Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã giới thiệu khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên. Bên cạnh đó, đồng chí khẳng định: Thái Nguyên luôn quan tâm đến chính sách dân tộc, huy động nguồn xã hội hóa để nâng cao mọi mặt đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, đồng chí mong muốn: tại hội thảo, các đại biểu đánh giá sát những vấn đề tác động trực tiếp đến chính sách dân tộc; thảo luận, cho ý kiến để các chính sách dân tộc phù hợp, sát với tình hình thực tế.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe đánh giá tình hình thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2011 - 2020. Theo đó, trong giai đoạn 2011 - 2020, chủ trương đường lối của Đảng về dân tộc và chính sách dân tộc được tiếp tục bổ sung và hoàn thiện thêm. Công tác thể chế hóa đường lối của Đảng thành các quy định hiến pháp và hệ thống pháp luật có liên quan đến dân tộc và chính sách dân tộc được quan tâm, tạo hành lang pháp lý cho việc ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc.

Mặc dù, có kết quả khả quan song các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận nhiều hạn chế, khó khăn trong công tác thực hiện như: hệ thống chính sách chưa thực sự đồng bộ, thiếu kết nối, gắn kết thống nhất giữa chính sách phát triển dân tộc với chính sách phát triển vùng; nội dung chính sách còn tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau nên việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả chưa cao; việc xử lý chuyển tiếp chậm, lúng túng dẫn đến gián đoạn trong thực hiện chính sách. Kết quả công tác giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Tình hình sinh hoạt tín ngưỡng và hoạt động của một số tôn giáo trong vùng dân tộc thiểu số diễn biến rất phức tạp.

Bên cạnh đánh giá kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua, xác định mục tiêu tổng quát giai đoạn 2021 - 2030 là nâng cao tầm nhìn, xác định đúng vị trí chiến lược, vai trò mục tiêu công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Ban hành đồng bộ các chính sách phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách.

Tại hội thảo, các đại biểu nhìn nhận nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, tồn tại; đồng thời thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề về định hướng phát triển văn hoá, kinh tế, hạ tầng cần phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tế; cần đánh giá lại hệ thống y tế xã, huyện ở vùng đồng bào dân tộc miền núi, tập trung vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cần có bộ tiêu chí Quốc gia để so sánh, đánh giá sự chênh lệch giữa đồng bào dân tộc thiểu số và mặt bằng chung của cả nước,...

Kết luận hội thảo, đồng chí Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá cao những ý kiến, đề xuất tại hội thảo; đồng thời sẽ tiếp thu, xem xét, bổ sung các ý kiến gửi tới tiểu ban soạn thảo để hoàn thiện chuẩn bị xây dựng Văn kiện cho Đại hội Đảng lần thứ XIII./.