Vì sao Mỹ - Hàn thẳng thừng bác đề xuất của Trung Quốc về Triều Tiên?
Mỹ, Hàn Quốc thẳng thừng từ chối đề xuất của Trung Quốc
Trung Quốc đã không thành công trong nỗ lực làm hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên khi cả Mỹ và Hàn Quốc đều lên tiếng bác đề xuất của Bắc Kinh ngừng các cuộc tập trận chung để đổi lấy việc Bình Nhưỡng “đóng băng” các chương trình hạt nhân và tên lửa.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki R. Haley (giữa) trong cuộc họp báo với hai người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc. (Ảnh: Reuters) |
Lý giải về việc bác đề xuất của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki R. Haley nói với các phóng viên sau cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ở New York: “Chúng tôi cần phải thấy một hành động nào đó tích cực từ phía Triều Tiên”.
Trong khi đó, Đại sứ Hàn Quốc tại Liên Hợp Quốc cũng cho rằng: “Đây không phải là lúc để chúng tôi nói về việc ‘đóng băng’ các cuộc tập trận hoặc đối thoại với Triều Tiên”.
Tuyên bố của bà Haley và người đồng cấp Hàn Quốc được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc đề xuất ý tưởng Mỹ - Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận chung như là một cách để tạo cơ sở cho các cuộc đàm phán chấm dứt tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
“Hai bên giống như hai đoàn tàu tốc hành lao về phía nhau, cả hai đều không muốn nhường đường. Câu hỏi đặt ra là hai bên đã thực sự sẵn sàng cho vụ va chạm đầu tiên hay chưa. Ưu tiên của chúng tôi giờ đây là ‘nháy đèn đỏ’ và ‘hãm phanh’ cả hai đoàn tàu này lại”, ông Vương Nghị đề xuất ý tưởng giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa Triều Tiên tại cuộc họp báo về chính sách đối ngoại bên lề kỳ họp Quốc hội thường niên của Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo bà Haley, Mỹ đang đánh giá lại cách tiếp cận của nước này đối với Triều Tiên và với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Bà Haley nói: “Tôi có thể nói với các bạn rằng, chúng tôi không tự áp đặt ý kiến chủ quan lên mọi vấn đề và chúng tôi vẫn đang cân nhắc mọi lựa chọn”.
Bà Haley đồng thời cũng lên tiếng trấn an Trung Quốc rằng, Mỹ không có ý định gây hại cho bất kỳ ai khi triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. Trước đó, Bắc Kinh đã nhiều lần lên án kế hoạch triển khai THAAD khi gọi đây là hành động khiêu khích quân sự, nằm trong kế hoạch chạy đua vũ trang “liều lĩnh” của Washington.
Mỹ tính hướng đi khác cho vấn đề Triều Tiên
Theo đánh giá của giới quan sát, việc Mỹ và Hàn Quốc hoài nghi về tính khả thi của đề xuất được Trung Quốc đưa ra là điều dễ hiểu bởi Triều Tiên từng đưa ra một đề nghị tương tự vào năm 2015 nhưng rồi tất cả chẳng đi đến đâu.
Lính Mỹ trong cuộc tập trận chung ở Hàn Quốc. (Ảnh: Getty) |
Giáo sư Cheng Xiaohe tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, một chuyên gia về Triều Tiên nhận định: “Những diễn biến hiện tại là một thách thức đối với chính sách đối ngoại của Chính phủ Trung Quốc. Tình hình ở khu vực Đông Á ngày càng phức tạp và khả năng giải quyết bằng con đường ngoại giao đối với vấn đề tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên ngày càng trở nên mong manh”.
Chủ đề Triều Tiên cũng đã trở thành một trọng tâm trong các cuộc trao đổi của giới chức chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump với phía Trung Quốc. Bắt đầu từ tuần sau, Ngoại trưởng Mỹ Rex W. Tillerson sẽ tới thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc để thảo luận về “mối đe dọa hạt nhân và tên lửa” của Triều Tiên.
“Những tiến bộ về vũ khí của Triều Tiên đã đạt đến mức chúng ta cần phải xem xét các giải pháp thay thế khác và đó là một phần của chuyến đi này. Chúng tôi sẽ bàn thảo với các đồng minh và đối tác trong khu vực để tạo ra một cách tiếp cận mới với vấn đề Triều Tiên”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark C. Toner nói về chuyến đi của ông Tillerson.
Triều Tiên vẫn là bài toán khó
Mặc dù vậy, việc đưa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tới một thỏa thuận về những bước đi đầu tiên hướng tới hòa bình sẽ không hề dễ dàng, đặc biệt là khi Trung Quốc và Hàn Quốc có cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt trong vấn đề Triều Tiên; đó là còn chưa kể đến những mâu thuẫn “ngầm” giữa Bắc Kinh và Washington.
Triều Tiên phóng 4 quả tên lửa đạn đạo hôm 6/3. (Ảnh: KCNA) |
Giáo sư Shen Dingli tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, chuyên gia về vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân cho rằng, chia rẽ giữa Trung Quốc với Hàn Quốc và Mỹ liên quan đến THAAD có thể sẽ khích lệ Triều Tiên tin rằng, Bắc Kinh sẽ không quay lưng lại với họ.
“Việc triển khai THAAD đã dẫn tới sự suy thoái trầm trọng trong quan hệ Trung Quốc – Hàn Quốc, do đó, Triều Tiên rất vui mừng vì điều này. Không có giải pháp cho vấn đề Triều Tiên bởi vì họ sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân”, giáo sư Shen nhận định.
Tuy vậy, Ngoại trưởng Vương Nghị vẫn khẳng định quan điểm cho rằng, đàm phán là cách tiếp cận duy nhất để giải quyết căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.
“Chúng ta phải đi bằng cả hai chân, điều đó có nghĩa là không nên chỉ áp đặt các lệnh trừng phạt mà còn phải khởi động lại đàm phán”, ông Vương Nghị nói.
Có thể thấy rõ rằng, tuyên bố của ông Vương Nghị không mới và mang đậm màu sắc ngoại giao. Thực tế cho thấy, hiện Trung Quốc đã không còn khả năng gây sức ép đủ lớn để buộc chính quyền Bình Nhưỡng thay đổi chính sách của mình. Chính vì lý do đó, Mỹ và Hàn Quốc không có đủ cơ sở để tin vào đề xuất “trao đổi” của ông Vương Nghị và chắc chắn, vấn đề Triều Tiên vẫn sẽ là câu chuyện dài chưa có hồi kết./.