* Tấm lòng những Người lập An dương đường cho Thương binh. Vùng đất lịch sử thuộc xã Lục Ba mà chúng tôi tìm kiếm đã nằm trong vùng bán ngập Hồ Núi Cốc. 60 năm trước với tên gọi Trại Ngò hay Bẫu Trâu ngày nay là một vùng đất bằng phẳng, trù phú và ít người sinh sống. Đây chính là địa điểm xây dựng an dưỡng đường thương binh đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau ngày toàn quốc Kháng chiến bùng nổ,Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên An toàn khu lãnh đạo kháng chiến chống Pháp, Đại Từ trở thành cửa ngõ của chiến khu Việt Bắc.

dieu tran tro tu di tich an duong duong thuong binh dai tu
Địa điểm xây dựng an dưỡng đường thương binh đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Cuộc chiến kìm chân Pháp trong thành Hà Nội để các cơ quan trung ương rút khỏi thủ đô đã làm rất nhiều chàng trai Hà Nội trở thành thương binh, trong hoàn cảnh đất nước gặp rất nhiều khó khăn thiếu thốn. Đây cũng là những thương binh đầu tiên của 2 cuộc chiến tranh vệ quốc dài 30 năm trong lịch sử nước ta thế kỷ 20.

Vào thời điểm bấy giờ, Bí thư Phụ nữ Cứu quốc xã Lục Ba, huyện Đại Từ Nguyễn Thị Đích, là một người phụ nữ năng nổ, yêu nước và lúc đó gia đình thuộc diện có "của ăn của để "trong vùng, nên khi gặp cảnh hàng trăm thương binh không nơi cứu chữa, Cô bí thư Phụ nữ Nguyễn Thị Đích đã tự nguyện hiến đất làm nhà, ruộng cho thương binh cày, trâu để bừa và lợn để dành cho thương binh ăn. Trong hành trình trở lại mảnh đất Lục Ba tìm lại di tích an dưỡng đường số 1, chúng tôi đã đến nhà hai người con của cụ Nguyễn Thị Đích, giờ đều đã ở tuổi gần 80. Già yếu, con cháu ở xa, hai chị em đều đã lên lão nương tựa cùng nhau dưới một mái nhà, vui thú ruộng vườn và tận hưởng những tháng ngày cuối đời. Khi biết chúng Tôi muốn tìm hiểu về lịch sử hào hùng ở Lục Ba cách đây hơn 60 năm và đó cũng là niềm từ hào của gia đình các cụ chính vì thế mà hình ảnh về Người Mẹ thay Chồng một mình nuôi 6 đưa con nhỏ trong ký ức của Ông Trần Đình Tỉnh và Bà Trần Thị Nghi là hai người con của cụ Đích lại ùa về

Ngày đó Được động viên, cụ Nguyễn Thị Đích đã đứng ra ủng hộ 3 mẫu ruộng, 3 tấn thóc, 1 con trâu, huy động dân làng làm 10 gian nhà tre, gỗ, sắm sửa đồ dùng và lập nên An dưỡng đường số 1, cơ sở nuôi dưỡng thương binh đầu tiên ở nước ta. Cụ Nguyễn Thị Đích là người Mẹ Việt Nam đầu tiên nhường cơm, xẻ áo, nuôi dưỡng thương binh, để từ đó phong trào phong trào Hội Mẹ chiến sĩ Đón thương binh về làng nuôi dưỡng" lan rộng khắp cả nước. Phong trào do chính Bác Hồ phát động với phương châm " Bữa ăn chín cũng như mười/ Mỗi nhà nuôi lấy một người thương binh" . Là một nông dân di cư từ vùng Phú Thọ sang, nhờ chăm chỉ làm ăn, hai vợ chồng cụ Đích đã khai khẩn đất đai, trồng lúa, nuôi gia súc. Cách mạng bùng lên, những của cải chắt bóp được cụ Đích mang hết ra phục vụ thương binh, bộ đội và cách mạng. Không chỉ có phong trào hội mẹ chiến sỹ, nhờ tấm lòng của bà, phong trào lấy thương binh cũng dấy lên ở khắp Lục Ba và nhiều xã khác của huyện Đại Từ

dieu tran tro tu di tich an duong duong thuong binh dai tu
..Công lao của cụ Nguyễn Thị Đích hiện chỉ có Báo chí nhắc đến...

