khang dinh vai tro trong cong tac xay dung phap luat
Toàn cảnh Hội nghị tham gia ý kiến vào dự án luật trình tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Dự kiến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 tới đây. Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 11 ngày cho công tác lập pháp. Cụ thể, sẽ xem xét thông qua 10 dự án Luật và 1 dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Trong đó, một trong các dự án Luật được quan tâm thảo luận và xem xét quyết nghị tại Kỳ họp lần này là Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án. Để tổng hợp các ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật này, mới đây Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của các sở, ban, ngành liên quan, nhất là đối với các cơ quan, đơn vị chịu tác động trực tiếp của dự án luật. Theo đó, các ý kiến cơ bản nhất trí với việc cần thiết ban hành luật. Ông Bùi Đức Thuận, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Hiện nay việc giải quyết tranh chấp đối với tòa án các cấp có nhiều nơi bị quá tải. Cho nên việc ban hành Luật sẽ giải quyết được vấn đề hòa giải đối với tòa án, từ đó giảm tải cho tòa án rất nhiều. Trong điều kiện hiện tại biên chế nói chung và đặc biệt là chức danh biên chế tư pháp không được tăng mà thực hiện theo Nghị quyết chung của Trung ương là giảm biên chế. Chúng tôi cho rằng đây là một dự án luật ban hành rất kịp thời trong giai đoạn hiện nay".

Theo đó, dự thảo luật gồm 4 chương, 28 điều, quy định phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án. Tuy nhiên, bên cạnh các nội dung nhất trí, các ý kiến cũng đề xuất chỉnh sửa, bổ sung một số điểm cho phù hợp và sát với tình hình thực tiễn ở cơ sở, liên quan đến vấn đề thu nộp chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án; điều kiện bổ sung Hòa giải viên; phạm vi hoạt động của Hòa giải viên... Ông Thuận cũng cho biết thêm: "Chúng tôi thấy rằng để khuyến khích cho các bên tranh chấp tham gia hoạt động này được tốt, trước mắt chúng tôi rất tán thành với dự thảo của Luật. Theo quan điểm của chúng tôi, đa số các hoạt động hòa giải ngân sách Nhà nước nên đảm bảo, còn một số những hoạt động có chi phí lớn thì các bên tranh chấp có thể chịu một phần chi phí để giảm chi phí cho ngân sách Nhà nước".

Tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo luật hòa giải, đối thoại tại tòa án chỉ là một trong rất nhiều hoạt động tham gia đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật được Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tổ chức từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Giữa hai kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đều tổ chức các hội nghị để trao đổi, thảo luận và lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan. Đây là cơ sở quan trọng mang tính quyết định trong việc hoạch định chính sách, chỉnh lý và hoàn thiện từng nội dung của dự án luật trước khi trình Quốc hội xem xét, ban hành.

Theo đó, tính riêng trong năm 2019, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có ý kiến góp ý đối với 23 dự án Luật trình tại kỳ họp thứ 7 và thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Trong đó, đã tổ chức các hội nghị mời Hội Luật gia, Đoàn Luật sư, đại diện các sở, ban, ngành và các địa phương đóng góp ý kiến đối với 7 Dự án Luật có tác động lớn đến đời sống nhân dân và xã hội, như: Bộ Luật Lao động sửa đổi, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Giám định tư pháp,…

Đoàn cũng đã tổ chức lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các sở, ngành, địa phương đối với 16 dự án luật khác. Các vị ĐBQH chuyên trách ở Trung ương, Đại biểu Quốc hội là thành viên các Ủy ban của Quốc hội đã tích cực tham gia, đóng góp ý kiến vào các dự thảo luật tại các Hội nghị thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội; đồng thời thông qua công tác tiếp xúc cử tri, xử lý đơn thư, hoạt động giám sát để đóng góp ý kiến xây dựng Luật. Đồng chí Hoàng Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: "Những đối tượng chịu tác động ảnh hưởng lớn như Bộ luật lao động, luật công chức, luật viên chức liên quan đến tuổi đời, tuổi nghỉ hưu, chế độ chính sách, những dự án Luật như vậy thì đoàn Đại biểu Quốc hội tập trung tổ chức hội thảo, lấy ý kiến chuyên sâu. Trên cơ sở đó đóng góp các dự án luật sát với thực tiễn của cuộc sống. Khi luật ban hành ra sẽ triển khai tổ chức thực hiện được tốt hơn. Ngoài tham gia các dự án luật thì đoàn Đại biểu Quốc hội cũng tham gia tích cực với các ủy ban khi mà tham gia các dự án luật mang tính chuyên đề".

