Vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp: Cuộc đối đầu không khoan nhượng
“Cuộc đối thoại giữa 2 kẻ điếc”
“Cuộc đối thoại giữa 2 kẻ điếc” đầy những âm sắc lộn xộn, trong bầu không khí căng thẳng không có chút tôn trọng, cảm tình hay thậm chí là lịch sự tối thiểu. Đó là nhận định của báo chí Pháp về cuộc tranh luận trên truyền hình giữa 2 ứng cử viên tổng thống tối 3/5.
Thay vì tập trung vào chương trình, kế hoạch hành động của mình, đưa thêm những điểm mới để thuyết phục cử tri, thì 2 ứng cử viên chủ yếu chỉ trích nhau.
Đặc biệt nực cười là báo chí Pháp nêu ra 19 tuyên bố sai mà bà Le Pen đưa ra trong cuộc tranh luận để chỉ trích đối thủ, trong đó có những điểm sai căn bản như việc tuyên bố nước Anh ổn hơn sau Brexit, tuyên bố các doanh nghiệp Pháp đã sử dụng đồng euro trong giai đoạn 1993-2002 mà trên thực tế đồng euro chính thức đi vào lưu hành vào năm 1999… ứng cử viên Emmanuel Macron đã thẳng thừng gọi đó là những “lời nói dối”.
Bà Le Pen (trái) và ông Macron tranh luận trên truyền hình. Ảnh: AFP. |
Nhìn một cách tổng thể, ứng cử viên Emmanuel Macron đã ghi điểm thêm sau cuộc tranh luận, lúc đầu có chút yếu thế trong chủ đề chống khủng bố nhưng ngay lập tức làm chủ tình thế trong chủ đề kinh tế, đồng euro. Ông Macron cũng khẳng định tôn trọng những cử tri đã bầu cho nữ ứng cử viên cực hữu, hiểu được cơn giận dữ của họ, nhưng nhấn mạnh họ xứng đáng nhận được nhiều hơn những gì bà Le Pen có thể đem lại.
Không thể đối thoại với cực hữu
Dư luận Pháp nhìn nhận cuộc tranh luận không có gì hơn ngoài một cuộc “cãi vã”, và giúp nhìn thấy “bộ mặt thực sự” của cực hữu là không bao giờ có thể đối thoại. Xuyên suốt cuộc tranh luận, bà Le Pen tỏ sự khinh thường, mỉa mai đối với ứng cử viên Macron – người mà bà gọi là Hollande bé.
Cuộc tranh luận chỉ càng làm rõ thêm thực tế “đối nghịch” hoàn toàn trong quan điểm, trong tư duy giữa 2 ứng cử viên và thậm chí hướng tới những đối tượng người nghe cũng khác nhau.
Ông Macron đã thẳng thừng chỉ trích bà Le Pen ăn nói “lung tung” và báo chí Pháp nhận định nữ thủ lĩnh cực hữu sẵn sàng bất chấp mọi điều, khơi gợi nỗi sợ hãi, nhấn sâu vào những vết nứt, đổ vỡ xã hội để tấn công đối thủ.
Đã có một số ý kiến thắc mắc vì sao ông Macron chấp nhận tranh luận với bà Le Pen nếu so sánh với cách đây 15 năm, ứng cử viên Jacques Chirac đã từ chối tranh luận trực tiếp với ông Jean Marie Le Pen – người đã tạo cơn chấn động nước Pháp khi vào được vòng 2.
Tuy nhiên, giới phân tích đều cho rằng, ông Macron sẽ mất điểm nếu từ chối tranh luận, và thái độ thách thức, ngạo mạn của bà Le Pen cộng thêm nhiều tuyên bố, nhận định sai của bà trong cuộc tranh luận, càng có lợi cho ông Macron. Thêm nữa, cuộc tranh luận “đầy khó chịu” này sẽ là minh chứng hùng hồn cho thấy “không thể nào đối thoại được với cực hữu”.
Tỷ lệ có thể là Macron 59- Le Pen 41%?
Cuộc thăm dò mới nhất cũng là cuối cùng do tờ Thế giới cùng Cevipof công bố hôm thứ Tư cho thấy, 59% trong tổng số hơn 13.700 người được hỏi cho biết sẽ bầu cho ông Macron ; và tỷ lệ cho bà Le Pen là 41%. Các dư đoán đều khẳng định ứng cử viên của Phong trào Tiến bước sẽ chiến thắng dù có đôi chút mong manh.
