ZTE được Mỹ 'mở đường' thoát cấm vận, hồi sinh hàng triệu việc làm
Lệnh cấm vận kéo dài 7 năm đối với ZTE nhiều khả năng bị gỡ bỏ nếu công ty chấp nhận các yêu sách từ phía Mỹ. |
Wilbur Ross, Bộ trưởng Thương mại Mỹ trong một thông báo mới đây, đã khẳng định đã đạt được thỏa thuận với ZTE - tập đoàn viễn thông hàng đầu tại Trung Quốc với khoản tiền phạt lên tới 1 tỷ USD.
Được biết, số tiền này hoàn toàn nằm ngoài lần phạt trước đó, cũng với trị giá gần 1 tỷ USD do ZTE vi phạm các quy ước với Mỹ và bán thiết bị cho Bắc Triều Tiên, Iran.
Phát biểu trước tờ CNBC hôm thứ năm (14/6), Ross cho biết ZTE cũng phải đặt thêm 400 triệu USD, và số tiền này sẽ bị tịch thu nếu công ty có bất kỳ vi phạm nào trong tương lai.
Bên cạnh đó, ZTE cũng buộc phải tiếp nhận một đội ngũ quản trị do Mỹ ứng cử, trực tiếp tham gia và ban điều hành và hội đồng quản trị của công ty.
Mặc dù hình phạt được đưa ra từ phía Mỹ là khá nặng tay, tuy nhiên đối với ZTE, đây gần như là cơ hội duy nhất để họ tiếp tục trở lại thị trường Mỹ, tiếp tục kinh doanh, cũng như cứu lấy hàng triệu công việc bị mất tại Trung Quốc.
Ảnh minh họa. |
Vụ việc giữa ZTE và Mỹ xảy ra vào đầu tháng 4 khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh cấm đầy bất ngờ kéo dài tới 7 năm đối với công ty đến từ Trung Quốc, qua đó không cho phép các công ty Mỹ bán thiết bị phần cứng và phần mềm cho thương hiệu này.
ZTE, thương hiệu smartphone lớn thứ 4 tại Mỹ sau đó ít ngày tuyên bố sẽ ngừng các hoạt động chính của công ty và không còn lựa chọn nào khác ngoài gỡ bỏ sản phẩm nhằm tìm giải pháp thay thế.
Tuy nhiên, tình thế "đứng trên bờ vực" của ZTE đã có những chuyển biến tích cực, khi ông Trump bất ngờ đăng tải một dòng tweet cho biết ông đang nỗ lực đưa hãng trở lại kinh doanh. "Chủ tịch Trung Quốc - ông Tập Cận Bình, và tôi đang cùng nhau nỗ lực để đưa thương hiệu smartphone nổi tiếng tại Trung Quốc, ZTE trở lại kinh doanh, một cách nhanh chóng", ông Trump nói. "Quá nhiều việc làm tại Trung Quốc đã bị mất. Và Bộ Thương Mại sẽ là đơn vị trực tiếp giải quyết chuyện này".
Quyết định "tha bổng" ZTE của Donald Trump sau đó gặp phải sự phản kháng từ các nhà lập pháp và cơ quan thực thi pháp luật tại Mỹ, trong đó bao gồm Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio cùng hơn 32 thượng nghị sĩ khác.
Vào thời điểm bấy giờ, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cũng kịch liệt lên án, nói rằng "ZTE đã lừa dối Bộ Thương mại". "Thay vì khiển trách các nhân viên và các quản lý cấp cao, ZTE lại thưởng cho họ. Hành vi nghiêm trọng này là không thể bỏ qua", ông Ross nói.