Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ký Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2018 - 2025.

Theo ký kết này, Bộ sẽ giúp Đồng Tháp trở thành một mô hình điểm của vùng đồng bằng sông Cửu Long về ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để phát triển chuỗi giá trị và nâng cao hiệu quả kinh tế các ngành hàng nông sản chủ lực tại địa phương.

Đồng Tháp tập trung nguồn lực của tỉnh tổ chức thực hiện thành công các nhiệm vụ khoa học, nâng cao tiềm lực nghiên cứu, giải quyết những vấn đề then chốt trong tỉnh.

bo khoa hoc va tinh dong thap hop tac ung dung khoa hoc phat trien kinh te
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh (bìa trái) và ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ký kết Chương trình phối hợp.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, Chính phủ chọn Đồng Tháp thí điểm tái cơ cấu nông nghiệp. Việc ký kết chương trình hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ là nền tảng quan trọng để tỉnh thực hiện tốt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

"Khoa học và công nghệ sẽ tạo ra đột phá, giúp đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp", ông Hoan nhấn mạnh.

Đồng Tháp là địa phương tiên phong khi xây dựng 57 mô hình hội quán để tập hợp những nông dân cùng sản xuất chung một ngành nghề như làm lúa sạch, trái cây... để cùng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất hay, cách làm giỏi.

Đây cũng là nơi kết nối các nhà khoa học, nhà chuyên môn về nông nghiệp trao đổi với nông dân về những kỹ thuật sản xuất mới, phương pháp giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng. Thông qua các hội quán, các doanh nghiệp cũng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Các mô hình này được đánh giá là thành công khi từng người dân được tiếp cận nhanh với những kỹ thuật mới và phương thức bán hàng hiện đại, tránh tình trạng được mùa mất giá.

Với mô hình "cây xoài nhà tôi", các hộ sản xuất đã rao bán những cây xoài đẹp, năng suất tốt ngay tại vườn. Nếu khách hàng ưng ý sẽ "mua" trong vòng một năm và gửi người bán chăm sóc. Người mua có thể về thăm cây bất cứ lúc nào, đến kỳ thu hoạch sẽ nhận đủ sản lượng theo cam kết.

Không chỉ bán cả cây, sản phẩm xoài của địa phương còn được đưa vào hệ thống cửa hàng thực phẩm an toàn và hợp tác xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao. Nhiều hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ blockchain truy xuất nguồn gốc để khẳng định thương hiệu.

bo khoa hoc va tinh dong thap hop tac ung dung khoa hoc phat trien kinh te
Đoàn công tác thăm mô hình "cây xoài nhà tôi". Ảnh: Trung tâm truyền thông.

Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, với những thành tựu ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển khoa học công nghệ hy vọng Đồng Tháp sẽ là mô hình điểm để nhân rộng ra các địa phương trong vùng Tây Nam bộ và toàn quốc.

Nội dung ký kết tập trung 4 nhiệm vụ chính:

- Xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

- Ứng dụng công nghệ cao trong sơ chế, bảo quản và chế biến nông sản chủ lực; Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ mới giải quyết các vấn đề về môi trường.

- Đầu tư phát triển tiềm lực các trang thiết bị kiểm nghiệm hiện đại để xây dựng Trung tâm kiểm nghiệm của tỉnh.

- Hỗ trợ các chủ sở hữu, các doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp trong tạo lập, quản lý và phát triển các tài sản trí tuệ gắn với sản phẩm đặc thù của địa phương.