Trước những việc làm và tấm lòng của cụ Nguyễn Thị Đích, đúng thời điểm ra đời ngày Thương binh liệt sỹ 27-7-1947, Bác Hồ đã gửi thư khen. Bức thư có đoạn: ..." Thưa bà! Tôi nhận được báo cáo rằng bà đã hăng hái giúp đất ruộng, trâu bò, thóc lúa và tiền bạc để lập một trại an dưỡng đường cho thương binh. Tôi rất lấy làm vui lòng. Anh em thương binh đã hy sinh xương máu, để giữ gìn tổ quốc, bà đã hy sinh tiền của để giúp đỡ anh em thương binh. Như thế là bà đã làm kiểu mẫu thực hành khẩu hiệu: Có tiền giúp tiền, có sức giúp sức. Đồng tâm hiệp lực, kháng chiến thành công”. Tôi thay mặt chính phủ và anh em thương binh cảm ơn bà, và ngợi khen bà..."

Vùng đất xưa kia là dãy nhà ở thương binh, nền nhà cụ Đích, chuồng trâu, ruộng lúa- những dấu tích về một huyền thoại đỏ bên Hồ Núi Cốc đều không còn, nhưng không vì thế mà làm phai mờ đi những câu chuyện về một thời kỳ gian khổ của đất nước và là những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ của những con người nay đã lên lão. Cách không xa địa điểm an dưỡng đường số 1 là ngôi nhà của Bà Trần Thị Huy, người con gái cả của Cụ Bà Huy năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng vẫn còn khỏe, hàng ngày cụ vẫn tham gia công việc đồng áng phụ giúp con cháu. Ngôi nhà mà Bà Huy và các con cháu của Cụ vẫn đang sinh sống như một lời để nhắc nhở thế hệ hôm nay về một quá khứ anh hùng, cái nôi của phong trào đền ơn đáp nghĩa trong cả nước trên mảnh đất Lục Ba này, song có một điều đáng tiếc, khiến chúng ta phải suy nghĩ đó là những việc làm khởi nguồn của phong trào đền ơn đáp nghĩa bởi tấm lòng của cụ Nguyễn Thị Đích ở trong một hoàn cảnh đất nước khó khăn như thế,đến nay lại chưa được nhìn nhận một cách thỏa đáng, công lao của cụ hiện chỉ có Báo chí nhắc đến. Cụ Đích có thể không trường thọ đến lúc được vinh danh, nhưng lịch sử cần có những cái nhìn công bằng và tôn vinh một con người đã đóng góp nhiều công lao cho đất nước đến thế....

* Lấy Thương Binh và điển hình phong trào đền ơn đáp nghĩa

Mộ cụ Bá Huy - Nguyễn Thị Đích cách không xa ngôi nhà người con gái cả Trần Thị Huy, nhưng con đường đi vào thì không hề đơn giản.Chúng Tôi đến thăm và thắp nén nhang thơm bên mộ cụ Bá Huy- Nguyễn Thị Đích, một con người đã đóng góp rất nhiều công sức để huyện Đại Từ trở thành cái nôi thực hiện phong trào đền ơn đáp nghĩa rộng khắp cả nước. Nơi yên nghỉ cuối cùng của cụ Bá Huy - NguyễnThị Đích nhìn ra hồ núi cốc quanh năm lộng gió. Kháng chiến thành công, cụ Bá Huy bị quy là địa chủ bóc lột, tổ chức gợi ý cụ tự nguyện viết đơn xin ra khỏi Đảng. Mấy năm sau, năm 1955, thực hiện sửa sai, cụ Bá Huy được minh oan nhưng do trình độ cán bộ lúc đó mà mọi chuyện cũng chẳng đi đến đâu. Cụ sống âm thầm trong lãng quên suốt 32 năm cuối đời. Công lao không được công nhận chưa phải là bi kịch lớn nhất, bản lý lịch với 3 chữ “không rõ ràng” của cụ Bá Huy đã ảnh hưởng đến quá trình phấn đấu của 32 người con, cháu của bà Đích, không ai được đứng trong hàng ngũ của Đảng nữa vì suy nghĩ hạn chế của cán bộ địa phương thời kỳ những năm 50.

