Thượng đỉnh Mỹ -Triều lần 2: Quá khứ không thể cản bước tiến tương lai
Khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội đột ngột phải rút ngắn lịch trình và không đạt được một Tuyên bố chung như kế hoạch, rất nhiều người đã bày tỏ thất vọng. Tuy nhiên, phân tích kỹ, kết quả này hoàn toàn không phải là thất bại. Quá khứ thù địch nặng nề trong vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên vẫn là “xiềng xích” ngăn hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều cùng nhau tạo nên đột phá; nhưng không thể cản trở họ củng cố nền móng vững chắc cho những tiến triển – chắc sẽ không xa - trong tương lai.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump dùng bữa tối cùng nhau hôm 27/2. Ảnh: New York Times. |
Từ trước khi diễn ra hội nghị, giới phân tích đều đã dự đoán khó có thể đạt được một sự thống nhất nhanh chóng đến thế cho một xung đột đã kéo dài hàng chục năm và luôn trong trạng thái “nóng rực” như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Dù có phần khập khiễng nhưng đã có người so sánh với trường hợp đàm phán để có được Hiệp định Paris, dài nhất trong lịch sử, tới 5 năm với 501 cuộc họp công khai và hơn 40 cuộc tiếp xúc bí mật. Nếu tính như thế thì việc chỉ trong chưa đầy một năm, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã gặp nhau 2 lần, cùng đạt được với nhau hai vấn đề mấu chốt, đã là một kỳ tích.
Hai vấn đề đã được khẳng định mạnh mẽ tại Hội nghị ở Hà Nội, là: Mỹ sẽ không tập trận và không áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng. Đổi lại, Triều Tiên sẽ không tiến hành thêm các vụ thử tên lửa. Và vì thế, cần trân trọng những gì đã đạt được trong đàm phán Mỹ- Triều cho đến thời điểm này, thay vì tiếc nuối.
Thông thường càng kỳ vọng người ta càng dễ bị thất vọng. Nhưng nhìn sâu vào sự kỳ vọng đó, lại thấy được những điều đáng để “lạc quan”.
Những điều “đầu tiên” mang đến lạc quan
Đó không chỉ là việc lần đầu tiên, một vị Tổng thống Mỹ có quyết định “phi truyền thống” là muốn gặp mặt trực tiếp đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Đó còn là hàng loạt dòng tweet cá nhân vừa hóm hỉnh nhưng chân thành và gần gũi mà ông Trump dành cho Chủ tịch Kim Jong Un cũng như cho đất nước và con người Việt Nam.
Cũng lần đầu tiên, chưa từng có tiền lệ kể cả sau các chuyến thăm Trung Quốc và Singapore, nhà lãnh đạo Triều Tiên chủ động hạ kính chống đạn xuống vẫy chào người dân Việt Nam. Và trước khi bước vào cuộc họp báo, nhận câu hỏi của phóng viên Mỹ về việc có muốn phi hạt nhân hóa hay không, ông Kim đã thẳng thắn trả lời: “Nếu không muốn, tôi đã không có mặt ở đây”…
Tất cả những cái “đầu tiên” ấy khiến công chúng càng kỳ vọng cao nhất vào một đột phá lịch sử. Nhưng điều đáng chú ý nhất từ sau cuộc gặp tại Hà Nội là “tình bạn” đặc biệt mà hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên không ngần ngại bày tỏ; kể cả sau khi họ đã không thể cùng nhau đặt bút ký vào một Tuyên bố chung. Bởi chính trị quốc tế chứng minh điều rõ ràng rằng mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa người đứng đầu các quốc gia không bao giờ không đem lại những thỏa thuận nào đó. Vì thế, những điều “đầu tiên” thú vị tại Hà Nội đã giúp củng cố nền móng cho những tiến triển trong tương lai –mà chắc chắn không xa- giữa Mỹ và Triều Tiên.
Bản thân nỗi buồn vì đã đặt kỳ vọng quá cao của phía Hàn Quốc vào hội nghị này cũng là điều rất đáng trân trọng. Trước thềm Hội nghị, người phát ngôn văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thậm chí còn khẳng định rằng sẽ đạt được Tuyên bố chấm dứt chiến tranh. Sự kỳ vọng này lý giải niềm khao khát cháy bỏng của người dân hai miền Triều Tiên trong việc chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh dai dẳng mới chỉ được tạm dừng bằng thỏa thuận ngừng bắn Mỹ- Triều năm 1953. Chừng nào còn nỗi niềm ấy, người dân Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ cùng cố gắng thúc đẩy một tương lai chính thức được hòa bình.
Cùng với hai bên trực tiếp tham gia đối thoại, nước chủ nhà Việt Nam cũng gặt hái thành công từ sự kiện. Việt Nam đã vượt sự kỳ vọng của các bên từ công tác an ninh, chuẩn bị lễ tân, hậu cần cho đến sự thân thiện và hiếu khách của người dân, để tạo nên một bầu không khí hữu nghị, cởi mở và chân thành cho cuộc gặp.
Hà Nội – địa danh từng đồng nghĩa với “chiến tranh” nay trở thành nơi kiến tạo hòa bình. Vị thế, vai trò và công tác tổ chức của Việt Nam được lãnh đạo hai nước Mỹ, Triều Tiên và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và Việt Nam – Triều Tiên đạt những bước tiến lớn dù chỉ trong thời gian rất ngắn.
Vì lẽ đó, một hội nghị không được thỏa thuận chung hoàn toàn không đồng nghĩa với “thất bại”. Cuối cùng, xin chốt lại bằng lời khẳng định của Tổng thống Trump rằng : Thà không ký một thỏa thuận còn hơn vội vã đạt được một thỏa thuận tồi.
Mỹ và Triều Tiên quyết định dừng để tiếp tục đàm phán trong bầu không khí khá thân thiện, tôn trọng nhau. Quá khứ thù địch dù dai dẳng đến đâu cũng không thể cản bước tiến trong tương lai. Bởi đối thoại và hòa bình là mong ước chung, là xu thế không thể đảo ngược trên toàn cầu./.