Vốn tín dụng chính sách: ‘Bà đỡ’ cho hộ nghèo, hộ khó khăn
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội. (Ảnh: CTV)
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho vay đối với hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.
Các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống còn 4,25%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều cũng đã giảm từ 9,88% vào năm 2015 xuống còn 5,23% năm 2018.
Từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ giảm nghèo luôn đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao hàng năm, cũng như mục tiêu tại chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Cụ thể, tỷ lệ giảm nghèo bình quân cả nước đạt trên 1,5%/năm, riêng huyện nghèo thì bình quân giảm ở mức rất cao là 5,5%/năm.
Bài 1: Chính sách tín dụng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ở các vùng nghèo
Với số tiền tưởng như ít ỏi với nhiều gia đình ở thành phố nhưng ở nông thôn, vùng dân tộc thiểu số thì nhờ những nguồn vốn này mà nhiều gia đình đã thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Bước ra khỏi cái nghèo
Không ai nghĩ anh Hàng A Vạng, người H’Mông, tại Tiểu khu Pa Khen I, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La lại có cuộc sống khấm khá như hiện nay với 1ha cây mận hậu, trong đó 200 cây mận hậu cho thu hoạch, một cặp bò sinh sản, 2 con lợn nái, 1.800 gốc cây su su, xây dựng được một ngôi nhà ở khang trang và nhà nghỉ cộng đồng cho khách du lịch.
Năm 2012 sau khi đi bộ đội xuất ngũ trở về địa phương, anh Vạng cưới vợ được bố mẹ cho ra ở riêng và chia cho 2.000m2 đất. Vợ chồng anh dựng một gian nhà tạm để ở, đời sống hết sức khó khăn, 2 vợ chồng đi làm thuê để trang trải cuộc sống và thuộc diện hộ nghèo tại địa phương.
Tuy nhiên, với sức trẻ và ý chí phấn đấu, vợ chồng anh Vạng được Tổ họp bình xét cho vay vốn chương trình hộ nghèo và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mộc Châu cho vay số tiền 30 triệu đồng, thời gian vay vốn 3 năm. Với số tiền vay được, vợ chồng anh mua 2 con bò sinh sản, cùng 2.000m2 đất trồng cây mận hậu. Trong quá trình cây mận hậu chưa cho thu hoạch, anh trồng xen cây su su để "lấy ngắn nuôi dài," có tiền trả lãi hàng tháng và tham gia gửi tiền tiết kiệm.
Sau khi thu hoạch, anh đã trả được nợ ngân hàng. Đến năm 2015, được sự giúp đỡ của Hội phụ nữ thị trấn, gia đình anh tiếp tục làm đơn đề nghị vay vốn chương trình hộ cận nghèo với số tiền 50 triệu đồng, thời gian vay 5 năm, anh Vạng tiếp tục đầu tư mua một cặp bò sinh sản, mua cây giống, phân bón và 3.000m2 đất để trồng cây mận hậu. Gia đình anh khấm khá lên từ đó.
Cũng như gia đình anh Vạng, ông Hà Xao Xuyến, 62 tuổi, dân tộc Mường ở thôn Nhội, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) cũng thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi.
Trước đây, vợ chồng ông và 5 người con chỉ có 7 sào ruộng, lại ở vùng đất thường xuyên đối mặt với mưa lũ, nên dù chăm chỉ cấy hái, thậm chí tận dụng thêm khe suối chân núi để dặm thêm lúa nhưng một năm cũng chỉ đủ ăn 9 tháng, 3 tháng còn lại đói nhiều, no ít vì phụ thuộc vào việc lên rừng tìm bương tre đi bán.
Những năm trước, tổ tiết kiệm và vay vốn, hội, đoàn thể cũng nhiều lần đến nhà vận động vay vốn Ngân hàng Chính sách phát triển kinh tế, nhưng vợ ông e ngại bởi oằn lưng lo rau cháo qua ngày đã khó, vay vốn làm ăn thuận thì chẳng nói, không thuận lấy gì trả nợ ngân hàng nên không dám vay. Mãi đến năm 2010, khi con cái đã dần trưởng thành, ông mới quyết tâm vay 30 triệu đồng để mua cặp trâu sinh sản.
Năm năm sau, ông bán bớt trâu trả nợ ngân hàng, thậm chí còn xây được cho vợ con mình căn nhà nhỏ nhưng kiên cố vững chắc để che mưa nắng, bước ra khỏi cái nghèo đã vây bám quá nửa đời người. Năm 2015, một lần nữa ông vay thêm 30 triệu đồng từ nguồn vốn hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để nuôi thêm trâu, trồng gần 1ha chè. Mới đây, ông đã đầu tư 30 hộp ong nuôi và đã thu lần đầu được 40 lít mật. Cùng với đó là gần 1ha chè đã đưa vào khai thác với sản lượng khoảng 8 tấn/năm và 4 con trâu trong chuồng.
