WEF: Nhà đầu tư đặt niềm tin vào quyết tâm đổi mới của Việt Nam
Chiều 21/1, theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 47 Diễn đàn Kinh tế Thế giới, từ ngày 17 - 21/1/2017, theo lời mời của của Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Claus Schwab. Đây là chuyến đi thành công trên nhiều mặt, đã quảng bá hình ảnh về một Việt Nam năng động, gây dựng được niềm tin trong các nhà đầu tư lớn của thế giới về một Việt Nam quyết tâm đổi mới và cải cách.
Với chương trình làm việc khẩn trương, liên tục, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có 36 hoạt động, trong đó có 25 cuộc tiếp xúc song phương, 2 cuộc đối thoại với lãnh đạo cấp cao của nhiều tập đoàn lớn, gặp gỡ một số hãng thông tấn, báo chí hàng đầu thế giới; dự và phát biểu tại 6 phiên thảo luận, đối thoại của Hội nghị, gồm: Tương lai nền sản xuất dưới góc độ chiến lược khu vực; Triển vọng ASEAN sau chặng đường 50 năm thành lập và phát triển; Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm trong một thế giới đa cực; Quản trị vững mạnh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Bản sắc ngành chế tạo: ASEAN đã trở thành một cộng đồng hay chưa?...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF Klaus Schwab. |
Chia sẻ các yếu tố cần thiết đối với lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các nước cần hành động có trách nhiệm đối với hòa bình, ổn định trên thế giới và khu vực; đồng thời đánh giá cao vai trò của các tổ chức đa phương, nhất là Liên Hợp Quốc, trong việc thúc đẩy các lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng cũng nêu lên cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam; khẳng định Việt Nam đang tập trung nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để tranh thủ cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Với khoảng 3.000 đại biểu, trong đó có hơn 40 lãnh đạo cấp cao các nước và các tổ chức quốc tế, đông đảo lãnh đạo các tập đoàn lớn, các chuyên gia, học giả hàng đầu thế giới tham dự hội nghị, Đoàn Việt Nam, do Thủ tướng Chính phủ Nguyên Xuân Phúc dẫn đầu, đã truyền đi những thông điệp về một Việt Nam quyết tâm đổi mới mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng.
Hơn 400 phiên thảo luận của Hội nghị thường niên năm nay đều xoay quanh chủ đề “Lãnh đạo trách nhiệm và hành động”. Chủ đề này tương đồng với những việc mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện, đó là xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Phấn đấu năm 2017, Việt Nam đứng vào nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN về môi trường đầu tư thuận lợi (ASEAN 4). Trước các nhà đầu tư lớn của thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến vấn đề hoàn thiện thể chế và điều này đã được các nhà đầu tư chia sẻ, hưởng ứng mạnh mẽ.
“Trong 12 trụ cột về năng lực cạnh tranh này thì thể chế rất quan trọng. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam tập trung mọi nguồn lực, khả năng để xử lý vấn đề thể chế theo thông lệ quốc tế và theo kinh tế thị trường trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt tài chính ngân hàng, sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, xử lý tranh chấp… Nền tảng thể chế đó phải bảo đảm tính toàn diện, bao trùm, trao cho mọi người dân cơ hội đóng góp vào thành công tăng trưởng kinh tế và hưởng lợi xứng đáng với thành quả đó”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, các nhà đầu tư đều nhận thấy Việt Nam đang trên con đường cải cách mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, coi trọng các nhà đầu tư quốc tế, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cảm nhận các nhà đầu tư rất tin tưởng vào công cuộc đổi mới và sự phát triển của Việt Nam, điểm sáng kinh tế của khu vực. Do đó họ đều cam kết mở rộng hợp tác đầu tư tại Việt Nam. Một số tập đoàn cho biết có kế hoạch mở rộng hợp tác tại Việt Nam, như trường hợp của Tập đoàn Alibaba. Ông Jack Ma cho biết có kế hoạch hợp tác với Việt Nam nâng cao năng lực về công nghệ thông tin, phần mềm, đào tạo cho sinh viên Việt Nam.
Trong chuyến đi này, Thủ tướng đã có hàng loạt các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước như Tổng thống Thụy Sỹ, Thủ tướng Áo, Thủ tướng Hà Lan, Hoàng hậu Hà Lan, Thủ tướng Sri Lanka, Tổng thống Ukraine; có các cuộc gặp với Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Chủ tịch Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và nhiều đối tác phát triển khác; tiếp nhiều lãnh đạo doanh nghiệp.
