Trong giai đoạn từ năm 2006-2018, đóng góp bình quân của thương mại trong nước (TMTN) vào GDP đều đạt mức hơn 10%/năm, tạo công ăn việc làm cho khoảng 12-13% tổng lao động xã hội (đứng thứ ba sau ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và ngành công nghiệp chế biến chế tạo).

Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh; tính chung từ năm 2006 đến nay tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa luôn cao gấp 1,5 tới 2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP trong cùng thời kỳ.

Tuy nhiên, việc tham gia các hiệp định FTA đang ngày càng tạo thêm sức ép cạnh tranh cho các doanh nghiệp, tác động trực tiếp và gián tiếp tới TMTN. Có thể nói, Việt Nam vẫn đang thiếu một chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển TMTN một cách bền vững. Do đó, muốn giữ được thị trường bán lẻ trong nước cần có chiến lược mới trong phát triển thương mại trong nước.

phat trien thuong mai can ton trong quy tac thi truong
Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Đỗ Thắng Hải khẳng định vai trò cũng như yêu cầu cấp bách của việc phát triển TMTN.

Chính vì thế, Dự thảo Chiến lược phát triển TMTN giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 do Bộ Công Thương soạn thảo được chia thành từng giai đoạn cụ thể, đồng bộ về thời gian với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm của quốc gia; xây dựng các mục tiêu cụ thể cần đạt được cho từng giai đoạn.

Theo ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Trưởng nhóm soạn thảo Chiến lược cho rằng, thực tế hiện nay đang đặt ra yêu cầu cấp bách đổi mới TMTN cả về mô hình thức tổ chức, đối tượng tham gia thị trường, hạ tầng thiết yếu cũng như cơ chế quản lý, điều hành của Chính phủ.

“Phát triển TMTN tại Việt Nam còn có sự khác biệt về quan điểm cũng như phương pháp điều tiết, quản lý thị trường; chưa ổn định, hài hòa và bền vững; chưa hỗ trợ được sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nước; Một số mục tiêu chủ yếu đề ra trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch tuy đã đạt được và một số còn về đích sớm hơn so với dự kiến, nhưng một số phân tích, đánh giá, điều chỉnh”, ông An cho biết.

Dự thảo Chiến lược phát triển TMTN đã đặt mục tiêu cụ thể, giai đoạn từ nay tới năm 2020, GDP lĩnh vực thương mại chiếm 9,61% tổng GDP của cả nước; tốc độ tăng bình quân của ngành đạt khoảng 12,6 %/năm. Đến năm 2020, mức bản lẻ hàng hóa của khu vực khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 95% tổng mức bán lẻ thương mại hóa của cả nước khu vực FDI chiếm khoảng 5%.

Đặc biệt, hệ thống chợ nông thôn, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn sớm được hoàn thiện phù hợp với nhu cầu của người dân. Đến năm 2020, có 70% số xã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn…

Nhấn mạnh tới vai trò của TMTN, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, bản chất thương mại đang thay đổi nhanh với sự xuất hiện của các hình thức thương mại mới, mô hình bán lẻ, sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0; sự hình thành các chuỗi sản phẩm và chuỗi giá trị; bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, chủ nghĩa bảo hộ có dấu hiệu trở lại, tính bất định của kinh tế thế giới gia tăng.

Bên cạnh đó, việc tham gia các hiệp định FTA tạo thêm sức ép cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong ngành. Những biến động này làm đang có nhiều tác động trực tiếp và gián tiếp tới TMTN. Do đó, Việt Nam rất cần có chiến lược mới trong phát triển TMTN, để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong nước thông qua việc kết nối các nhà sản xuất với các kênh phân phối, kết nối khu vực nông thôn với khu vực thành thị, đẩy mạnh liên kết chuỗi sản phẩm.

Cũng theo ông Trần Duy Đông, phát triển TMTN thời gian tới phải dựa trên nền tảng thị trường và tôn trọng quy tắc thị trường. Nhà nước chỉ tham gia vào các lĩnh vực, ngành, sản phẩm mà tư nhân không làm, hoặc không có khả năng tham gia. Quản lý nhà nước về TMTN trong thời gian tới tập trung vào giữ trật tự thị trường, bình ổn thị trường, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, khắc phục những mặt trái của kinh tế thị trường...

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Đỗ Thắng Hải, trong những năm qua, TMTN luôn giữ vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa cho nhân dân và đóng góp quan trong cho sự phát triển của nền kinh tế. Thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển thương mại quốc tế thông qua các hoạt động xuất nhập khẩu, Chính phủ sẽ ngày càng quan tâm đến việc phát triển TMTN./.