Theo báo cáo, trong giai đoạn 2016 đến 31/8/2019, đã có gần 8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với doanh số cho vay đạt 221.693 tỷ đồng; góp phần giúp trên một triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 775.000 lao động (trên 17.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); gần 200.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 4,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; trên 108.000 căn nhà ở cho hộ nghèo…
Có vốn ưu đãi, gia đình anh KBRóp ở thôn Kao Kuil, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh (Lâm Đồng) có điều kiện mở rộng diện tích trồng càphê, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng. (Ảnh: Trần Việt)
Hạn chế tín dụng đen
Tín dụng đen đang là vấn đề được Nhà nước cũng như dư luận hết sức quan tâm. Bởi nó đã lan rộng ra nhiều vùng miền từ thành thị tới nông thôn và đưa người dân vào những khó khăn vướng mắc không dễ tháo gỡ.
Một lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, tín dụng đen xuất hiện ở Lâm Đồng từ năm 2016, đã len lỏi tất cả địa bàn đặc biệt trong đồng bào dân tộc thiểu số nên rất khó khăn trong ngăn chặn. Thậm chí tại Lâm Đồng năm 2017 có những đối tượng “hảo hán” ngồi trên xe 113 giả danh công an đi đòi nợ, gây hoang mang cho người dân.
Hiện tượng này cũng xảy ra nhiều ở các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Nhiều người dân vô tình sập bẫy tín dụng đen khi liên hệ với tổ chức tín dụng này. Người dân không vay nhưng cũng phải trả tiền phí tư vấn 500.000 đồng khi gọi đến số điện thoại của đường dây tín dụng đen, nếu không trả ngay số tiền này thì sẽ bị tính lãi 30-40%, thêm vào đó người dân sẽ bị đối tượng tín dụng đen đe dọa…
Ngoài ra người dân vướng vào vòng nợ nần luẩn quẩn với đối tượng tín dụng đen đôi khi còn bởi thói quen từ lâu ở buôn làng: Người dân thiếu ăn thì đi vay gạo vay thóc của tổ chức cho vay nặng lãi, đến mùa vụ họ phải mang gạo thóc đi trả với lãi suất cao… và cứ thế người dân rơi vào nghèo đói nợ nần quẩn quanh.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách, trong thời gian gần đây hiện tượng này đã giảm dần, nhiều gia đình khó khăn đã biết tìm đến tổ tiết kiệm tại các buôn làng, làng xã để vay vốn.
Điểm giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dùng của Agribank đã đi đến tận các xã ở các huyện nghèo. (Ảnh: CTV)
Chính vì vậy, ngoài nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội thì nguồn vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) trong thời gian qua cũng đã là “điểm tựa” vững chắc giúp người nông dân giảm bớt khó khăn, thoát nghèo và vươn lên làm giầu.
Agribank tập trung tới hơn 70% dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đây là một trong những minh chứng sống động và cụ thể cho việc Agribank đã nỗ lực trong việc đưa dòng vốn vào sản xuất nông nghiệp. Từ khi thành lập cho đến nay, hơn 30 năm qua, Agribank vẫn luôn cần mẫn đưa đồng vốn vào sản suất nông nghiệp giúp sức cho người nông dân phát triển sinh kế. Agribank đã triển khai 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình quốc gia về phát triển nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Đặc biệt, sau một năm triển khai chính thức, đến 28/2, Agribank đã đưa điểm giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dùng, thực hiện được 3.641 phiên giao dịch, cung cấp dịch vụ cho hơn 376.371 khách hàng tại địa bàn 389 xã, tổng số tiền giải ngân đạt 1.449 tỷ đồng.
Anh Đinh Văn Giêng ở bản Nà Mường 2, xã Nà Mường, huyện Mộc Châu, Sơn La chia sẻ: “Điểm giao dịch lưu động bằng xe chuyên dùng của Agribank mang lại nhiều tiện lợi cho bà con xã Nà Mường. Từ nay, chúng tôi không còn phải đi tới 50 km đường đồi núi để đến các điểm giao dịch của ngân hàng như trước đây nữa. Việc rút ngắn được khoảng cách và thời gian tiếp cận với ngân hàng sẽ giúp cho chúng tôi có thêm thời gian yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất và đặc biệt là mỗi khi bà con cần tiền cũng sẽ có cơ hội được giải ngân nhanh hơn rất nhiều so với trước đây.”
Ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám đốc Agribank cho biết: “Nhằm củng cố thêm nguồn vốn ưu đãi cho bà con, ngay trong những ngày đầu năm 2019, Agribank dành nguồn vốn tối thiểu 5.000 tỷ đồng để cho vay mục đích tiêu dùng hợp pháp, cấp bách với mức cho vay tối đa là 30 triệu đồng, thủ tục nhanh gọn, hướng tới rộng rãi đối tượng khách hàng là bà con tại khu vực nông nghiệp, nông thôn góp phần đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen.”
Ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cũng cho biết, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tác dụng trực tiếp đẩy lùi và ngăn chặn sự tác động tiêu cực của tín dụng đen đến đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Đây cũng là nguồn lực quan trọng giúp các địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng tỉnh và toàn vùng./.
Bài 2: Vốn tín dụng chính sách: Dành phần vốn thích đáng cho người nghèo
Thúy Hà (Vietnam+)