Văn hóa và thói quen gọi điện thoại đang dần… mất đi?
Ảnh minh họa |
Điện thoại bắt đầu bước vào cuộc sống của người dân phương Tây từ những thập niên đầu của thế kỷ 20.
Khi ấy, con người bắt đầu gây dựng văn hóa xoay quanh chiếc điện thoại. Buổi ban đầu ấy, những tờ tạp chí đưa ra những bài viết tranh luận xoay quanh những ứng xử xã hội kiểu như: Có phải phép không nếu chúng ta mời bạn bè, người thân tới nhà dùng bữa qua điện thoại?
Nếu trong cuộc sống đương đại, chúng ta đã quá rõ câu trả lời, thì ngày ấy, đây vẫn là câu chuyện đáng để tranh luận. Ở thời ấy, khi tiếng chuông điện thoại vang lên, người ta thấy cần phải ngay lập tức nhấc máy, đó là một sự thúc bách từ trong nội tâm. Cách suy nghĩ này là một nét trong văn hóa gọi điện thoại.
Trước khi công nghệ cho phép máy điện thoại có thể lưu lại số của người gọi đến, thì việc để lỡ một cuộc điện thoại thường khiến người ta bồn chồn, khó chịu. Khi ấy, người ta sẽ buộc phải chờ người kia gọi lại mới biết mình đã vừa bỏ lỡ cuộc gọi của ai và mình đã vừa để lỡ được nghe sớm thông tin gì.
Đã từng có thời, khi tiếng chuông điện thoại vang lên, người ta “tất tả” chạy lại để kịp nghe trước khi “đầu dây bên kia” gác máy.
Đó là những gì đã từng xảy ra, và giờ đây những điều đó đang dần biến mất. Không có những giá trị đặc biệt gắn liền với văn hóa điện thoại kiểu ấy, chỉ có điều nó đang đổi thay: ngày càng nhiều người không còn muốn nhấc điện thoại lên nghe máy nữa.
Phản xạ hay sự hối thúc trong nội tâm về việc cầm máy lên nghe ngay khi có tiếng chuông điện thoại đang mất đi.
Nam diễn viên Liam Neeson trong một cảnh phim |
Có nhiều lý do được lý giải cho hiện tượng này. Lý do quan trọng nhất chính là con người ngày càng có nhiều lựa chọn giao tiếp. Việc nhắn tin trên các công cụ “chat” đa dạng cho bạn sự lựa chọn hấp dẫn tuyệt vời, từ ngữ có thể kết hợp với các biểu tượng “emoji”, với ảnh động, rồi còn có thể gửi kèm ảnh, video, link...
Nhắn tin rõ ràng là một trải nghiệm vui tươi, đa dạng, có tính ngẫu hứng và thể hiện phong cách riêng của mỗi người một cách nhẹ nhàng, hơn thế, bạn còn có thể cùng lúc nhắn tin với nhiều người.
Nhắn tin cũng có tính tương tác ngay lập tức, tương tự như một cuộc điện thoại. Với các loại mạng xã hội, ứng dụng chat, email..., những âm báo tin nhắn trên điện thoại giờ mới là thời thượng, còn tiếng chuông của những cuộc gọi phần nào đã trở thành... “cổ lỗ”.
Trong những năm trở lại đây, càng có thêm lý do khiến người ta cảm thấy ngần ngại mỗi khi chuông điện thoại reo. Theo bài viết của tác giả Alexis C. Madrigal trên tờ The Atlantic (Mỹ), có tới 80-90% cuộc gọi tới máy của anh là những cuộc gọi không mong muốn.
Việc bỏ lỡ một cuộc điện thoại giờ đây là khá bình thường, đặc biệt nếu đó là số lạ. Tác giả Alexis chia sẻ trải nghiệm của chính mình rằng điện thoại của anh nhận khoảng 1-2 cuộc gọi mỗi ngày và thường đó toàn là những số lạ, khiến tác giả không muốn trả lời.
Ảnh minh họa |
Những cuộc điện thoại mời chào, quảng cáo, “marketing” quá phổ biến. Thậm chí là những cuộc điện thoại với phần “thoại” đã được ghi âm sẵn, những cuộc điện thoại ấy sử dụng yếu tố lập trình công nghệ.
Những cuộc điện thoại “chào hàng” ban đầu xuất phát từ ý tưởng của con người - muốn tận dụng văn hóa điện thoại một thời, khi người nhận cuộc gọi thường cảm thấy hối thúc cần phải cầm máy lên nghe ngay khi có tiếng chuông.
Nhưng rồi dần dần con người hiện đại cảm thấy “phát chán, phát mệt” với những cuộc gọi không mong muốn lặp đi lặp lại, đến mức, đôi khi tiếng chuông điện thoại vang lên, người ta không muốn cầm máy lên nghe.
Theo những con số mà tác giả Alexis có được, trong vòng một tháng, có tới hàng tỷ cuộc gọi không mong muốn được thực hiện trên khắp thế giới, khiến cho chúng ta càng lúc càng phải “tua” nhanh trong đầu mình để đưa ra một quyết định về việc có nghe máy không, hay mặc kệ...
Đơn giản bởi, chúng ta đang dần thay đổi văn hóa giao tiếp trên điện thoại, và những cuộc gọi không còn là lựa chọn ưu tiên hàng đầu trong công năng sử dụng của những chiếc điện thoại thông minh.