Ngoài trao đổi thúc đẩy hợp tác song và đa phương với Việt Nam, Thủ tướng đã thông tin về Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và những ưu tiên của Việt Nam trong năm APEC 2017. Với chủ đề của Hội nghị là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, các hoạt động và hội nghị của APEC-2017 sẽ tập trung thảo luận việc thúc đẩy liên kết kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh trong kỷ nguyên số. Đây là chủ đề nhiều nhà đầu tư quan tâm và mong muốn đóng góp vào Năm APEC 2017 cũng như tìm hiểu những cơ hội đầu tư cụ thể tại Việt Nam.
Một thành công quan trọng nữa của chuyến đi lần này, đó là Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên ký kết với Diễn đàn Kinh tế Thế giới Thỏa thuận hợp tác về Phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai. Với thỏa thuận hợp tác theo mô hình công-tư (PPP), đây được coi là “mẫu hình” để Diễn đàn Kinh tế Thế giới triển khai với các nước khác. Theo thỏa thuận, Diễn đàn Kinh tế Thế giới sẽ hỗ trợ Việt Nam kết nối với mạng lưới các doanh nghiệp và chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của Diễn đàn; phối hợp với Việt Nam nghiên cứu và tư vấn chính sách như tái cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, năng lực cạnh tranh quốc gia, biến đổi khí hậu....
Trong cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Giám đốc điều hành WEF Philip Roesler (người bên trái trong ảnh) khẳng định: “Việt Nam có một đối tác mạnh mẽ, đó là WEF. Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ Việt Nam”. Ảnh: TTXVN |
Ông Phillipp Roesler, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế cho biết, qua hợp tác này, Diễn đàn Kinh tế Thế giới sẽ hỗ trợ Việt Nam ở tất cả các ngành, lĩnh vực cần thiết để có thể đưa Việt Nam vào kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đối với các doanh nghiệp thuộc WEF quan tâm đầu tư vào Việt Nam, theo ông Philip Roesler, đây không phải là thỏa thuận, hợp đồng đơn thuần mà “thực sự là một lời hứa”.
“Việt Nam có một đối tác rất mạnh mẽ là Diễn đàn Kinh tế Thế giới và chúng tôi sẵn sàng ủng hộ Việt Nam”, ông Philip Roesler nhấn mạnh.
Với hàng nghìn doanh nghiệp hàng đầu thế giới tham dự Hội nghị lần này, thì đây là cơ hội đối với bất kỳ quốc gia nào muốn quảng bá, xúc tiến đầu tư. Do vậy, dù lịch trình bận rộn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã dành nhiều thời gian gặp gỡ,đối thoại với hàng loạt lãnh đạo Tập đoàn hàng đầu thế giới như Mitsubishi, UPS, Mocrosoft, Facebook, Qualcom, Alibaba... UPS mong muốn đầu tư dịch vụ vận tải hàng không tại Việt Nam, Alibaba cũng đã có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam, Mitsubishi muốn biết lĩnh vực Chính phủ Việt Nam ưu tiên phát triển thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch tập đoàn Microsoft Bradford Smith. |
Ông Joe Kaeser, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Siemens cho biết, năm 2016 khi ông đến thăm Việt Nam, ông rất ấn tượng sự năng động của con người Việt Nam. Công ty Siemens trở thành doanh nghiệp đứng đầu thế giới về chế xuất số là nhờ chương trình đào tạo thực tập dành cho các sinh viên đại học tại Công ty Siemens. “Tôi hy vọng Ngài Thủ tướng có thể giới thiệu cho Công ty tôi một đối tác Việt Nam để cùng nhau xây dựng một chương trình đào tạo cho các sinh viên, thực tập sinh của Việt Nam. Hiện nay, Công ty Siemens đã có chương trình đào tạo cho hơn 2.000 thực tập sinh cho 48 quốc gia trên thế giới và hy vọng được trình bày với Thủ tướng về mô hình thực tập thực tế này tại Việt Nam”, ông Joe Kaeser bày tỏ.
Với tinh thần cởi mở, thẳng thắn và chào đón các nhà đầu tư, Thủ tướng đánh giá cao các đề xuất, câu hỏi của các nhà đầu tư và đã trực tiếp trả lời các câu hỏi về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, vận tải hàng không và nhiều lĩnh vực khác. Thủ tướng khẳng định với UPS là Việt Nam có chủ trương mở cửa bầu trời và sẵn sàng tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia vào thị trường Việt Nam; coi đề xuất của Siemens là tuyệt vời, đồng thời kêu gọi lãnh đạo các doanh nghiệp đầu tư vào nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, một lĩnh vực mà Việt Nam rất có thế mạnh.
Tại các buổi gặp gỡ, đối thoại, một lần nữa Thủ tướng khẳng định Việt Nam coi trọng các nhà đầu tư nước ngoài, thành phần kinh tế đang đóng góp trên 20% GDP của Việt Nam./.