Vị thế của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được xác lập vững chắc
Ông Tập Cận Bình được đánh giá là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc từ năm 1949 tới nay, chỉ sau cố lãnh tụ Mao Trạch Đông. Và vị thế này của ông Tập ngày càng được củng cố một cách chính thức cả trong bộ máy Đảng và Nhà nước của Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: IndiaToday. |
Tháng 10/2017, Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bầu ông Tập làm Tổng bí thư của đảng này. Ngoài ra, Đại hội đó còn đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình” vào Điều lệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hệ thống quan điểm của một số lãnh đạo Trung Quốc khác có xuất hiện trong Điều lệ của đảng này, tuy nhiên mới chỉ có tên của Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Tập Cận Bình là được khắc trực tiếp vào bản Điều lệ.
Không những vậy, “Tư tưởng Tập Cận Bình” còn được “Điều lệ Đảng hóa” ngay cả khi ông vẫn đang đương chức.
Quốc hội đồng thuận gần như tuyệt đối
Đến giữa tháng 3/2018, quyền lực của ông Tập Cận Bình thêm một lần nữa vững chắc khi Quốc hội Trung Quốc đã bỏ phiếu nhất trí sửa đổi Hiến pháp Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc và đưa “hệ tư tưởng” mang tên ông vào trong bản Hiến pháp này.
Tỷ lệ phiếu bầu nhất trí cao tới mức: Trong số 2.964 đại biểu, có tới 2.958 người tán thành. Chỉ có 2 phiếu chống, 3 phiếu trắng và 1 phiếu không hợp lệ.
Như vậy, về mặt chính thức, Tư tưởng Tập Cận Bình đã được xác lập chắc chắn trong cả hệ thống đảng và hệ thống chính quyền của Trung Quốc.
Đáng lưu ý, phiên họp của Quốc hội Trung Quốc ngày 11/3 còn chính thức xóa bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ đối với các chức vụ Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước, tức là chính thức mở đường về mặt pháp lý để ông Tập Cận Bình có thể nắm quyền tại Trung Quốc sau năm 2023 (khi ông kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch nước thứ 2). Quốc hội Trung Quốc đã phê chuẩn đề xuất ngày 25/2 của Ban chấp hành Đảng Cộng sản Trung Quốc về điều này.
Truyền thông Trung Quốc đã lên tiếng cổ xúy cho những thay đổi này.
Trước đó ông Tập đã dần xác lập vị thế của mình tại Trung Quốc thông qua (1) chiến dịch không khoan nhượng chống tham nhũng, (2) đề xuất và thúc đẩy đại dự án “Vành đai và Con đường”, và (3) nhiều động thái cứng rắn trong việc bảo vệ “chủ quyền” của nước này.
Phá vỡ thông lệ về kế vị?
Nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình trước đây đã dày công xác lập mô hình kế vị mới mà theo đó mỗi nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ không nắm chức vụ cao nhất của quốc gia này quá hai nhiệm kỳ. Ngoài ra, họ còn có trách nhiệm giới thiệu người kế vị mình.
Mục đích mà ông Đặng hướng tới là để tạo ra sự ổn định và bảo đảm yếu tố dân chủ, lành mạnh trong hệ thống chính trị Trung Quốc. Bài học đau thương tại Trung Quốc trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa đã làm cho ông Đặng quyết tâm lựa chọn mô hình này.
Trên thực tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sau Đặng Tiểu Bình đã tuân thủ mô hình đó một cách nghiêm túc và quá trình chuyển giao quyền lực tại Trung Quốc ở vị trí cao nhất đã diễn ra khá êm thấm, góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia này.
Đầu tiên, ông Giang Trạch Dân làm lãnh đạo tối cao của Trung Quốc trong 2 nhiệm kỳ, từ năm 1993-2003. Khi hết nhiệm kỳ 2, ông Giang “chấp nhận” rút lui và nhường chỗ cho người kế vị là ông Hồ Cẩm Đào. Đến lượt mình, ông Hồ cầm quyền trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp (2003-2013) rồi tự nguyện rút lui khỏi chức vụ lãnh đạo. Ông Hồ Cẩm Đào đã giới thiệu và dìu dắt người kế vị là Tập Cận Bình.
Thế nhưng tại lễ bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10/2017, khi ông Tập chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ Tổng bí thư thứ 2, giới quan sát không thấy có nhân vật nào trong ban lãnh đạo mới của đảng này được lựa chọn làm người kế tục vị trí của ông Tập. Thực tế này phù hợp với diễn biến mới nhất tại Quốc hội Trung Quốc vào chiều 11/3 vừa qua.
Nếu ông Tập thực sự có ý định tiếp tục làm Chủ tịch Trung Quốc trong nhiệm kỳ thứ 3 (hoặc hơn nữa) thì ông sẽ có những điểm tương đồng với Tổng thống Nga Vladmir Putin và Thủ tướng Campuchia Hun Sen về thời gian cầm quyền. Tất nhiên, thời gian nắm quyền của ông Tập hiện nay vẫn thấp hơn nhiều so với các ông Putin và Hun Sen. Ngoài ra, ông Tập lựa chọn con đường hơi khác để đạt được điều này.
Tạo động lực mới?
Rất có thể chính giới Trung Quốc hiện nay muốn ông Tập Cận Bình tiếp tục cầm quyền dài lâu để bảo đảm sự liền mạch trong nỗ lực chống tham nhũng cũng như cải cách kinh tế. Ông Tập đã làm tốt nhiệm vụ chống tham nhũng, giành được sự ủng hộ trong quảng đại quần chúng. Kế hoạch “Vành đai và Con đường” cũng đã được triển khai từng bước, hứa hẹn mang lại bộ mặt mới cho nền kinh tế Trung Quốc và khu vực.
Thời kỳ dưới sự lãnh đạo của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, kinh tế Trung Quốc đạt nhiều tăng trưởng nhưng quốc gia này cũng đối mặt với muôn vàn thách thức như tham nhũng, ô nhiễm và nhiều tệ nạn trong xã hội. Vì vậy tâm lý nhiều người dân Trung Quốc hiện nay mong muốn một nhà lãnh đạo kiên quyết với quyền lực tập trung đủ sức để đẩy cả nền kinh tế và xã hội Trung Quốc cùng tiến lên trong bối cảnh mới.
Tuy nhiên, cuộc “thử nghiệm chính trị” này của cá nhân ông Tập Cận Bình và ban lãnh đạo Trung Quốc có thể vẫn tiềm ẩn rủi ro, như nguy cơ lạm dụng quyền lực và sức ép từ những lực lượng không cùng quan điểm bên trong Trung Quốc./.