mỗi năm, nhân dân Thái Nguyên đóng góp 20.000 tấn lương thực. Quân và dân Thái Nguyên đã trực tiếp chiến đấu trên 400 trận, bắn rơi 61 máy bay Mỹ, trong đó có 2 máy bay B52.

Từ Thủ đô gió ngàn đã có 48.278 người con ưu tú lên đường đi chiến đấu; trong đó, 7.792 liệt sỹ đã vĩnh viễn nằm lại trên các chiến trường, 7.800 thương binh để lại một phần xương máu ngoài chiến trận… Mặc dù bị tàn phá nặng nề, song nhân dân đất thép vẫn vững vàng bám trụ, bám máy, vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Gang thép vẫn ra lò, điện vẫn sáng, than vẫn được khai thác phục vụ sản xuất. Thái Nguyên đã cùng cả nước đi theo lời gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Chiến thắng mùa xuân năm 1975.

Trong hòa bình dựng xây, vâng lời Bác Hồ dạy, nhân dân Thái Nguyên náo nức bắt tay vào xây dựng quê hương đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Trong hơn 20 năm đổi mới, theo sự lãnh đạo của Đảng và ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh; Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã đoàn kết chặt chẽ, phát huy truyền thống anh hùng, vượt qua thách thức, sáng tạo trong lao động, làm biến đổi toàn diện bức tranh quê hương về mọi mặt: Chính trị, Kinh tế, Văn hóa, Xã hội.

40 mùa thu qua, học tập và làm theo Di chúc của Người, hôm nay báo công lên Bác, Thái Nguyên tự hào đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế 11,47%; GDP đầu người đạt 11,5 triệu đồng; thu ngân sách đạt trên 1.200 tỷ, ghi tên mình vào danh sách những tỉnh thành thu ngân sách đạt 1000 tỷ đồng. Với việc thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ, thu hút đầu tư trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đã có 61 dự án với tổng vốn đăng gần 3000 tỷ đồng được cấp phép đầu tư, trong đó vốn thực hiện đã đạt trên 1.100tỷ đồng. Các mục tiêu cơ bản của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch, năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, số hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 17,8%.

Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tiếp tục tạo ra những chuyển biến mới trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đây là tâm nguyện của mỗi người con thủ đô gió ngàn hướng về Bác kính yêu. Cuộc vận động đã thúc đẩy, xây dựng nhiều tập thể và cá nhân điển hình trong các phong trào thi đua, trở thành những tấm gương sáng cho những người xung quanh.

Thái Nguyên đang chuyển mình mạnh mẽ trên con đường tiến đến dân giàu nước mạnh. 40 năm trước, vĩnh biệt Người, nhân dân Thủ đô gió ngàn đã nguyện một lòng khắc ghi lời căn dặn của Bác, biến mong ước của Người đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh “giàu có, phồn thịnh” trở thành hiện thực. Những lời Bác căn dặn chính là hành trang, tài sản quí báu của toàn Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên trên con đường cùng cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Những lời dạy ấy như còn mãi âm vang trên thủ đô gió ngàn, trong trái tim triệu người con đất Thái. Tâm nguyện của Người đang được hiện thực hoá trên mảnh đất này, từ trong mỗi việc làm, mỗi công trình, mỗi thành tựu. Và trong cả tương lai phía trước …./.

Tố Hương