Lớp đào tạo nghề vệ sỹ cho lao động nông thôn
xã Ôn Lương

Cũng giống như nhiều xã vùng sâu vùng xa của tỉnh Thái Nguyên, xuất phát điểm của Ôn Lương rất khó khăn như: xã thuần nông, hệ thống hạ tầng yếu kém, trình độ dân trí thấp... Bắt tay xây dựng nông thôn mới, một trong những tiêu chí khó hoàn thành nhất đối với Ôn Lương chính là cơ cấu lao động qua đào tạo nghề phải đạt mức yêu cầu. Để hoàn thành chỉ tiêu này, không còn con đường nào khác là phải cho nông dân tham gia các lớp đào tạo nghề.

Ông Phan Thanh Thúy, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ôn Lương chia sẻ: “Ôn Lương rộng 17000 km2, dân số gần 3600 người. Dù địa phương có nghề truyền thống mây tre đan cùng thế mạnh về cây chè và sản suất đồi rừng nhưng đời sống của người dân vẫn còn khó khăn. Trong đó, đáng quan tâm nhất là còn một bộ phận lao động trong độ tuổi chưa có việc làm ổn định. Ông Thúy khẳng định thêm: “dù được Nhà nước và chính quyền địa phương quan tâm nhưng chúng tôi vẫn nhận thức được rằng, muốn kinh tế, xã hội phát triển, phải chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Với các lớp đào tạo nghề ngắn hạn gồm: trồng lúa cao sản, cây ăn quả, rau an toàn, chăn nuôi chất lượng cao và hiện nay địa phương đang cùng trường trung cấp nghề Tiến Bộ mở thêm 1 số khóa học ngắn hạn đào tạo vệ sỹ cung cấp thêm lực lượng lao động cho các nhà tuyển dụng là những công ty và doanh nghiệp có nhu cầu do xã và trường trung cấp nghề Tiến Bộ liên hệ được, chúng tôi tin rằng không lâu nữa, Ôn Lương sẽ có thêm những nông dân vừa dày dạn kinh nghiệm sản xuất, vừa nắm rõ tiến bộ kỹ thuật để làm giàu trên quê hương mình”.

Ông Dương Quốc Tuấn hiệu trưởng trường trung cấp nghề Tiến Bộ cho biết: “Trên thực tế, lực lượng lao động nhàn rỗi ở các xã vùng nông thôn hiện nay còn tương đối nhiều, ngoài thời gian sản xuất vụ mùa ra thì khoảng thời gian còn lại quả là lãng phí trong khi nông dân thuộc địa bàn các xã này còn rất khó khăn về kinh tế.

Bởi vậy bà con nông dân rất cần ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích song song với đó là chuyển dịch cơ cấu lao động bằng việc đào tạo thêm 1 số ngành nghề ngắn hạn cho người dân để tạo thêm cơ hội việc làm. Là đơn vị đào tạo nghề, chúng tôi sẽ cố gắng đạo tạo những lao động phù hợp với nhu cầu tuyển dụng hiện nay. Chúng tôi rất chú trọng trong việc liên kết tìm đầu ra cho học viên sau khi hoàn thành khóa học”.

Quyết định 1956/QĐ - TTg của Thủ tướng chính phủ về đề án dạy nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020 được ban hành và triển khai giúp cho người dân không có điều kiện học nghề được tham gia vào các lớp học. Tại địa phương còn khó khăn như Ôn Lương thì quả thực đây là một cơ hội để người dân tìm ra thêm nhiều hướng phát triển kinh tế mới.

Đăng Dương