Ván bài sinh tử

Bệnh nhân N.V.Đ, nam giới 17 tuổi, được chuyển đến bệnh viện Việt Đức từ Trung tâm Hô hấp, bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng rất nặng, phải thở oxy và suy dinh dưỡng nghiêm trọng (chỉ số BMI = 13,3). Theo chẩn đoán, bệnh nhân bị bệnh mô bào ở phổi (một dạng ung thư đặc biệt không có giải pháp điều trị triệt để) giai đoạn cuối. Tiên lượng tử vong cao trong một vài tháng. Giải pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật ghép hai phổi.

14 gio phau thuat ghep phoi cuu benh nhan 17 tuoi khoi cua tu
PGS. TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức kể về lần đầu tiên bệnh viện thực hiện thành công ghép hai phổi từ người cho đa tạng chết não.

PGS. TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức nhắc lại thời điểm “cân não” quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân: “Bệnh nhân người bé bằng cái kẹo, hầu như không còn sức sống. Sau khi phân tích đi phân tích lại, các thầy đều nhìn vào tôi để chờ quyết định có tiến hành ghép phổi cho bệnh nhân hay không và liệu ghép thì kết quả thế nào? Đây là quyết định “cân não” đối với các chuyên gia nội khoa và ngoại khoa của bệnh viện. Chúng tôi đã bàn bạc hết sức kỹ càng và cân lên đặt xuống mọi tình huống. Nếu không ghép thì câu trả lời là bệnh nhân sẽ chết. Đây là ván bài sinh tử và chúng tôi đã quyết chọn phẫu thuật”.

Bệnh nhân trước đó đã truyền hóa chất nhiều đợt và bị kèm nhiều bệnh lý cơ quan khác, như sỏi thận phải, sỏi trong gan, suy chức năng gan do hóa chất… Bệnh nhân vừa qua đã điều trị tại Trung tâm Hô hấp bệnh viện Bạch Mai hơn 20 ngày do đợt nhiễm trùng cấp các kén phổi, đã ổn định và có thể chuyển bệnh viện Việt Đức xét ghép phổi. Trên phim chụp cắt lớp ngực, gần toàn bộ tổ chức phổi của bệnh nhân đã bị tiêu hủy hết thành các nang-kén khí, không còn hoạt động chức năng.

Ngày 12/12/2018, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên và hết sức đặc biệt từ một người cho đa tạng đã chết não, với kíp mổ hoàn toàn là các thầy thuốc của bệnh viện.

Đến nay, sau hơn 10 ngày phẫu thuật, bệnh nhân N.V.Đ tiến triển rất thuận lợi. Các thông số chuyên môn liên quan đến phổi ghép đều tiến triển tốt, cho thấy ca ghép hai phổi đã rất thành công về mặt kỹ thuật.

Chia sẻ về ca ghép phổi đầu tiên từ người hiến tạng đã chết não, PGS. TS Nguyễn Hữu Ước cho biết, việc lấy phổi, ghép phổi từ người cho chết não có nhiều khó khăn hơn so với lấy tạng từ người sống.

Với người cho tạng sống, bác sĩ có thời gian lựa chọn miễn dịch, nhiễm khuẩn còn với người cho chết não khó kiểm soát được những vấn đề đó. Vì vậy, với ca ghép từ người cho tạng đã chết não, bác sĩ sẽ bị động hơn, ca ghép có nhiều nguy cơ về nhiễm trùng hơn.

Đặc điểm chăm sóc sau mổ ghép phổi phức tạp hơn nhiều các ca ghép tạng khác. Trong đó, nguy cơ nhiễm trùng ghép tạng rất cao, phải nội soi - đánh giá - vệ sinh phế quản hàng ngày, hầu hết phải chăm sóc phổi ghép qua mở khí quản. Thời gian hậu phẫu thường kéo dài 2-3 tháng, bệnh nhân mới xuất viện được. Với bệnh nhân N.V.Đ, hiện nay đã tự thở hoàn toàn bằng khí quản và đang tập liệu pháp hàng ngày để cải thiện sức khỏe.

“Ca mổ đã rất thành công về mặt kỹ thuật ghép phổi. Qua thành công này, chúng tôi đã hoàn thiện thêm quy trình ghép phổi tại bệnh viện Việt Đức, tạo điều kiện chữa bệnh cho nhiều bệnh nhân nữa”, bác sĩ Nguyễn Hữu Ước nói.

14 gio phau thuat ghep phoi cuu benh nhan 17 tuoi khoi cua tu
Các bác sĩ bệnh viện Việt Đức thực hiện lấy tạng và ghép phổi. Ảnh: Bệnh viện Việt Đức

Nghĩa cử cao đẹp của người hiến tạng và tâm huyết của các bác sĩ

Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một ca thực hiện lấy đồng thời 6 tạng để ghép từ cùng một người cho đa tạng chết não.

Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam và tại bệnh viện Việt Đức tiến hành ghép 5 tạng cùng một thời điểm cho 4 bệnh nhân (1 tim, 2 phổi, 1 gan, 1 thận) và kết hợp điều phối “xuyên Việt” 1 thận cho bệnh nhi ở TP HCM. Sau hơn 10 ngày, tất cả những các ghép tạng đều tiến triển thuận lợi.

Người hiến tạng là nam giới, 40 tuổi, ở Ninh Bình, tiền sử khỏe mạnh. Người này bị chết não do phình mạch não vỡ, điều trị tích cực ở bệnh viện Bạch Mai không kết quả. Bệnh nhân đã tha thiết hiến tạng ngay khi còn khỏe mạnh. Sau khi người bệnh chết não, gia đình đã thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình bày tỏ nguyện vọng hiến tạng. Sau đó, Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia đã làm thủ tục đưa người bệnh về Việt Đức để hiến tạng.

“Trường hợp này có nhiều điểm đặc biệt, đó là sự phối hợp, kết hợp giữa rất nhiều các đơn vị, trong đó không chỉ có các đơn vị chuyên môn y tế mà còn các đơn vị khác. Trong trường hợp này là sự phối hợp chặt chẽ của Hội Chữ Thập đỏ Ninh Bình. Chính Hội Chữ Thập đỏ Ninh Bình đã kết nối để thực hiện thành công. Đó còn là sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị y tế lớn nhất trên cả nước về nội khoa và ngoại khoa”, PGS. TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức khẳng định./.