Ảnh:Trước ngôi nhà sàn tại khu di tích Đá Chông - K9
Nằm cách thủ đô Hà Nội chừng hơn 60 Km; Nơi đây cách không xa chân núi Tam Đảo, cũng có thể được coi là đất địa linh. Chính vì vậy trong kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã chọn vùng đất này là nơi dừng chân của Trung ương trên đường lên an toàn khu Thái Nguyên - Việt Bắc.
Theo tài liệu được ghi lại, vào tháng 5 năm 1957, Bác Hồ về dự diễn tập tại Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 308. Khi dừng chân nghỉ trưa tại nơi này, với tầm nhìn chiến lược của một nhà quân sự Bác đã thấy ở vị trí này vị trí trọng yếu có thể xây dựng một căn cứ để phục vụ cho việc chỉ đạo, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ. Từ đó, Bác Hồ đã lựa chọn nơi này để xây dựng khu căn cứ trong kháng chiến chống Mỹ (tài liệu được tỉnh Hà Tây - nay sáp nhập về Hà Nội, khẳng định).
Chỗ Bác Hồ ngày xưa ngồi ăn cơm nắm lần đầu Bác tới Đá Chông, ở đây còn 2 hòn Đá Chông khổng lồ, nhọn hoắt như mũi tên. Chúng tôi chợt hiểu hai chữ Đá Chông đặt tên cho một địa chỉ đất đai, đúng là không ngẫu nhiên mà nó có sự tích hẳn hoi.
Giữa cái nóng bức của mùa hè, khi về đến đây, chúng tôi thấy tâm hồn thật thư thái, dễ chịu. Một bầu không khí mát mẻ của những cánh rừng cả tự nhiên và nhân tạo mang lại. Với diện tích rộng 234 ha; Cho đến nay, tại đây, cây cối được trồng thêm những loại mới như chò, lát... Đến Đá Chông hôm nay thấy cây cối rậm rạp, mát mẻ, giống như đi vào một khu rừng nguyên sinh. Cổng đặt ngay bên lề đường 414. Từ cổng đi vào có đường bằng bê tông. Vào trung tâm, đường lát sỏi, những đoạn lên dốc được xây bậc đàng hoàng, khoảng sân xung quanh ngôi nhà Bác Hồ đã từng ở, làm việc và nơi họp bàn của Trung ương ngày ấy được rải sỏi. Theo những hướng dẫn viên ở đây cho biết: Rải sỏi là theo chỉ đạo của Bác, vừa để giúp rèn luyện cơ thể khi đi bộ và phát hiện được tiếng chân người hay thú rừng đi vào khu nhà ở và làm việc.
Ảnh:Di tích Đá Chông - Nơi Bác Hồ dừng chân nghỉ trưa vào tháng 5/1957
Đoàn chúng tôi tập hợp đông đủ trước ngôi nhà sàn, nơi họp của Bộ Chính trị ngày xưa để làm lễ dâng hương, tưởng niệm. Ngôi nhà này do Bác đích thân cắm mốc, chọn hướng, được khởi công xây dựng tháng 9/1959 do Cục hậu cần thi công và được khánh thành vào tháng 3/1960. từ bàn ghế đến cả chiếc giường trong phòng Bác thường nghỉ ngơi và các phòng nghỉ cho khách quý vẫn còn nguyên vẹn, gợi nhiều liên tưởng cho khách tham quan. Tầng dưới của ngôi nhà sàn là nơi thờ Bác. Tượng Bác ngồi lặng lẽ. Mùi hương trầm thơm như hòa quyện với lòng người kính viếng Bác càng tôn sự trang nghiêm, thiêng liêng của gian thờ.
Ảnh: Bàn thờ Bác tại khu di tích Đá Chông
Năm 1969, sau khi Bác Hồ mất ở Hà Nội. Đất nước đang chiến tranh nên Trung ương đã chọn Đá Chông là nơi an toàn để đặt di hài của Bác. Bởi trong thời chiến, máy bay Mỹ liên tục đánh phá miền Bắc, Năm 1972, sau khi Bác Hồ mất 3 năm, chúng đã đánh phá Hà Nội ác liệt.
Khi Bác của chúng ta đi vào cõi vĩnh hằng, nơi đầu tiên ướp bảo quản thi hài Bác là Viện quân y 108, cơ sở đó gọi là K75 A. Hội trường Ba Đình nơi tổ chức lễ viếng Bác từ ngày 6 tới 9/9/1969 gọi là K75 B. Tới khi đưa Bác lên yên nghỉ ở Khu di tích Đá Chông thì gọi là K84 (tức là K75 + K9 = K84), đây là địa điểm tốt, lí tưởng có phong cảnh đẹp, giao thông thuận tiện, có sông Đà chảy qua, khí hậu trong lành, yên tĩnh, đất đai rộng, là địa điểm kín, nhiều cây che phủ, dân xung quanh thưa thớt (trước đây), có điều kiện giữ gìn bí mật, thuận tiện cho tăng gia sản xuất để nuôi bộ đội.
