Vai trò của Tổng thống Hàn Quốc đối với Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2
Nếu như thiếu vắng vai trò trung gian của Tổng thống Moon, nhiều khả năng thế hòa hoãn hiện nay giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ không xảy ra. Mặc dầu vậy, như một quan chức cao cấp của Hàn Quốc nhận xét mới đây, “ông ấy (Tổng thống Moon – ND) không quan tâm tới việc ai được ghi nhận công lao cho điều đó”. Đây là suy nghĩ của ông Moon về cách mọi người nhìn nhận đóng góp của ông đối với việc kiến tạo một nền hòa bình dài lâu trên bán đảo Triều Tiên/Hàn Quốc cũng như mức độ ghi nhận mà ông xứng đáng được nhận.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (bên trái) và Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một lần gặp gỡ vào năm 2018. Ảnh: Reuters. |
Thành tâm nỗ lực
Vị quan chức nói trên cho biết: “Triết lý của ông Moon là ông không quan tâm ai được ghi nhận vai trò, giải Nobel, giải thưởng nào đó khác, danh vọng hay sự công nhận về những thay đổi mà chúng ta thấy hiện nay ở Triều Tiên/Hàn Quốc. Tất cả điều ông ấy muốn là sẽ có một ngày mà ý tưởng về chiến tranh trở thành điều không thể hiểu được”.
Chúng ta có thể gọi Tổng thống Moon là Ngài của điều Không thể. Chỉ mới cuối năm 2017 cả thế giới không thể hình dung được những gì sẽ diễn ra ngay sau đó trên bán đảo Triều Tiên và trong mối quan hệ Mỹ-Triều Tiên. CHDCND Triều Tiên đã không hề phóng một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) cũng như thực hiện một vụ thử vũ khí hạt nhân nào trong một năm qua. Ngoài ra, đã có tới hai hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều (tính cả hội nghị được tổ chức ở Việt Nam vào tháng 2/2019 này). Đây quả là “cơ hội ngàn năm có một” để thiết lập mối quan hệ mới giữa thế giới và đất nước Triều Tiên khá khép kín. Ngài Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thực sự đóng vai trò trung gian hiệu quả giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Bước ngoặt
Nhiệm vụ hòa giải nói trên không dễ dàng chút nào. Mặc dù ai cũng rõ ông Moon nhậm chức để tìm kiếm một khởi đầu mới với nước Triều Tiên chung một dòng máu Triều/Hàn, các quan chức Hàn Quốc vẫn giải thích rõ rằng ông Moon không muốn xem là người trung gian cho quan hệ Mỹ-Triều Tiên.
Liên quan đến điều này, một quan chức ở Seoul nói như sau: “Công việc của chúng tôi không nên bị xem là mang nước tới cho Washington hay Bình Nhưỡng. Điều này có thể trở nên phức tạp và bất ổn. Chúng tôi vui lòng giúp đỡ nếu có thể nhưng đó không phải là vai trò của chúng tôi”.
Nhưng tình thế đã thay đổi, và là thay đổi theo hướng tốt đẹp. Với sự kết hợp của định mệnh, thời điểm và hoàn cảnh, Tổng thống Moon có lẽ đã trở thành người duy nhất hiểu được ở mức độ thân cận nhất về những gì mà Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đang thực sự nghĩ tới, liên quan đến các vấn đề khó khăn đang cản trở cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên.
Khi xuất hiện diễn văn Năm mới 2019 của Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (có tác dụng khơi mào đối thoại), Tổng thống Moon Jae-in đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội và tận dụng Thế vận hội mùa Đông ở Hàn Quốc theo hướng thúc đẩy đối thoại và hòa bình. Và kỳ Olympic thành công này đã thực sự dọn đường cho hội nghị Thượng đỉnh Triều Tiên-Hàn Quốc lần 1, nơi Chủ tịch Kim và Tổng thống Moon đã lần đầu gặp gỡ trực tiếp, tại khu phi quân sự (DMZ) giữa 2 miền bán đảo Triều Tiên. Ông Moon đã làm nên lịch sử khi bước qua lằn ranh giới giữa 2 nước và bắt tay Chủ tịch Kim.
Chặng đường gập ghềnh nhất đã qua và tương lai phía trước
Và chúng ta cũng đừng bỏ qua việc chặng đường chông gai mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã phải trải qua. Một tác phẩm tuyên truyền của Triều Tiên đã suýt làm cho Thượng đỉnh Trump-Kim lần 1 không được tổ chức, trong khi đó Washington đã hoãn cuộc họp thượng đỉnh lần đó.
Động cơ của ông Moon là nuôi dưỡng hòa bình và thịnh vượng cũng như chấm dứt mối quan hệ thù địch hàng thập kỷ giữa Washington và Bình Nhưỡng. Ông Moon không chỉ muốn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ông có thể có những suy nghĩ sâu xa hơn nữa:
1- Moon Jae-in thấy cơ hội lớn về phát triển kinh tế với Triều Tiên khi quốc gia này mở cửa. Nếu Mỹ và Hàn Quốc quay lưng lại với Triều Tiên thì Triều Tiên nhiều khả năng sẽ lại quay sang Trung Quốc. Thực sự, Triều Tiên có tiềm năng rất lớn về kinh tế. Cuộc đua hợp tác với Bình Nhưỡng mới chỉ bắt đầu mà nếu Hàn Quốc không hành động ngay thì có thể chậm chân.
2- Ông Moon có thể xem phát triển kinh tế Triều Tiên là cách bền vững nhất để bảo đảm an ninh cho Hàn Quốc và các đồng minh của họ. Cách làm khôn khéo là gắn sự thịnh vượng của Triều Tiên với đầu tư của Hàn Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản...
3- Từ sâu trong trái tim, ông Moon là một người dân tộc chủ nghĩa Triều/Hàn. Có lẽ ông thực sự mong muốn một dân tộc Triều/Hàn đoàn kết trên một bán đảo Triều Tiên/Hàn Quốc thống nhất và không muốn các thế lực ngoại bang can thiệp vào.
Và chúng ta hãy cùng chờ những điều kỳ diệu mới trên bán đảo Triều Tiên/Hàn Quốc sau Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2 tổ chức ở Hà Nội, Việt Nam./.