khang dinh vai tro trong cong tac xay dung phap luat
Đồng chí Hoàng Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Ngoài tham gia các dự án luật thì Đoàn Đại biểu Quốc hội cũng tham gia tích cực với các Ủy ban khi mà tham gia các dự án luật mang tính chuyên đề".

Cùng với đó, để nâng cao chất lượng tham mưu cho Đoàn ĐBQH và các đại biểu quốc hội, căn cứ các văn bản pháp quy của Quốc hội về xây dựng luật, pháp lệnh, Lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh đã ban hành văn bản phân công các chuyên viên phụ trách tham mưu góp ý vào các dự án luật; đồng thời gắn trách nhiệm đến khi dự án luật được Quốc hội thông qua.

Có thể nói, vai trò trong tham gia xây dựng các dự án Luật trình Quốc hội của Đoàn ĐBQH tỉnh và từng ĐBQH đã ngày càng được khẳng định khi thông qua các hội nghị, các đợt khảo sát lấy ý kiến đã tập hợp được nhiều tư liệu và tài liệu tham khảo để đại biểu nghiên cứu, chắt lọc, tham gia đóng góp xây dựng luật tại các kỳ họp Quốc hội có chất lượng và được tiếp thu trong các dự thảo luật, góp phần vào kết quả của công tác lập pháp của Quốc hội trong nhiệm kỳ 2016-2021, cũng như xây dựng các dự án luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo sát thực tiễn, có tính khả thi cao. Ông Dương Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Thái Nguyên đánh giá răng: "Đoàn Đại biểu Quốc hội tổ chức các cuộc họp không nhiều thời gian nhưng có hiệu quả bởi vì tài liệu và những ý kiến gợi ý đã được chuyển trước nên các đại biểu phát biểu đều đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Rất là khách quan đồng thời cũng đảm bảo đúng pháp luật, đúng quy trình và cũng rất dân chủ rộng rãi".

Ông Bùi Đức Thuận, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên cũng đánh giá: "Đây là một trong những hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trên cơ sở ý kiến rộng rãi của các cử tri, Đoàn Đại biểu Quốc hội sẽ tổng hợp và có các ý kiến tham gia vào sửa đổi dự thảo luật sát với thực tế. Nếu như luật được thông qua và ban hành thì về sau này việc triển khai thio hành luật sẽ không bị vướng, thực sự đi vào cuộc sống"

khang dinh vai tro trong cong tac xay dung phap luat
Các vấn đề nổi cộm sẽ tập trung chuyên sâu vào vấn đề tiếp xúc cử tri gắn với đối thoại.

Ông Hoàng Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên khẳng định: "Đoàn Đại biểu tỉnh Thái Nguyên trên cơ sở Nghị quyết của ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020 sẽ tập trung sâu trong vấn đề tham gia các dự án luật liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân và các đối tượng tác động. Đặc biệt là các vấn đề nổi cộm sẽ tập trung chuyên sâu vào vấn đề tiếp xúc cử tri đối thoại. Thông qua đó sẽ tập trung được rất nhiều ý kiến mang tính vĩ mô tham gia với Chính phủ, với Quốc hội để tham gia chỉnh sửa các chính sách đặc biệt là các dự án luật".

Năm 2020 là năm cuối trong thực hiện nhiệm vụ của giai đoạn 2016-2020 và cũng là năm quan trọng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Với tinh thần trách nhiệm của người đại biểu dân cử, tin tưởng rằng, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục có nhiều đổi mới để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động, qua đó phát huy vai trò của đại biểu Quốc hội tại các nghị trường, nhất là trong công tác xây dựng Luật, để mỗi dự án luật sau khi được ban hành đều nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của cử tri và nhân dân./.