Tuy nhiên, nếu thực sự thăm dò này là đúng, thì riêng việc cực hữu có thể đạt tới 41% cũng sẽ là cú sốc lớn trên chính trường Pháp, nếu so sánh với 15 năm trước, cha của bà Le Pen – Chủ tịch Mặt trận Quốc gia giành được 18% trong cuộc đấu với ứng cử viên Jacques Chirac.
Sự so sánh này càng cho thấy sự ủng hộ của cử tri Pháp dành cho cực hữu đang ở mức nguy hiểm cao độ, phần nhiều là do bản thân bà Le Pen đã có nhiều điều chỉnh làm “mềm mỏng” hơn chính sách và cải thiện hình ảnh của cực hữu, nhưng phần nhiều cũng do cử tri chán chường với các chính trị gia truyền thống hứa hẹn nhiều nhưng thực hiện được ít nên quay sang ủng hộ ứng cử viên cực hữu.
Một chỉ dấu đáng chú ý khác là tỷ lệ đi bỏ phiếu theo thăm dò mới nhất là khoảng 76%, tăng 4 điểm so với cuộc thăm dò vào cách đây 3 tuần. Đây cũng có thể coi là một điểm tích cực cho ứng cử viên Macron bởi phần lớn các cử tri chán nản không đi bầu đều là những người ủng hộ các phe phái truyền thống, và nếu số cử tri không đi bầu càng cao, càng có lợi cho ứng cử viên cực hữu.
Ngoài ra, cuộc thăm dò mới nhất cho thấy mức độ ổn định của các cử tri dành cho ứng cử viên Macron là rất cao, có tới 88 % cử tri đã bầu cho ông trong vòng 1 tuyên bố sẽ đi bỏ phiếu và 91% tuyên bố sẽ tiếp tục bỏ phiếu cho ông trong vòng hai.
Cuộc đấu Macron- Le Pen so với Clinton - Trump: Bề ngoài tương đồng nhưng có nhiều khác biệt sâu sắc
Trong suốt cuộc vận động tranh cử, và ngay trong cuộc tranh luận trên truyền hình vừa rồi, bà Le Pen được gọi là một “Donald Trump” tại Pháp bởi nhiều điểm tương đồng. Trong đó giống nhất là thái độ ngạo mạn, khinh thường đối thủ, các tuyên bố cực đoan và bất chấp cả việc đưa ra những “lời nói dối”, những thông tin sai lệch hoàn toàn với thực tế, với lịch sử.
Tuy nhiên, đó chỉ là giống về cách thức, và cần nhấn mạnh chính bản thân bà Le Pen cũng cố tạo ra những điểm tương đồng với một lãnh đạo cực hữu đã chiến thắng ở cường quốc số 1 là nước Mỹ để ghi thêm điểm cho mình. Đồng thời, ông Macron cũng được so sánh với bà Clinton về chuyên môn, nắm vững nhiều hồ sơ quan trọng của đất nước.
Tuy nhiên, cuộc đấu Macron - Lepen có những khác biệt cơ bản so với cuộc đấu Clinton - Trump. Điểm khác biệt lớn là cử tri Mỹ - vốn cởi mở với các điểm mới – đánh giá ông Trump có khả năng tạo nên những thay đổi đột biến. Trong khi cử tri Pháp đến lúc này nhìn nhận rất rõ ràng ở sự hạn chế không chỉ riêng trong hành động, mà trong cả năng lực và kiến thức của nữ lãnh đạo cực hữu.
Và dù đã có nhiều chuyển biến, cái nhìn của người Pháp vẫn rất truyền thống và ác cảm đối với cực hữu. Cái khó của người Pháp là dù kêu gọi đoàn kết chống cực hữu song vẫn phải tôn trọng tính dân chủ của cuộc bầu cử.
“Khó chịu” là cảm giác của cử tri Pháp khi xem cuộc tranh luận trực tiếp, theo đánh giá của báo chí, và điểm nguy hiểm là cuộc “cãi vã” đó , vốn không có điểm gì mới về chính sách, kế hoạch hành động của hai ứng cử viên, càng không thuyết phục được những cử tri do dự, do dự trong việc có đi bầu hay không, cũng như sẽ bầu cho ai./.