Nhu cầu điện của Việt Nam tăng lên rất nhanh với mức trung bình là 11%/năm. Để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội, giai đoạn 2016-2020 sẽ cần khoảng 40 tỷ USD đầu tư cho các dự án điện.

can khoang 40 ty usd cho cac du an dien giai doan 2016 2020

Nhu cầu điện đang tăng mạnh (Ảnh minh họa: Internet)

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hiện sản lượng điện cả nước đạt 160 tỷ kwh/năm, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 30 trên thế giới, nhưng tính bình quân đầu người vẫn rất thấp, chỉ ở mức 1.750 kwh/người/năm.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, sản lượng điện cả nước sẽ đạt 240 tỷ kwh và năm 2030 đạt 500 tỷ kwh...

Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết, để đáp ứng nhu cầu điện, giai đoạn 2016-2020 cần khoảng 40 tỷ USD, trung bình gần 8 tỷ USD mỗi năm, Giai đoạn 2021-2030 cần 108 tỷ USD, trung bình 10,8 tỷ USD mỗi năm, trong đó 75% đầu tư nguồn điện, 25% đầu tư cho lưới điện. Đây là số vốn rất khó thu xếp nhưng nếu không đáp ứng đủ thì nguy cơ thiếu điện khó tránh khỏi.

Theo Bộ Công Thương, hiện có khoảng 40 dự án xây dựng nguồn điện và hàng trăm dự án xây dựng lưới truyền tải đang thiếu vốn. Trước những khó khăn về nguồn vốn cho các dự án của EVN, nhất là các dự án điện nông thôn trong 4 năm tới, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ cho phép các dự án điện được vay lại nguồn vốn ODA và các nguồn vay ưu đãi nước ngoài theo đúng các điều kiện cho vay của nhà tài trợ.

Bộ Công Thương cũng đã đề nghị Chính phủ xem xét, cho phép bổ sung các dự án điện vào danh mục các dự án được vay tín dụng ưu đãi Nhà nước đối với các hạng mục di dân tái định cư và chế tạo thiết bị trong nước./.