Trao đổi với chúng,Tôi về ký ức của 60 năm trước, Bà Huy kể, năm 1987, nhân kỷ niệm 40 ngày Thương binh liệt sỹ toàn quốc, Bộ lao động- thương binh- xã hội đã cử 1 đoàn công tác về thăm cụ Bá Huy. Chuyến thăm đó những tưởng sẽ ghi nhận công lao của cụ Bá Huy - Nguyễn Thị Đích với đất nước, minh oan bản lý lịch đã đóng cánh cửa được đứng trong hàng ngũ của Đảng của con cháu Bà. Nhưng rồi cũng chỉ là sự lặng im đến khi cụ Bá Huy - Nguyễn Thị Đích đã mất được gần 25 năm và các con của cụ cũng đã ngoài 80 tuổi. Ngôi mộ của một con người lịch sử, đóng góp công lao to lớn cho đất nước, bốn bề lộng gió và thương ngát hương chè.

Quyết định ngày 12-8 mới đây của thủ tướng Chính phủ đã chính thức công nhận Lục Ba là 1 trong 14 xã ATK của huyện Đại Từ. Hồ sơ đề nghị công nhận xã ATK của xã Lục Ba. Ngoài tờ trình dài 1 trang thì tất cả những phần còn lại đều là những tư liệu liên quan đến cụ Bá Huy - Nguyễn Thị Đích. Điều thuyết phục nhất trong tập hồ sơ chính là công lao và tấm lòng của bà Bá Huy- Nguyễn Thị Đích với di tích an dưỡng đường chăm sóc thương binh đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngoài ra, tập hồ sơ còn làm rõ, nhà cụ Bá Huy thực sự là một căn cứ cách mạng quan trọng, nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Quân đội trong kháng chiến chống Pháp như Võ Nguyên Giáp, Tôn Đức Thắng, Trần Huy Liệu, Lê Thành Ân… đều đã qua lại nghỉ chân nhà cụ Bá Huy trên đường hoạt động cách mạng.

Tương tự, an dưỡng đường số 2 tại nhà cụ Đặng Văn Ẩm cũng đã là một trang sử đầy hào hùng của xã Mỹ Yên. Công lao của cụ Đích, cụ Ẩm trong lịch sử đã làm mát mặt cả xã bởi quyết định công nhận xã ATK của Chính phủ ngày hôm nay. Nhưng dường như, ngoài khai thác lịch sử để cho hồ sơ của xã được hoành tráng, suốt hơn nửa thế kỷ qua, đã không có một nỗ lực nào đủ tâm huyết để làm sáng tỏ một sự thật rằng, 2 an dưỡng đường trên đất Đại Từ quan trọng không kém địa danh lịch sử nơi ra đời ngày thương binh liệt sỹ tại gốc đa cổ thụ xã Hùng Sơn. Nếu như huyền thoại chỉ đơn thuần là những câu chuyện đã xảy ra trong quá khứ, truyền thống có thể dễ dàng bị lãng quên, hoặc cán bộ ấu trĩ lại được phân công phụ trách lý lịch thì chúng ta nên tự hỏi chính mình, uống nước nhớ nguồn, một trong những phong trào rộng khắp và nhân văn nhất của dân tộc ta trong suốt thế kỷ 20 tại sao lại có thể tồn tại những điều phi lý đến như thế khi 2 con người đầu tiên thực hiện phong trào này, đến nay vẫn chưa được Nhà nước công nhận. Cụ Bá Huy- Nguyễn Thị Đích mở an dưỡng đường số 1 ở Lục Ba, cụ Đặng Văn Ẩm mở an dưỡng đường số 2 tại Mỹ Yên. Họ không hy sinh của cải để sau này được trở thành ân nhân. Nhưng đền ơn đáp nghĩa là hành động thể hiện đạo lý của thế hệ sau với thế hệ trước. Lãng quên lịch sử thì tương lai lấy gì để mà tự hào!

( Còn nữa )