Xúc động đêm nhạc Phạm Tuyên gợi lại ký ức một thời đã qua
Liveshow “Phạm Tuyên - Nhớ và quên” diễn ra vào đúng ngày sinh nhật của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ở tuổi 88, ông đã yếu hơn nhưng vẫn còn rất minh mẫn.
Ông cười và chia sẻ rằng: “Tôi bất ngờ vì ở tuổi này lại được hai cô con gái tổ chức đêm nhạc mừng sinh nhật. Cũng may vì có đủ sức khỏe để trực tiếp đến xem đêm nhạc. Tôi quan niệm đó không phải là buổi biểu diễn nghệ thuật đơn thuần mà là buổi trao đổi âm nhạc. Mọi người đến gặp gỡ trò chuyện với nhau”.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên giao lưu, trò chuyện với khán giả trên sân khấu |
Đúng với tinh thần ấy, đạo diễn Phạm Hoàng Nam và ekip đã thực hiện liveshow tối 14/1 tại Hà Nội một cách giản đơn, mộc mạc nhưng tinh tế, mang lại cho khán giả những cảm xúc không thể nào quên. 26 ca khúc được chắt lọc từ gia tài đồ sộ hơn 700 tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Tuyên như một trang sử - nơi lưu giữ những ký ức về một thời đã qua, nơi những người của thế hệ hiện tại tìm lại lịch sử vẻ vang của đất nước.
Chương trình được chia làm 2 phần. Mở đầu là “Những nốt nhạc theo dòng lịch sử”. Ngoài những giọng ca gạo cội như NSND Trung Kiên, NSND Trần Hiếu, NSND Thanh Hoa, NSƯT Mạnh Hà là những giọng ca thính phòng đương đại nổi bật như Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn, Lan Anh.
Việt Hoàn, Đăng Dương và Trọng Tấn (từ trái qua) gợi lại những sục sôi của chiến đấu và nhớ nhung xa cách trong thời kỳ "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". |
Khán giả được nghe lại những ca khúc gắn liền với từng cột mốc lịch sử như “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, “Tiếng hát những đêm không ngủ”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Từ một ngã tư đường phố”, “Em bé đưa thư”… Phần âm nhạc với tính chất Semi Classic được thể hiện bởi dàn nhạc lớn, kết hợp giữa dàn nhạc thính phòng và nhạc cụ điện tử.
Những sáng tác của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã quá quen thuộc với nhiều thế hệ. Vì vậy, ekip chương trình không làm mới, không tô điểm cho màu mè trên một bức tranh vốn đã đẹp sẵn mà tôn trọng những giá trị xưa và những bản phối cũ. Điều đó không hề khiến đêm nhạc nhàm chán mà ngược lại, càng làm tăng cảm xúc và tình cảm của khán giả, những người đã trải qua những ngày tháng mưa bom bão đạn.
Sự rung cảm trong âm nhạc của Phạm Tuyên đến từ chính trải nghiệm của ông. Ông không tự nhận mình là người chép sử bằng âm nhạc bởi điều đó quá to tát. Phạm Tuyên chỉ là người có tài năng thiên bẩm, có được sự nhạy bén về thời cuộc, lý tưởng sống để kết hợp với những rung cảm, tạo nên những bản nhạc tuyệt vời ở những thời điểm cuộc sống cần nhất.
Có lẽ chính vì thế mà các ca khúc của ông có sức lan tỏa rộng rãi. Ở phần thứ 2 là “Những nốt nhạc từ trái tim”. Phạm Tuyên không viết nhiều về tình yêu, nên mảng ca khúc này gây sự tò mò với khán giả.
Thanh Lam ít hát nhạc Phạm Tuyên nhưng cô rất cảm xúc ở ca khúc “Năm bông hồng trắng”, có sự hỗ trợ của nhạc sĩ Thanh Phương đệm đàn guitar. |
Nhạc sĩ chia sẻ rằng, hầu hết những tác phẩm ở mảng đề tài này đều có bóng dáng của bà xã - PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết. Mối tình của họ trải qua nhiều sóng gió và định kiến, bởi vậy đều man mác buồn, chứa nhiều tâm sự. Nhạc sĩ Lưu Hà An – Giám đốc âm nhạc của chương trình đặt niềm tin ở ca sĩ Thanh Lam, Tùng Dương, Vũ Thắng Lợi trong những ca khúc ở mảng này.
Phạm Tuyên là nhạc sĩ Việt Nam viết nhiều tác phẩm cho thiếu nhi nhất, chính bởi vậy đêm nhạc “Nhớ và quên” không thể thiếu mảng đề tài này.
Những ca khúc thiếu nhi được lồng ghép trong 2 phần của chương trình với sự thể hiện của NSND Trần Hiếu, Nhật Minh (quán quân Giọng hát Việt nhí 2016) và Jayden Trịnh (top 4 Thần tượng âm nhạc nhí 2016).
Nhạc sĩ Phạm Tuyên và các bé thiếu nhi. |
Ít ai biết rằng, vợ nhạc sĩ Phạm Tuyên là nhà giáo, nhà nghiên cứu tâm lý học trẻ em. Chính bà là người đã thổi hồn vào trong những tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhạc sĩ. Từ bà, ông đã hiểu thêm về thế giới tưởng như trắng trong mà muôn vàn màu sắc, tưởng như giản đơn mà vô cùng phong phú của con trẻ để viết lên những ca khúc “Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội”, “Cánh én tuổi thơ”, “Tiếng chuông và ngọn cờ hòa bình”, “Chú voi con ở Bản Đôn”, "Chiếc đèn ông sao", "Trường chúng cháu là trường mầm non"…
Ngay tại đêm nhạc, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã đệm đàn ca khúc "Tiễn thầy đi bộ đội" cho cô con gái của mình hát. |
Xuất hiện trên sân khấu, NSND Trần Hiếu chia sẻ, giữa ông và nhạc sĩ Phạm Tuyên không nhiều kỷ niệm nhưng có sự đồng điệu trong âm nhạc, xuất phát từ tình yêu trẻ thơ.
Nhờ ca khúc “Chú voi con ở Bản Đôn” mà NSND Trần Hiếu được thiếu nhi từ Bắc vào Nam yêu mến.
Đặc biệt, màn đồng diễn “Cánh én tuổi thơ” và “Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội” do 200 em thiếu nhi thể hiện nhận được sự hưởng ứng lớn. Khán giả cầm trong tay những trái bóng vẫy theo lời hát, như thả trôi cảm xúc về một thời tuổi thơ.
Với Phạm Tuyên, đêm nhạc là món quà sinh nhật tuyệt vời mà ông có được. Với khán giả, họ được trở lại tuổi thơ, được sống lại trong những trang sử hào hùng của đất nước. Sau chương trình, gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên hy vọng, đêm nhạc có thể truyền cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ khác viết về đề tài thiếu nhi hơn nữa./.