Có thể khẳng định, quyết định của Đảng, Nhà nước ta khi ấy chọn Đá Chông là nơi giữ gìn di hài Bác là chính xác. Nơi đây cây cối rậm rạp che kín mặt đất, máy bay địch dù có bay qua cũng không phát hiện được gì. Di hài Bác được đặt ở Đá Chông suốt từ ngày 23/12/1969 đến 18/7/1975, khi đất nước chuyển sang giai đoạn hòa bình, và lăng Bác ở Ba Đình, Hà Nội đã xây xong, bấy giờ Đảng, Nhà nước mới đưa Bác về Hà Nội để nhân dân và bạn bè quốc tế tới thăm viếng Bác.
Ảnh: Những chiếc xe để di chuyển Di hài của Bác trong thời gian ở Đá Chông
Đến di tích Đá Chông bây giờ, chúng tôi được gặp lại ba chiếc ô tô của Liên Xô, một chiếc là xe tải, một chiếc là xe cứu thương, và một chiếc cũng là xe tải nhưng có thể đi trên đường bộ và đường sông. Chúng tôi được biết, những chiếc xe này đã được chúng ta cải tạo lại về hệ thống điện, làm lạnh ... để có thể đảm bảo cho việc bảo quản thi hài của Bác một cách tốt nhất khi di chuyển. Theo hướng dẫn viên kể lại, để đưa di hài của Bác về Đá Chông an toàn, ba chiếc xe đã luyện tập rất kỳ công. Đường sá bấy giờ chưa thật tốt, nhưng xe chở di hài Bác có thể đặt cốc nước trong xe mà nước không bị sóng sánh đổ ra ngoài. Như vậy mới được coi là an toàn. Đến lúc đó mới được phép chở di hài của Bác lên Đá Chông.
Ảnh: Xe chuyên dùng để di chuyển Di hài của Bác trong thời gian ở Đá Chông
Ba chiếc xe đó hiện còn đặt tại Đá Chông, được giữ gìn cẩn thận, là nhân chứng, vật chứng việc chăm sóc, giữ gìn di hài Bác trong những năm tháng lịch sử ấy.
Hướng dẫn viên dẫn chúng tôi tới một ngôi nhà có một cây to, nằm trong khu vực nền nhà, không những không bị chặt để xây cất, mà nó được giữ gìn, bây giờ được xây quanh bảo đảm cây phát triển tốt. Hiện cây đó đang còn sống, cùng các cây xung quanh tỏa mát trên ngôi nhà trang trọng này – Đó là nơi được đặt Di hài của Bác trong thời gian ở đây.
Ảnh: Nơi bảo quản thi hài Bác Hồ từ 1969 đến 1975
Một căn phòng của ngôi nhà là nơi đặt di hài Bác. Theo người hướng dẫn kể, đây là căn phòng được trang bị kỹ thuật hết sức đặc biệt. Di hài Bác đã được đưa về lăng, nhưng căn phòng này vẫn được giữ gìn nghiêm ngặt. Khách tham quan không được mở phòng, chỉ nhìn vào trong qua cửa kính. Chiếc quan tài bằng thủy tinh giữ gìn di hài Bác vẫn đặt bên trong. Cơ sở đề giữ gìn thi hài Bác gồm có:
- Tầng trên: Là khu làm việc liên hoàn, thuận lợi, bảo đảm vệ sinh môi trường. Đã được Bộ Tư lệnh công binh cải tạo có bệ, trong bệ có cáng, trên bệ có lồng kính. Nơi để Bác nghỉ gần giống như quan tài kính ở tại Lăng, thuận tiện cho việc phục vụ khi có các đoàn tới thăm viếng Bác và nghiên cứu để phục vụ viếng ở Lăng sau này.
- Tầng ngầm có kết cấu hầm kiên cố, kiến trúc của hầm có khả năng triệt tiêu và cản các sóng chấn động do áp lực mạnh của vũ khí nổ gây ra, có hệ thống phòng chống chất độc hoá học, chính đó là yếu tố đảm bảo tuyệt đối an toàn thi hài Bác.
Trong 6 năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, thi hài Bác được giữ gìn bảo quản tại đây ba lần với tổng thời gian là 4 năm 4 tháng 19 ngày.
Đoàn tham quan chúng tôi đi đông.Vậy mà trước căn phòng này, tất cả đều im phắc trong không khí hết sức trang nghiêm, như để giữ giấc ngủ bình yên cho Bác vậy. Mỗi lần gió thoảng qua, như đều cảm thấy có bóng dáng thân yêu của Bác.
Tìm hiểu những thông tin về khu di tích lịch sử này qua Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi được biết: Tại K84 không chỉ là nơi giữ gìn bảo quản thi hài Bác một cách đơn thuần, mà còn diễn ra nhiều sự kiện chuyên môn rất quan trọng như tiến hành chỉnh hình thi hài Bác ba lần do Viện sỹ Lopoukhin và GS Mikhailov chủ trì. Hội đồng khoa học liên quốc gia Liên Xô- Việt Nam đánh giá trạng thái thi hài Bác, đã khẳng định sau tám tháng ướp bảo quản thi hài Bác được giữ gìn rất tốt. Một điều rất thú vị nữa mà ít ai biết đến là điều kiện vô trùng của môi trường giữ gìn thi hài Bác lại tốt hơn ở cơ sở tại Viện quân y 108, nơi mà chúng ta chuẩn bị từ trước rất cẩn thận. Điều đó được khẳng định tại biên bản làm việc ngày 12/3/1971 giữa Ban phụ trách giữ gìn và bảo vệ thi hài Hồ Chủ tịch (chủ trì: đồng chí Phùng Thế Tài) với Đoàn chuyên gia y tế Liên xô và trong buổi gặp mặt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Song Hào với Đoàn chuyên gia y tế Liên xô cùng ngày 12 tháng 3 năm 1971, đã được GS. TSKH. Đenhixov Nhikonski- Viện phó Viện nghiên cứu khoa học Lăng Lê-nin đã khẳng định.
Cũng tại nơi đây chúng ta không chỉ giữ gìn an toàn thi hài Bác mà còn tổ chức nhiều buổi viếng Bác rất trọng thể cho nhiều đoàn đại biểu khác nhau. Tiêu biểu nhất là đoàn Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương do đồng chí Lê Duẩn- Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng dẫn đầu viếng Bác vào ngày 23/8/1970; Đoàn cán bộ Trung ương Cục Miền Nam do đồng chí Nguyễn Văn Linh dẫn đầu viếng Bác (tháng 2/1974). Cũng tại nơi này, chúng ta cùng với Bạn đã nghiên cứu một số vấn đề để chuẩn bị cho việc phục vụ lễ viếng thường xuyên sau này ở Lăng Bác tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Ngoài ra còn nhiều cuộc trao đổi kinh nghiệm giữa các chuyên gia Bạn và cán bộ y tế của ta để học tập kinh nghiệm của Bạn, cũng là nơi để thử thách rèn luyện cả về ý chí lý tưởng cách mạng cho tất cả các lớp cán bộ, cũng là nơi tích luỹ kinh nghiệm thực tiễn trong chuyên môn nghiệp vụ về y tế, kỹ thuật, phương án bảo vệ an ninh trong điều kiện đất nước có chiến tranh
Với các sự kiện đã diễn ra ở K84 về giữ gìn thi hài Bác thì rõ ràng đây là địa danh có ý nghĩa lịch sử đặc biệt gắn liền với sự nghiệp giữ gìn lâu dài thi hài Bác trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây đã được chính Bác chọn làm căn cứ để Bác cùng với Bộ Chính trị làm việc, quyết định một số vấn đề về kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng XHCN ở miền Bắc, điều đó càng làm ý nghĩa của công trình tăng lên.
Hôm nay đây, tại khu di tích lịch sử này, màu xanh càng thêm xanh do được trong thêm những cây xanh do các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước , Bộ Quốc phòng và các Bộ, Ngành ... trồng tại đây; Cùng với đó là các cây xanh do lãnh đạo của các tỉnh, các đơn vị quân đội trồng: như Bộ Tư lệnh Hải quân đưa cây bàng vuông từ đảo Trường Sa về, tỉnh Quảng Bình đưa cây trầm hương, Học viện Quốc phòng đưa cây cơ nia từ Tây Nguyên ra, Trung ương Đoàn tặng hàng trăm cây ăn quả (xoài, khế, ngân hạnh) trồng quanh hồ khu B ...
Đến Đá Chông, khu di tích lịch sử này, chúng tôi thêm kính, thêm yêu Bác Hồ. Và càng phải ra sức để thực hiện mong muốn tâm nguyện của Bác "Nước được độc lập, Dân được tự do, Ai cũng có cơm ăn áo mặc, Ai cũng được học hành".Vì thế, mỗi chúng ta cần phải giữ gìn, phát huy ý nghĩa chính trị của khu di tích này để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau để chúng ta vững vàng, có niềm tin thực hiện thắng lợi mong muốn của Bác lúc sinh thời là xây dựng nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh.
Bài và Ảnh: Nguyễn Bảo Lâm – Chu Thế Hà